vĐồng tin tức tài chính 365

Sau một năm lỗ đậm, các tập đoàn dầu khí toàn cầu đối mặt tương lai bất ổn

2021-02-05 13:50

Sau một năm lỗ đậm, các tập đoàn dầu khí toàn cầu đối mặt tương lai bất ổn

Chánh Tài

(TBKTSG Online) - Các tập đoàn dầu khí toàn cầu bao gồm BP, Exxon Mobil thua lỗ tổng cộng hàng chục tỉ đô la Mỹ trong năm ngoái vì tác động của đại dịch Covid-19. Giờ đây, họ đối mặt với các câu hỏi lớn về cách mà họ có thể thích ứng với biến đổi khí hậu và các quy định quản lý khí thải ngày càng gắt gao hơn.

Các tập đoàn dầu khí BP, Exxon Mobil, Chevron thua lỗ tổng cộng hàng chục tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái. Ảnh: Economic Times

Các ‘ông lớn’ dầu khí ‘bầm dập’ vì đại dịch

Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã làm suy giảm mạnh nhu cầu xăng dầu và nhiên liệu máy bay khi các nước triển khai lệnh phong tỏa và người dân hạn chế đi lại. Mức tổn thương lớn như vậy được dự báo trở nên phổ biến hơn trong những năm tới khi các lo ngại về khí hậu ngày càng tăng, khiến các chính phủ siết chặt hạn chế khí thải nhà kính, khuyến khích sự trỗi dậy của xe điện. Tuần trước, hãng xe General Motors (Mỹ) cho biết sẽ dần loại bỏ xe động đốt trong và chỉ bán xe điện vào năm 2035.

Ngành công nghiệp dầu khí đang chuyển đổi chậm chạp sang một tương lai mà năng lượng sạch chiếm ưu thế trên thị trường. Các tập đoàn dầu khí như BP (Anh), Shell (Anh-Hà Lan) và các công ty năng lượng châu Âu khác đang đầu tư các nguồn lực đáng kể vào các dự án năng lượng mặt trời và điện gió xa bờ đồng thời giảm đầu tư vào các mỏ dầu.

Nhưng những khoản đầu tư này chỉ có thể mang lại thành quả sau nhiều năm, thậm chí sau một hoặc hai thập kỷ. Cho đến nay, các ‘ông lớn’ dầu khí  Mỹ chậm chân hơn so với các đối thủ ở châu Âu trong nỗ lực chuyển trục khỏi nhiên liệu hóa thạch. Nhưng họ đang cảm nhận sức ép ngày càng lớn từ các nhà đầu tư muốn họ thay đổi mô hình kinh doanh.

Trong tuần này, Exxon Mobil (Mỹ) thông báo đang đầu tư 3 tỉ đô la vào một mảng kinh doanh có tên gọi là ‘Các giải pháp carbon thấp’, và trước mắt sẽ tập trung phát triển các dự án phân tách và thu giữ carbon.

Hôm 2-2, Exxon Mobil công bố kết quả kinh doanh năm 2020 với mức lỗ kỷ lục 22,4 tỉ đô la Mỹ so với mức lãi 14,3 tỉ đô la trong năm 2019. Phần lớn mức lỗ này là do Exxon Mobil bút toán giảm giá trị tài sản đến 19,3 tỉ đô la, bao gồm các mỏ khí đốt mà tập đoàn này thâu tóm khi giá năng lượng đang ở mức cao hơn rất nhiều so với hiện nay.

Cùng ngày, BP cho biết tập đoàn này lỗ 5,7 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020 và đây cũng là năm thua lỗ đầu tiên của BP trong 10 năm qua. BP đang lên kế hoạch cắt giảm ít nhất 10.000 nhân viên trong tổng lực lượng nhân sự 70.000 người và bán khoảng 25 tỉ đô tài sản mà tập đoàn này thấy không còn cần thiết nữa. Tuần trước, Tập đoàn năng lượng Chevron (Mỹ) báo cáo thua lỗ 5,5 tỉ đô la trong năm ngoái. Tập đoàn dầu khí Conoco Phillips (Mỹ) cũng thua lỗ 2,7 tỉ đô la vào năm 2020.

Kỳ vọng nhu cầu phục hồi nhờ vaccine Covid-19

Một số lãnh đạo ngành dầu khí vẫn thể hiện quan điểm lạc quan khi nói về tương lai. Họ dự báo hoạt động kinh doanh sẽ bật dậy mạnh mẽ trong năm 2021 khi các chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 tăng tốc và các hoạt động kinh tế phục hồi đầy đủ hơn.

“Chúng tôi nhìn thấy nhiều cơ hội hơn trong chặng đường phía trước”,  Darren W. Woods, Giám đốc điều hành Exxon Mobil, nói trong cuộc họp báo công bố kết quả kinh doanh hôm 2-2.

Dù vậy, trong phần lớn năm ngoái, giới đầu tư ruồng bỏ Exxon Mobil và có nhiều tin đồn rộ ở Phố Wall nói rằng tập đoàn này sẽ cắt giảm cổ tức để bảo toàn tiền mặt. Giá cổ phiếu của Exxon Mobil đã giảm gần 50% kể từ tháng 1 năm ngoái và có lúc rơi về mức 31 đô la Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái, thấp nhất trong gần 20 năm qua.

Giá cổ phiếu của Exxon Mobil đang trên đà phục hồi chủ yếu nhờ giá năng lượng bật dậy mạnh mẽ trongnhững tuần gần đây. Kể từ đầu năm đến nay, giá dầu thô trên thị trường quốc tế đã tăng khoảng 10% và thời tiết mùa đông lạnh bất thường ở nhiều nơi trên thế giới đang đẩy giá khí đốt tăng mạnh vì mọi người cần sử dụng nhiên liệu này cho hệ thống sưởi ấm ở nhà và công ty.

“Ngành công nghiệp dầu khí như vừa chui lên khỏi địa ngục. Phần lớn các tập đoàn dầu khí đã vượt qua các tình cảnh tồi tệ nhất mà họ từng đối mặt. Giá cả và nhu cầu trên thị trường năng lượng ít nhiều đã ổn định kể từ thời điểm này”, Michael C. Lynch, Chủ tịch Công ty Nghiên cứu kinh tế và năng lượng chiến lược, nhận xét.

Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent có thể tăng lên mức 65 đô la Mỹ/thùng vào tháng 7 năm nay. Mức giá đó là sự phục hồi đáng kể so với thời điểm thị trường dầu suy giảm sâu vào hồi đầu năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn so với cách đây 10 năm khi giá dầu Brent vượt qua mức 140 đô la/thùng và giúp các tập đoàn dầu khí đạt lợi nhuận kỷ lục.

Triển vọng vẫn không chắc chắn

Ngành dầu khí toàn cầu trải qua nhiều cú sốc trong hơn 10 năm qua. Đầu tiên là cú suy giảm sâu của giá dầu trong thời kỳ kinh tế toàn cầu suy thoái bắt đầu từ tháng 12-2017 và đến năm 2015, giá dầu lao dốc một lần nữa khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ồ ạt tung dầu ra thị trường để bóp nghẹt ngành dầu đá phiến của Mỹ và đến cuối năm ngoái, giá dầu lại rớt thảm vì cuộc khủng hoảng Covid-19.

Năm ngoái, hàng loạt tập đoàn dầu khí phải sa thải nhân viên và cắt giảm cổ tức. Hàng chục công ty dầu đá phiến tên tuổi ở Mỹ bao gồm Chesapeake Energy phải tuyên bố phá sản. Ngay cả hiện nay, khi các điều kiện thị trường đang cải thiện, triển vọng của ngành công nghiệp dầu khí vẫn không chắc chắn.

Vì nhiều biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện với tốc độ lây lan nhanh hơn, nên vẫn chưa rõ Mỹ, châu Âu và các nền kinh tế lớn khác có thể kiểm soát đại dịch Covid-19 sớm hay không.

Thêm vào đó, biến đổi khí hậu đang đặt ra những hoài nghi lớn hơn về tương lai của ngành dầu khí. Giám đốc điều hành BP, Bernard Looney đã thúc đẩy công ty ông đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực như điện gió xa bờ và sản xuất hydrogen để chuẩn bị cho một tương lai khi mà thế giới sử dụng ít dầu khí hơn.

Nhưng hôm 2-2, ông thừa nhận rằng ‘trái ngọt’ từ một số dự án đầu tư vào năng lượng sạch này có thể chưa thể gặt hái cho đến thập niên 2030. Vì vậy, trong những năm tới, lợi nhuận của BP vẫn phải trông chờ vào mảng dầu khí.

Dù vậy, ông hoan nghênh việc Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết chống biến đổi khí hậu. Sau khi nhậm chức, ông Biden đã ký các sắc lệnh yêu cầu chính phủ nâng các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu và hạn chế các dự án khoan thăm dò dầu khí mới ở các khu vực đất đai của liên bang.

Khác với BP, Exxon Mobil vẫn kiên định với hoạt động khai thác dầu khí. Dù vậy, Darren W. Woods, Giám đốc điều hành Exxon Mobil thừa nhận rằng ngành dầu khí có thể đối mặt biến động lớn hơn trong tương lai. Ông nói: “Chúng tôi không biết giá dầu sẽ diễn biến như thế nào. Kế hoạch của chúng tôi là củng cố bảng cân đối kế toán để giúp chúng tôi chịu được bất cứ cú sốc nào trong tương lai”.


Theo New York Times

Xem thêm: lmth.no-tab-ial-gnout-tam-iod-uac-naot-ihk-uad-naod-pat-cac-mad-ol-man-tom-uas/935313/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Sau một năm lỗ đậm, các tập đoàn dầu khí toàn cầu đối mặt tương lai bất ổn”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools