vĐồng tin tức tài chính 365

Tình hình Covid-19 phức tạp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ra bến xe kiểm tra

2021-02-06 09:50
Tình hình Covid-19 phức tạp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ra bến xe kiểm tra - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng chờ khai báo y tế tại khu vực chốt kiểm soát cầu Bạch Đằng tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, thuộc địa phận thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: TIẾN THẮNG

Chỉ còn 5 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, lượng người từ các nơi về quê bằng xe công cộng, xe cá nhân đã tăng dần. Các ngành, địa phương trên cả nước tăng cường các biện pháp kiểm soát phòng dịch nhằm đảm bảo an toàn, không để dịch COVID-19 lây lan.

Chiều 5-2, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng dịch tại bến xe Giáp Bát và ga Hà Nội.

Phải kiểm soát từ bến xe, nhà ga

Tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội), việc triển khai phòng dịch thực hiện khá nghiêm túc. Bến xe bố trí thông tin hướng dẫn hành khách phòng dịch, bố trí dung dịch sát khuẩn cho hành khách, yêu cầu hành khách đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, nhà xe phải lập danh sách hành khách đi xe, khai báo y tế. 

Một số phụ xe, hành khách vào mua vé mở khẩu trang để trao đổi đều được nhân viên bến xe nhắc nhở. Bến xe cũng bố trí phòng cách ly cho những hành khách có biểu hiện nhiễm bệnh.

Ông Nguyễn Văn Thể đánh giá bến xe chấp hành tốt các quy định, thực hiện đầy đủ biện pháp phòng chống dịch COVID-19. 

Dù vậy, ông Thể đề nghị bến xe tiếp tục thực hiện chống dịch sát sao, bố trí người thường xuyên nhắc nhở hành khách không thực hiện biện pháp chống dịch. 

Đồng thời, ông Thể đề nghị bến xe nên dùng máy kiểm soát thân nhiệt tự động để đảm bảo kiểm soát tốt thân nhiệt 100% hành khách, người ra vào bến xe thay vì dụng cụ đo thân nhiệt cầm tay.

Tại ga Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị bổ sung tiếng Anh trên bảng hướng dẫn phòng chống dịch để khách người nước ngoài thực hiện. 

Theo ông Vũ Anh Minh - chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, từ khi xảy ra dịch COVID-19 ngành đường sắt thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch theo chỉ thị của Thủ tướng với đầy đủ các bước từ hành khách, nhà ga, trên tàu. 

Ông Minh cho biết đến nay có khoảng 50% hành khách đã mua vé tàu tết trả vé, tương đương khoảng 100.000 vé. Ngành đường sắt đã công bố và thực hiện hỗ trợ hành khách đổi, trả vé đảm bảo quyền lợi cho hành khách.

Tại TP.HCM, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ ngày 5-2, ga Sài Gòn đo thân nhiệt hành khách trước khi vào ga lên tàu. 

Tại các cửa lên tàu, các nhân viên đường sắt được bố trí kiểm tra kỹ thông tin người đi đúng với thông tin trên vé mới được lên tàu. 

Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết đã phun khử trùng các đoàn tàu trước khi xuất phát; tại các vị trí như quầy bán vé, quầy hỗ trợ thông tin, khu vực bồn rửa tại mỗi toa tàu đều được trang bị nước rửa tay sát khuẩn. 

Công ty cũng khuyến nghị hành khách đeo khẩu trang khi vào ga, đứng cách nhau 2m, khai báo y tế, hạn chế đi lại giữa các toa xe nếu không cần thiết...

Tại bến xe Miền Đông, khách còn thưa thớt, trái ngược hẳn với không khí nhộn nhịp như mọi năm. 

Ở các cổng soát vé của bến xe luôn có lực lượng bảo vệ túc trực yêu cầu khách phải đo thân nhiệt và đeo khẩu trang cẩn thận khi ra vào bến. 

Ông Tạ Chương Chín - phó tổng giám đốc bến xe Miền Đông - khuyến cáo người dân không nên mua vé xe trôi nổi bên ngoài để đi lại vì khả năng chưa đảm bảo quy trình phòng dịch.

Tình hình Covid-19 phức tạp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ra bến xe kiểm tra - Ảnh 2.

Đo thân nhiệt và khai báo y tế những hành khách tại chốt kiểm soát y tế khu vực cầu 110, quốc lộ 14 (Ea Hleo, Đắk Lắk) - Ảnh: TÂM AN

Chốt chặn ở các cửa ngõ

Cũng trong ngày 5-2, ngoài các tỉnh, TP có ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng như Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Gia Lai, Bình Dương..., nhiều địa phương khác cũng đã siết chặt việc kiểm tra y tế, giám sát người dân từ xa về qua các tuyến cửa ngõ.

Tại Bình Định, ông Nguyễn Phi Long - chủ tịch UBND tỉnh - cho biết đã thành lập 3 chốt kiểm dịch tại 3 huyện Tây Sơn, Vân Canh và Vĩnh Thạnh (giáp ranh với Gia Lai). 

