Theo đó, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc trong giai đoạn 2021-2025 theo phương thức đối tác công tư, có sự tham gia hỗ trợ góp vốn của nhà nước.
Các thủ tục được yêu cầu tiến hành theo quy định của pháp luật, UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trì tổ chức huy động các nguồn lực hợp pháp theo quy định để bảo đảm phần vốn ngân sách địa phương tham gia thực hiện dự án khi được giao là cơ quan có thẩm quyền.
Các Bộ: GTVT, KĐ-ĐT, Tài chính và các cơ quan liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết thủ tục nhanh chóng theo quy định, hướng dẫn UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện các thủ tục, bảo đảm chặt chẽ, tuân thủ quy định pháp luật.
Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá tác động toàn diện của việc đầu tư xây dựng đoạn cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc với các dự án BOT khác đã và đang được đầu tư như cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây... không để xảy ra xung đột, khiếu kiện, bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Bộ GTVT cũng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu phương án triển khai các đoạn cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Bảo Lộc - Liên Khương bảo đảm kết nối đồng bộ các đoạn tuyến cao tốc nhằm phát huy hiệu quả cao nhất cho toàn tuyến.
Đường từ Đồng Nai lên Bảo Lộc thường xuyên kẹt xe. Ảnh: CTV
Sau khi được giao là cơ quan có thẩm quyền, UBND tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm khẩn trương tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (nêu rõ phương án tài chính) và báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư trong thời gian sớm nhất. Phấn đấu hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong tháng 3-2021.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng được yêu cầu đề xuất nhu cầu vốn hỗ trợ của nhà nước để Bộ KH-ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu cân đối bố trí ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, sớm báo cáo Chính phủ để kịp thời trình Quốc hội.
Đoạn đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài khoảng 67 km, quy mô 4 làn xe thuộc tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Dự án nằm trong Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê năm 2016. Tuyến cao tốc có tổng mức đầu tư hơn 18.200 tỉ đồng.
Đây là công trình có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng cũng như khu vực Tây Nguyên.
Việc sớm triển khai dự án sẽ giải quyết được nút thắt lớn nhất của Quốc lộ 20 đoạn qua đèo Bảo Lộc - nút thắt có độ dốc lớn, hẹp, quanh co, nhiều khúc cua nguy hiểm và thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thời tiết trong mùa mưa gây sạt lở đất, nhiều năm qua chưa giải quyết được.
Đường cao tốc này cũng giúp thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng phát triển xứng tầm là trung tâm du lịch quốc tế, khai thác tốt nhất những lợi thế về điều kiện tự nhiên với năng lực vận tải đường bộ lớn, vì đường hàng không còn những hạn chế nhất định.