Trong phiên này, giá vàng giao ngay trên Sàn Vàng bạc London tăng 1% so với lúc đóng cửa phiên trước, lên 1.810,26 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 4/2021 trên sàn Comex tăng 1,2% lên 1.813 USD/ounce.
Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá đã giảm 2%, là mức giảm nhiều nhất kể từ 8/1, do lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng và USD mạnh lên.
Giá vàng tuần qua giảm mạnh
Vàng đã giảm giá 2 tuần liên tiếp, với mức giá trung bình 50 ngày qua đã giảm xuống thấp hơn mức giá trung bình 200 ngày, tiền gần đến điểm báo hiệu giá sẽ còn giảm thêm nữa.
Mặc dù số liệu mới nhất từ Mỹ cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn còn trì trệ chứng tỏ Mỹ sẽ chưa thể dừng các chương trình kích thích kinh tế, và đồng USD đã quay đầu giảm sau đợt tăng mạnh trước đó, nhưng triển vọng thị trường vàng đang trở nên thiếu chắc chắn.
Neem Aslam, người phụ trách mảng phân tích thị trường của Ava Trade cho biết: "Dữ liệu của ngày 5/2 đã tái khẳng định sự cần thiết của một đợt kích thích khác, điều này đang giúp giá vàng tăng giá. "Hơn nữa, vàng đã bị bán "quá bán" và điều đó sẽ thúc đẩy nhà đầu tư dừng bán".
Trong khi đó, chiến lược gia Jonathan Butler của Mitsubishi Corp UK Plc cho rằng, năm 2021 "sẽ là một năm có hai nửa (khác biệt): vài tháng tới sẽ được đánh dấu bởi tình hình dịch Covid-19 ngày càng tồi tệ và tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu - chỉ có thể được bù đắp bằng cách kích thích tài chính và tiền tệ lớn hơn nữa", và "Điều đó sẽ tạo ra một môi trường vĩ mô hỗ trợ vàng với lợi suất thấp, đồng USD yếu và nhà đầu tư cần nơi trú ẩn an toàn."
Mặc dù vậy, kinh tế thế giới hồi phục sẽ làm giảm nhu cầu đầu tư đối với mặt hàng vàng.
Ngân hàng trung ương Nga đã tạm dừng việc mua vàng đầu tư kể từ ngày 1/4/2020, khi đó lượng vàng dự trữ của họ là 73,9 triệu ounce. Việc Ngân hàng trung ương không mua vào nữa khiến Nga có lượng vàng dư thừa nhiều, đẩy xuất khẩu vàng của nước này năm 2020 lên 320 tấn (10,3 triệu ounce), so với 124 tấn của năm trước đó.
Tiêu thụ vàng của Trung Quốc năm 2020 đã giảm 18,3% so với năm trước đó, xuống 820,98 tấn, do dịch Covid-19 ảnh hưởng tới hoạt động chế tác vàng cũng như bán lẻ mặt hàng này.
Theo Hiệp hội Vàng Trung Quốc, sản lượng vàng của thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới này năm 2020 đạt 365,34 tấn.
Nhu cầu vàng của Ấn Độ năm 2020 cũng giảm 35% xuống 446,4 tấn, thấp nhất kể từ 1994, do Covid-19.
Tuy nhiên, thị trường vàng thế giới năm 2021 có thể không "rực rỡ" như năm 2020, nhưng vẫn là nơi nhà đầu tư có thể hy vọng kiếm lời.
Nhu cầu vàng trang sức của Trung Quốc quý IV/2020 đã tăng 22,4% so với quý trước đó, ĐẠT 145,1 tấn, mức cao nhất kể từ cuối năm 2019. Tương tự, nhu cầu vàng trang sức của Ấn Độ cũng đạt 137,3 tấn, tăng 125,8% so với quý III/2020 và là mức cao nhất kể từ quý cuối năm 2019.
Tham khảo: Bloomberg, Reuters
Thu Ngân
Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.84405458060201202-gnat-cul-gnod-nad-tam-ioig-eht-gnav-aig/nv.zibefac