Khi nào đại dịch sẽ kết thúc là câu hỏi được đặt lên hàng đầu kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu vào năm ngoái. Câu trả lời nằm ở việc tiêm chủng cho người dân trên toàn thế giới.
Theo các nhà khoa học của Mỹ như tiến sĩ Anthony Fauci - cố vấn về Covid-19 của Nhà Trắng, thế giới chỉ có thể trở lại bình thường khi có 75-80% dân số được tiêm vaccine và đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng.
Hãng tin Bloomberg đã xây dựng cơ sở dữ liệu khổng lồ Vaccine Tracker về số lượng vaccine Covid-19 đã được tiêm trên khắp thế giới và hiện tại con số này là hơn 119 triệu liều. Dữ liệu Vaccine Tracker của Bloomberg cho thấy một số quốc gia có tốc độ tiêm chủng cao hơn nhiều lần so với các quốc gia khác, và mục tiêu của họ là tiêm vaccine cho 75% dân số (mỗi người hai liều).
Israel, quốc gia tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 cao nhất thế giới, đang hướng tới con số 75% chỉ trong 2 tháng. Trong khi đó, Mỹ có thể phải mất tới đầu năm 2022 để hoàn thành nhiệm vụ này.
Bloomberg nhận định, với tốc độ tiêm vaccine như hiện tại, thế giới cần tới 7 năm để trở lại cuộc sống bình thường.
Dữ liệu của Bloomberg dựa trên tốc độ trung bình của các lần tiêm chủng gần nhất để tính toán thời gian cần thiết để đạt tỷ lệ 75%. Tuy nhiên, tốc độ này có thể thay đổi, chậm hơn vào thời gian đầu và nhanh hơn vào khi có nhiều loại vaccine được cấp phép.
Bloomberg cho biết hiện các quốc gia đã ký hơn 100 hợp đồng để mua hơn 8,5 tỷ liều vaccine. Tuy vậy, chỉ có 1/3 trong số này bắt đầu chiến dịch tiêm chủng. Bên cạnh đó, những gián đoạn giữa hai liều tiêm vaccine cũng có thể làm ảnh hưởng tới tốc độ và hiệu quả tiêm chủng.
Hiện tại, nhiều quốc gia trên thế giới đã phê duyệt một số loại vaccine, bao gồm của các công ty Pfizer-BioNTech, Moderna, AstraZeneca/Đại học Oxford... Vaccine của Novavax và Johnson & Johnson đang đề nghị được cấp phép để đưa ra thị trường.
Tại Việt Nam, ngày 1/2, Bộ Y tế đã chính thức phê duyệt có điều kiện vaccine Covid-19 vaccine AstraZeneca (AZD1222) cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đây là vaccine Covid-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Lô vaccine đầu tiên của AstraZeneca sẽ được về tới Việt Nam vào tháng 3 năm nay. Đến tháng 6/2021, dự kiến sẽ có khoảng 30 triệu liều vaccine cung cấp cho người dân. Bộ Y tế đang tiếp tục đàm phán với AstraZeneca đồng thời làm việc với các đối tác khác để tăng số lượng cung ứng cho thị trường Việt Nam.