Điện Thái Hòa có chức năng, vị trí quan trọng nhất của hoàng cung Huế - Ảnh: THÁI LỘC
Điện Thái Hòa ở hoàng cung Huế đang được chuẩn bị trùng tu tổng thể. Trước phương án chủ đầu tư đưa ra, các nhà chuyên môn phản biện khá gay gắt vì lo ngại "sự đã rồi" khi động đến công trình quan trọng nhất và tiêu biểu cho di sản văn hóa cung đình triều Nguyễn này.
Điện Thái Hòa là nơi đặt ngai vàng, quan trọng nhất xét về chức năng, tích hợp nhiều giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Sau thời gian và chiến tranh, đây là công trình duy nhất còn tồn tại trên trục chính hoàng cung.
Xuống cấp, biến dạng
Ngôi điện, được dựng chỗ hiện nay vào năm 1833, đã qua hơn 20 lần trùng tu, lần đại trùng tu gần nhất vào năm 1923, nên kiến trúc vài phần thay đổi, xuống cấp nặng.
Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đánh giá hệ khung chính điện hư hỏng 80%, hơn 60% cột không đảm bảo chịu lực...
Tại hội nghị lấy ý kiến nhà chuyên môn tổ chức ở Huế hồi tháng 1, trung tâm đưa ra phương án hạ giải toàn bộ hệ khung, kết cấu gỗ, mái lợp và thành phần trang trí để nghiên cứu, phục hồi. Dự án kéo dài bốn năm, tổng vốn hơn 151 tỉ đồng.
Đơn vị này nêu quan điểm: "Lựa chọn thời kỳ tu bổ, phục hồi tổng thể di tích điện Thái Hòa là thời vua Minh Mạng (1820-1840) và kế thừa những thay đổi qua các lần trùng tu từ năm 1833 đến khi vương triều Nguyễn kết thúc vào năm 1945.
Lựa chọn hình ảnh kiến trúc của điện Thái Hòa dưới thời Khải Định là cơ sở chính cho tu bổ và phục hồi hình thức kiến trúc, trang trí mỹ thuật và phối trí nội thất". Thay đổi lớn nhất là phần mái chính lợp ngói ống men vàng và phần mái "lưa" đầu hồi lợp ngói liệt men vàng...
Thơ văn trang trí nội thất kiến trúc điện Thái Hòa là thành phần độc đáo của di sản Huế - Ảnh: THÁI LỘC
Nhiều mối lo
Rất nhiều ý kiến khen, chê trước những phương án tu bổ phục hồi, bởi công trình quan trọng bậc nhất này cần được tiến hành hết sức thận trọng, chuẩn mực, trở thành bài bản cho công tác trùng tu sau này.
TS Trần Đức Anh Sơn - nguyên giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế - cho rằng phương án lợp ngói liệt men vàng mái "lưa" ở hai đầu hồi là sai lệch so với công trình sau đợt đại trùng tu thời Khải Định vốn còn rất nhiều ảnh.
Theo ông, hai mái "lưa" này phải lợp bằng "bình ngõa" - loại ngói phẳng men vàng, kỹ thuật dán giáp mí tạo thành mặt phẳng trên các lớp ngói liệt lót bên dưới. Ông còn dẫn chứng hầu hết di tích trùng tu hay xây dựng thời Khải Định đều lợp "bình ngõa" theo kỹ thuật nói trên.
Phương án ông Sơn nêu ra được bên lập hồ sơ "phản biện" là khó thực thi vì dễ gây thấm dột. Ngoài ra, những đợt trùng tu của triều Nguyễn vì thiếu điều kiện phải dùng "giải pháp tình thế" thay đổi loại ngói nguyên bản trước đó.
Ông Sơn cho rằng căn cứ vào những tư liệu, hình ảnh thời Khải Định để trùng tu là giải pháp thích hợp; để thấm dột sau trùng tu chứng tỏ việc trùng tu kém chứ không phải kỹ thuật thời Nguyễn có vấn đề.
Điện Thái Hòa xuống cấp phải chống đỡ trước nguy cơ sụp đổ - Ảnh: THÁI LỘC
Chất lượng công trình sau trùng tu được nhiều người đặc biệt quan ngại. Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh nêu: "Dự án này có thời hạn bảo hành bao nhiêu năm?". Họa sĩ Trần Thanh Bình đề nghị giám sát vật liệu hết sức chặt chẽ.
Ông ví dụ: "Đôi khi dự toán sơn ta, nhưng khi thực hiện, nếu không giám sát chặt bị dùng sơn policite của Nhật, vừa rẻ vừa nhanh... có thể đến một thời gian sau thì thay đổi. Ngay cả sơn ta cũng dễ nhầm chủng loại thấp".
Phần thếp vàng, một khối lượng đồ sộ ở nội thất được lo ngại rất dễ trùng tu giả dối. TS Sơn dẫn chứng việc "thếp vàng" ở hệ thống trường lang phục hồi trong Tử Cấm thành: hồ sơ trùng tu ghi "sơn son thếp vàng" nhưng thực tế thi công là thếp bạc phủ lớp quang dầu cánh kiến tạo màu vàng.
Kết quả việc "thếp vàng" này hiện đen xỉn, thậm chí bay cả lớp thếp sau khoảng 10 năm. Hồ sơ trùng tu hiện ghi "thếp vàng" cũng do chính đơn vị đã trùng tu hệ thống trường lang nói trên thực hiện, do đó cần làm rõ việc "thếp vàng" này.
Nếu không sẽ phá hủy lớp "thếp vàng thật" của di tích để thay bằng lớp "thếp vàng giả" đương đại.
Họa sĩ Trần Thanh Bình nêu "hai đẳng cấp" về hiệu ứng mỹ thuật, dẫn đến sự khác nhau giữa vàng quỳ Kiêu Kỵ (của VN) và vàng lá công nghiệp của Nhật (rẻ hơn), sẽ không kiểm soát được nếu không giám sát kỹ...
Ông Võ Lê Nhật - giám đốc trung tâm - cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự án, đồng thời tiếp tục tổ chức các hội nghị chuyên đề liên quan trong quá trình trùng tu.
Mái “lưa” đầu hồi của điện Thái Hòa sụp một phần vì cơn bão ngày 23-9-2020 - Ảnh: TRẦN ĐỨC ANH SƠN
Kiến trúc điện Thái Hòa theo lối trùng thiềm điệp ốc, rộng 1.440m2, giữa đặt ngai vàng (bảo vật quốc gia) nằm dưới hệ thống bửu tán bằng gỗ thếp vàng tuyệt đẹp. Sau bão hôm 23-9-2020 làm phần mái bị sụp, Chính phủ đồng ý hỗ trợ khẩn cấp 100 tỉ đồng từ ngân sách để trùng tu.
TTO - Các chuyên gia, nhà nghiên cứu Huế cho rằng đơn vị trùng tu cần tiếp cận thêm các nguồn tư liệu bao gồm hình ảnh gốc, bản vẽ thời vua Khải Định và ý kiến của những nhân chứng để việc trùng tu điện Thái Hòa đảm bảo tính chính xác.
Xem thêm: mth.57650129060201202-aoh-iaht-neid-ut-gnurt-na-gnouhp-iagn-ol/nv.ertiout