Theo ông Long, 100% phương tiện từ các nơi về Bình Định trên tuyến quốc lộ 19 đều được kiểm tra sức khỏe, khai báo y tế ngay tại chốt. 

Sau khi lấy các bản khai, công an sẽ tập hợp thông tin và chuyển về các địa phương để có theo dõi, giám sát những người từ nơi khác về địa phương mình. 

"UBND tỉnh khuyến cáo người dân không chủ quan nhưng cũng không nên hoang mang. Cần thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế và theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh, hạn chế đi lại từ địa phương này sang địa phương khác khi không có việc cần thiết" - ông Nguyễn Phi Long nói.

Tại Phú Yên, 3 chốt kiểm tra y tế được thành lập tại xã Krông Pa, xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa) và xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh) giáp ranh với tỉnh Gia Lai kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua lại nhằm phòng chống dịch. 

Chiều 5-2, một xe khách 16 chỗ chạy hướng Gia Lai - Tuy Hòa trên quốc lộ 25 khi đến chốt kiểm tra y tế ở xã Krông Pa, 8 người trên xe được đo thân nhiệt, hướng dẫn sát khuẩn tay và lần lượt khai báo y tế cho nhân viên của chốt. 

"Tui cũng lo vì mình từ Gia Lai về, không biết có bị đưa đi cách ly hay không. Nhưng sau khi khai báo y tế rõ ràng, được cán bộ của chốt kiểm tra hướng dẫn theo dõi sức khỏe, không phải cách ly, tôi thấy những lo lắng trước đây của mình là không đáng" - bà L.T.H., quê huyện Phú Hòa, nói.

Ông Tô Phương Bắc - chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa - cho hay người dân Sơn Hòa về từ vùng có ổ dịch sau khi khai báo y tế sẽ phải cách ly tập trung tại 2 khu cách ly của huyện, còn những người về từ tỉnh Gia Lai nhưng không ở trong vùng dịch thì sau khi khai báo y tế sẽ được hướng dẫn tự theo dõi y tế tại nhà.

Tình hình Covid-19 phức tạp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ra bến xe kiểm tra - Ảnh 3.

Bên trong khu cách ly tại điểm Trường mầm non Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương - Ảnh: VŨ HUỆ

Khoanh vùng, cách ly phạm vi gọn nhất

Đây là chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước tình trạng "ngăn sông cấm chợ" và cách ly y tế không phù hợp tại một số địa phương đối với người dân về quê ăn tết.

Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh áp dụng biện pháp phòng chống dịch phù hợp với mức nguy cơ của từng khu vực trên địa bàn. Mục tiêu là nhằm bảo đảm khoanh vùng, cách ly, phong tỏa ở phạm vi gọn nhất, hạn chế tối đa các hoạt động bất lợi đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân và sản xuất kinh doanh, đặc biệt là hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất trong dịp Tết Nguyên đán.

Đồng thời, có biện pháp cụ thể tạo thuận lợi cho nhân dân tiêu thụ hàng hóa, nông sản, nhất là tại vùng có dịch, vùng bị phong tỏa.

Thủ tướng lưu ý các tỉnh áp dụng biện pháp cách ly tập trung, cách ly tại nhà đối với với người đến từ vùng có dịch COVID-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế kiểm tra, chỉ đạo, xác định cụ thể vùng có dịch theo nguyên tắc "khoanh gọn nhất có thể" phục vụ mục tiêu kép để các địa phương áp dụng biện pháp phù hợp cho nhân dân đón Tết Nguyên đán, không gây cản trở không cần thiết.

Chiều 5-2, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã họp đột xuất. Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ động giảm quy mô, thời lượng tổ chức, giảm số lượng đại biểu khách mời, đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch trước khi tổ chức thực hiện đối với các lễ hội, sự kiện phục vụ Tết Nguyên đán như đường hoa Nguyễn Huệ, đường sách, hội hoa xuân...

Riêng các gian hàng ẩm thực tại các sự kiện, lễ hội, hội chợ chỉ phục vụ bán mang đi, không phục vụ ăn uống tại chỗ. Thực hiện quy trình 3 bước: đo thân nhiệt, đeo khẩu trang và khử khuẩn. Ông Phong nhấn mạnh: Những hoạt động không đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo yêu cầu nêu trên và của Sở Y tế thì dừng hoạt động.

N.AN - T.LONG

Truy vết xe chở khách nhiễm COVID-19 về Điện Biên

Tình hình Covid-19 phức tạp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ra bến xe kiểm tra - Ảnh 5.

Người dân từ tỉnh Gia Lai về Phú Yên phải khai báo y tế tại chốt kiểm tra y tế tạm thời đặt trên quốc lộ 25 thuộc xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) - Ảnh: THI TRUNG

Liên quan xe khách chở nhóm khách dương tính từ Hải Dương về Điện Biên, cơ quan chức năng đã xác định xe này tắt thiết bị hành trình, chở khách sai quy định và đã xử phạt bước đầu.

