Toàn cảnh công trình cống Cái Bé (bên phải) và cống Cái Lớn, trong đó công trình cống và âu thuyền trên sông Cái Bé đã được vận hành tạm ngày 5-2 - Ảnh: CHÍ QUỐC
Ngày 5-2, Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) đã đưa vào vận hành tạm cống Cái Bé và âu thuyền trên sông Cái Bé (tỉnh Kiên Giang) để phục vụ việc ngăn mặn, giữ ngọt cho tỉnh Kiên Giang và một số địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đây được xem là “siêu dự án thủy lợi” ở miền Tây bởi quy mô đầu tư giai đoạn 1 khoảng 3.300 tỉ đồng và giai đoạn 2 khoảng 2.500 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Dự án được khởi công tháng 11-2019 nhằm giải quyết bài toán mặn xâm nhập vào mùa khô ở các tỉnh như Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng...
Việc vận hành tạm này theo đề nghị của UBND tỉnh Kiên Giang và được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chấp thuận nhằm “thực hiện công tác phòng chống hạn, mặn mùa khô năm 2020-2021 phục vụ sản xuất, dân sinh”.
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, hiện nay mực nước tại các trạm đầu nguồn sông cửu Long và nội đồng trong tỉnh này xuống nhanh, ở mức tương đương so với trung bình cùng kỳ nhiều năm.
Trên sông Cái Bé, độ mặn 4‰ đã xâm nhập sâu 28km đến xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng. Còn trên sông Cái Lớn, độ mặn 4‰ đã xâm nhập sâu 22km (tới xã Thới Quản, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang).
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng thủy lợi 10, dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (giai đoạn 1) được đưa vào vận hành tạm thời cống Cái Bé sau 15 tháng thi công, sớm hơn một mùa hạn mặn theo tiến độ dự án.
Với việc đưa vào vận hành tạm cống Cái Bé sẽ giúp kiểm soát ngọt lợ cho khoảng 20.000ha đất sản xuất của tỉnh Kiên Giang.
Cũng theo vị lãnh đạo này, với sự quyết tâm lớn của đơn vị thi công, nhà thầu và chủ đầu tư hiện nay, tiến độ dự án đang được đẩy nhanh để đưa vào vận hành nhanh hơn so với tiến độ hợp đồng và sẽ hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2021.
Khi đóng toàn bộ 2 van ngăn, tàu thuyền sẽ đi vào âu thuyền bên trái nhằm đảm bảo mặn không xâm nhập nhưng tàu thuyền vẫn lưu thông bình thường - Ảnh: CHÍ QUỐC
Trong khi cống Cái Bé có thể vận hành tạm trong mùa khô năm nay, cống Cái Lớn vẫn đang được gấp rút thi công để kịp hoàn thành trong năm 2021 - Ảnh: CHÍ QUỐC
Đến ngày 5 -2 (nhằm 24 tết), công trình này vẫn được thi công, nhiều công nhân vẫn nán lại để làm nốt phần dầm dưới đáy sông - Ảnh: CHÍ QUỐC
Phần dầm này để đảm bảo khi đóng van ngăn, nước không bị rò rỉ, cách mặt nước khoảng 10m, được bảo vệ bằng hệ thống cừ chắc chắn - Ảnh: CHÍ QUỐC
Những ngày tết cận kề, công nhân vẫn miệt mài làm dưới đáy sông Cái Lớn. Theo nhà thầu, có thể tới 29 Tết Nguyên đán mới xong phần này và công nhân mới nghỉ tết - Ảnh: CHÍ QUỐC
Phút nghỉ ngơi của công nhân trên "siêu công trình thủy lợi" vào ngày 24 tết - Ảnh: CHÍ QUỐC
Theo các nhà thầu, đây là công trình đầu tiên họ phải dùng cẩu tháp thi công bởi quy mô rất lớn, trong khi những công trình thủy lợi từ trước tới nay chỉ dùng cẩu trên sà lan bình thường là có thể làm được - Ảnh: CHÍ QUỐC
Những tấm van ngăn dòng chính của dự án cũng thuộc dạng "khủng" với chiều dài 40m, cao nhất là 9m, lắp ráp ngay tại công trường dự án - Ảnh: CHÍ QUỐC
Những tấm van này đều được làm bằng thép, nặng 160 tấn (đối với cống Cái Bé) và 200 tấn (đối với cống Cái Lớn) - Ảnh: CHÍ QUỐC
TTO - Nước mặn đã lấn sâu 100km vào đất liền ĐBSCL. Lo dịch bệnh trước mắt, người dân vùng nhiễm nước mặn càng rầu hơn khi sinh kế ngày càng khó khăn hơn.
Xem thêm: mth.74935406150201202-mat-hnah-nav-yat-neim-o-iol-yuht-hnirt-gnoc-ueis/nv.ertiout