Kinh tế vĩ mô ổn định
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 là phiên họp thường kỳ cuối cùng trong năm Âm lịch Canh Tý và phiên họp đầu tiên của năm 2021, cũng là phiên họp đầu tiên của Chính phủ để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vừa thành công rất tốt đẹp.
Phiên họp đã nghe, thảo luận về một số nội dung chính: Tình hình kinh tế-xã hội tháng 1/2021, về kịch bản, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021; nghe Bộ Y tế báo cáo và thảo luận về tình hình, giải pháp phòng chống COVID-19; công tác chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 theo Chỉ thị 44 của Thủ tướng Chính phủ…
Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ 4 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo trong thời gian tới, đó là: Ban hành và thực hiện các chương trình hành động triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; quyết liệt phòng chống COVID-19 và thực hiện mục tiêu kép; tập trung các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng đầu năm để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2021; và chăm lo Tết cho người dân để tất cả người dân đều có tết. Nhiều vấn đề quan trọng đã được Chính phủ quyết định tại phiên họp, như đồng ý sớm đưa vaccine ngừa COVID-19 đến người dân trong quý I này; nghiên cứu xây dựng đề án về gói hỗ trợ thứ 2 cho người dân và doanh nghiệp; thúc đẩy 3 không gian kinh tế mới; thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ vướng mắc cho đầu tư…
Về tình hình dịch COVID-19, ngay sau khi phát hiện các ca lây nhiễm virus biến thể mới trong cộng đồng ở một số địa phương từ ngày 25/1 với tốc độ lây lan nhanh, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, với quyết tâm chính trị rất lớn, chúng ta đã kích hoạt ngay lập tức cơ chế kiểm soát, khoanh vùng, cách ly, dập dịch. Mặc dù trong thời gian Đại hội Đảng nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lập tức ban hành Chỉ thị 05, Thường trực Chính phủ tổ chức họp ngay để chỉ đạo kiên quyết, mạnh mẽ công tác phòng chống dịch. Thủ tướng đã yêu cầu, tập trung bám sát tình hình, chuẩn bị nhanh các kịch bản, tình huống, giải pháp để chủ động ứng phó hiệu quả với COVID-19, bảo đảm phát hiện nhanh hơn, hành động nhanh và quyết liệt hơn để dập dịch triệt để trong thời gian nhanh nhất.
Về tình hình kinh tế-xã hội, các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá, nền kinh tế tiếp tục đạt kết quả khả quan, đáng mừng ngay trong tháng 1. Một số kết quả nổi bật là: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2021 tăng 0,06% so với tháng trước và giảm 0,97% so với cùng kỳ. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2021 đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2021 ước tính đạt 53,9 tỷ USD, tăng 45,2% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27 tỷ USD, tăng 46,7%; nhập khẩu hàng hóa đạt 26,9 tỷ USD, tăng 43,7%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu đạt 100 triệu USD. Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa đông xuân, gieo trồng cây hoa màu trên cả nước và thu hoạch cây vụ đông ở miền Bắc. Chăn nuôi lợn tiếp tục đà phục hồi, chăn nuôi gia cầm phát triển tốt. Thông tin đáng mừng là chúng ta đã sắp sản xuất được vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi. Ngành thủy sản đạt sản lượng khai thác khá do thời tiết, ngư trường thuận lợi, người dân tích cực bám biển trong tháng cận Tết.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2021 ước tính tăng cao 22,2% so với tháng 1/2020, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 27,2%. Hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tiêu dùng tăng, các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng nhằm kích cầu, thu hút tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2021 ước tính đạt 479,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 1/2021 có nhiều khởi sắc khi doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước và tăng ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động. Tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung của các doanh nghiệp tăng 10,5% so với tháng 1/2020. Thu ngân sách đạt kết quả tốt trong tháng 1. Thị trường chứng khoán sau khi sụt giảm do thông tin liên quan đến dịch bệnh COVID-19 thì đã phục hồi trên nền tảng vĩ mô ổn định, niềm tin thị trường rất cao. Các lĩnh vực về văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Trong tháng 1/2021, đời sống dân cư nhìn chung ổn định, không phát sinh thiếu đói trên phạm vi cả nước.S
Những kết quả đạt được đã khẳng định Chính phủ bản lĩnh, quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ trước, sau Đại hội, trước Tết nguyên đán với tinh thần cao nhất phục người dân và doanh nghiệp, phòng chống dịch bệnh và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Kiên định với những nhiệm vụ, giải pháp đề ra
Về nhiệm vụ thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tuyệt đối không được hoang mang, dao động nhưng cũng không chủ quan trong phòng chống dịch COVID-19. Thủ tướng chỉ đạo chủ động theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước; nghiên cứu, phân tích kỹ xu hướng, tác động, ảnh hưởng để xây dựng đề xuất các giải pháp, đối sách hiệu quả, khả thi cả trong ngắn hạn, trung hạn, phù hợp với diễn biến, tình hình về dịch COVID-19 trong khu vực và trên thế giới. Từng thành viên Chính phủ phải nỗ lực hơn nữa, thể hiện tinh thần trách nhiệm và tính kỷ luật cao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là: Kiên định với những nhiệm vụ, giải pháp đề ra; kiên quyết không lùi bước trước dịch bệnh, khó khăn, thách thức, càng khó khăn càng phải nỗ lực, quyết tâm; tiếp tục phát huy sáng tạo, chung sức, đồng lòng nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, duy trì đà phát triển của năm 2020, quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch 2021 của cả nước và của từng bộ, ngành, địa phương.
Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, Chính phủ đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm cụ thể thời gian tới như sau: Thứ nhất, về triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ vào Nghị quyết của Đại hội để xây dựng, sớm trình ban hành chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, đồng thời hoàn thiện, trình Quốc hội phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và các vấn đề liên quan. Trong bối cảnh, tình hình mới, chúng ta cần quán triệt tinh thần đổi mới tư duy phát triển, cách nghĩ, cách làm, không ngừng đổi mới, sáng tạo để đưa đất nước vững bước đi lên, sớm hiện thực hóa các mục tiêu mà Đại hội XIII đề ra.
Thứ hai, tiếp tục quyết liệt phòng chống, dập dịch COVID-19, không được chủ quan, có các biện pháp mạnh mẽ, kịp thời, đi trước thời gian nhưng không được để hoảng loạn với tinh thần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép. Lãnh đạo các địa phương phải tập trung chỉ đạo, chủ động quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp và chịu trách nhiệm về công tác này trên địa bàn; thực hiện quyết liệt "Thông điệp 5K" của Bộ Y tế. Thực hiện nghiêm, đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch trong cộng đồng như đeo khẩu trang, khai báo y tế, không tập trung đông người; kiểm soát nhập cảnh… Phải tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để người dân không được chủ quan đối với dịch bệnh, nhất là tại các thành phố lớn; tiếp tục nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm, đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch trong cộng đồng. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về việc chấp hành các quy định phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan trong cơ quan, đơn vị mình. Ngành y tế đẩy nhanh quá trình nghiên cứu phát triển và thử nghiệm vaccine, cũng như có kế hoạch nhập khẩu vaccine để phục vụ tiêm chủng trên diện rộng.. Chính phủ đồng ý sớm đưa vaccine ngừa COVID-19 đến người dân trong quý I này; ưu tiên sản phẩm vaccine sản xuất trong nước. Cùng với chống dịch, tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả do thiên tai. Tình hình thời tiết cực đoan, rét đậm rét hại thời gian qua liên tục, kéo dài tại miền Bắc, nhất là các tỉnh vùng cao, miền núi; đồng thời dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân.
Thứ ba, về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Cần thúc đẩy 3 không gian kinh tế: kinh tế trong nước với thị trường gần 100 triệu dân, kinh tế quốc tế với hội nhập được đẩy mạnh và kinh tế số. Giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện kịch bản, các giải pháp và thường xuyên kiểm điểm, đánh giá thực hiện.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm, thường xuyên đôn đốc triển khai các dự án, công trình quan trọng. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ, tạo chuyển biến thực chất hơn nữa về môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng. Thủ tướng đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ vướng mắc cho đầu tư. Đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Chúng ta phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất, ứng dụng công nghệ cao của khu vực và thế giới.
Nhiệm vụ thứ tư, Tết cổ truyền sắp đến, Chính phủ yêu cầu phải tập trung lo Tết cho dân, không để ai thiếu Tết, đặc biệt đối tượng chính sách, người nghèo, vùng thiên tai, vùng sâu, vùng bị phong tỏa do có dịch, “bảo đảm mọi gia đình đều có Tết”. Bảo đảm hàng hóa phục vụ Tết sao cho dồi dào, chất lượng và giá cả đáp ứng các nhu cầu khác nhau để mọi nhà đón Tết ấm no, đầy đủ. Bảo đảm an ninh trật tự trong bối cảnh hiện nay, nhất là đấu tranh, phòng chống buôn bán pháo nổ, gian lận thương mại, ngăn chặn những đường dây đưa hàng hóa trái phép vào Việt Nam. Sau Tết, Thủ tướng yêu cầu cần lưu ý chấn chỉnh hoạt động lễ hội; phải bắt tay vào công việc, “không để tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức; không dùng ngân sách Nhà nước, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi. Tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương có kế hoạch bố trí cán bộ, nhân viên thực hiện nghiêm chế độ trực Tết, thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo.
Thủ tướng nhấn mạnh việc đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống, đi liền với đó là bảo vệ rừng và trồng rừng, triển khai chủ trương “trồng 1 tỷ cây xanh”. Thủ tướng lưu ý tổ chức "Tết trồng cây" ngay sau Tết, “như vừa rồi tỉnh Bến Tre phát động và sắp tới đây là Phú Yên và nhiều địa phương khác”, không chỉ một địa phương hưởng ứng chủ trương này. Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục làm tốt công tác truyền thông sao cho hiệu quả, đúng mức để người dân luôn đề phòng dịch COVID-19 nhưng không hoang. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nỗ lực việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển KTXH, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh; bảo đảm quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã giải đáp, làm rõ nhiều vấn đề được báo chí và dư luận quan tâm.
NN
Xem thêm: 114034VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www