Theo ông Lê Quý Tiệp - giám đốc Sở GTVT tỉnh Hải Dương, khi dịch bùng phát tại Hải Dương thì tỉnh đã có chỉ đạo tạm dừng hoạt động xe khách tuyến cố định, xe buýt, xe hợp đồng, bao gồm cả xe của các tỉnh, TP khác đến Hải Dương. 

Trường hợp xe khách 27B-004.55 chở nhóm khách nhiễm COVID-19 từ Hải Dương về Điện Biên, ông Tiệp nhận định có thể xe này đã chạy "chui" vì Quảng Ninh và Hải Dương đều đã dừng hoạt động xe khách ngay khi dịch bùng phát.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Huy Thịnh - chánh thanh tra Sở GTVT tỉnh Điện Biên - cho biết xe khách 27B-004.55 thuộc Công ty TNHH Long Giang Điện Biên (không phải thuộc nhà xe Thành Công chạy tuyến cố định từ Móng Cái đi Điện Biên như thông tin ban đầu) là xe chạy hợp đồng, không được chở khách theo tuyến cố định. 

Tuy nhiên, xe này đã tắt thiết bị giám sát hành trình khi đi đón khách nên cơ quan chức năng chưa xác định được cụ thể xe chở khách từ đâu về Điện Biên.

Do chưa làm việc được với lái xe (đang cách ly) để làm rõ hành vi chở quá số người cũng như đang chờ trích xuất dữ liệu thiết bị hành trình nên bước đầu Thanh tra Sở GTVT Điện Biên đã xử phạt Công ty TNHH Long Giang Điện Biên 8 triệu đồng và tước phù hiệu "xe hợp đồng" 3 tháng với xe 27B-004.55 kể từ ngày 5-2.

Mức phạt trên được áp dụng cho hành vi không thông báo nội dung hợp đồng vận chuyển khách tới Sở GTVT trước khi thực hiện hợp đồng vận chuyển khách theo quy định đối với xe 27B-004.55. 

Mức phạt có tính đến tình tiết tăng nặng là "lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để vi phạm hành chính". Thanh tra Sở GTVT Điện Biên sẽ làm rõ hành vi tắt thiết bị giám sát hành trình và chở quá số người quy định để có các quyết định xử phạt tiếp theo.

Theo ông Nguyễn Thái Bình - phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Điện Biên, cơ quan này đã tạm dừng toàn bộ hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh bằng ôtô bao gồm tuyến cố định, hợp đồng, du lịch, taxi từ Điện Biên tới các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và ngược lại từ 11h ngày 28-1. 

Tuy nhiên, có 3 xe khách của Công ty Long Giang Điện Biên dù là xe hợp đồng đã chạy "chui", tắt camera giám sát hành trình để lén lút hoạt động, chạy đón trả khách không đúng theo hợp đồng và không thông báo rõ ràng địa điểm đón, trả khách cho Sở GTVT để quản lý, giám sát. 

"Như xe khách 27B-004.55 chạy "chui" chỉ bật camera giám sát một đoạn ở khu vực từ cầu Bạch Đằng (Hải Phòng), sau đó tắt rồi vô tư đón trả khách, do đó chúng tôi không phát hiện được, thậm chí nhà xe còn không khai báo các địa điểm đón trả khách" - ông Bình nói.

Theo ông Bình, chỉ khi tổ tuần tra kiểm soát dịch bệnh của xã Ẳng Tở phát hiện xe nghi ngờ chở khách từ vùng dịch về nên yêu cầu về trạm y tế xã Ẳng Tở để khai báo y tế thì mới phát hiện. 

Ngay sau khi xác định các trường hợp này trở về từ vùng dịch, lực lượng chức năng đã đưa vào khu cách ly tập trung tại Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng.

Hiện nay, thanh tra giao thông tỉnh Điện Biên tăng cường các chốt kiểm tra xe khách, xe hợp đồng hoạt động có đúng hành trình và danh sách hành khách hay không.

TUẤN PHÙNG - CHÍ TUỆ - TIẾN THẮNG

Hải Phòng, Thái Bình nói kiểm soát chặt người vùng dịch về là để... không Hải Phòng, Thái Bình nói kiểm soát chặt người vùng dịch về là để... không 'toang'

TTO - Lãnh đạo ngành y tế Hải Phòng và Thái Bình đều cho rằng việc siết chặt các quy định kiểm soát người vùng dịch đến địa phương mình là điều không ai mong muốn nhưng trong tình hình hiện nay thì việc này là cần thiết để không 'toang'.

Xem thêm: mth.63224218060201202-art-meik-ex-neb-ar-eht-nav-neyugn-gnourt-ob-pat-cuhp-91-divoc-hnih-hnit/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tình hình Covid-19 phức tạp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ra bến xe kiểm tra”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools