Liệu kỳ vọng 'hộ chiếu vaccine' có tan như 'bong bóng du lịch'?
Đào Loan
(TBKTSG Online) - Việc nhiều quốc gia đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 làm dấy lên kỳ vọng về "hộ chiếu vaccine" tức việc gỡ bỏ yêu cầu cách ly, cho phép những người có chứng nhận tiêm đã tiêm vaccine được đi lại dễ dàng sẽ là sẽ "chìa khóa" để du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế khởi động lại.
Trao đổi với TBKTSG Online, nhiều doanh nhân và chuyên gia nhận định, vaccine là yếu tố quan trọng để du lịch có thể phục hồi nhưng có là "chìa khóa" hay không thì cần phải đánh giá lại, dựa trên những thay đổi của thị trường, chính sách ứng phó với đại dịch của các quốc gia ở thời điểm gần đây.
Tàu du lịch nằm bờ ở Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Đào Loan |
Thế giới bàn về "hộ chiếu vaccine"
Hơn một năm qua, cùng với những giai đoạn khác nhau của dịch bệnh, những người làm du lịch lại suy nghĩ về cách thức để có thể nối lại hoạt động, đặc biệt là hoạt động của mảng du lịch quốc tế nhằm giảm thiểu thiệt hại do đại dịch gây ra.
Nhiều ý tưởng đã được đưa ra và không thực hiện được. Trong đó, ý tưởng được kỳ vọng nhiều nhất là thiết lập hàng lang du lịch an toàn hay "bong bóng du lịch" giữa các nước, các điểm đến khống chế dịch tốt cũng không đem lại hiệu quả là bao vì đại dịch đã diễn tiến theo cách không thể đoán định.
Thời gian gần đây, khi các nước đẩy nhanh tiến trình đưa vaccine ngừa Covid-19 đến người dân; một vài nước cho người dân tiêm vaccine trên diện rộng và có những điểm đến như Cyprus bắt đầu gỡ bỏ quy định cách ly 14 ngày cho những người chứng minh đã được tiêm vaccine, nhiều người làm du lịch nghĩ đến ý tưởng về "hộ chiếu vaccine".
Theo đó, cùng với tiến trình tiêm vaccine trên diện rộng thì việc các điểm đến công nhận "hộ chiếu vaccine" - giấy chứng nhận đã được tiêm vaccine, cho phép du khách được đi lại dễ dàng với hộ chiếu này sẽ là "chìa khóa" để du lịch toàn cầu khởi động lại.
Cuối tháng 1 rồi, Ủy ban toàn cầu ứng phó khủng hoảng ngành du lịch đã có cuộc họp bàn về du lịch an toàn trong "thời đại tiêm chủng". Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), trong cuộc họp này, tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili đã cho rằng, việc triển khai vaccine xin là một bước đi đúng hướng. Vaccine phải là một phần của phương pháp tiếp cận phối hợp rộng rãi hơn, gồm giấy chứng nhận và thẻ thông hành để đi lại qua biên giới an toàn.
Ông cũng kêu gọi thế giới áp dụng hộ chiếu vaccine ở quy mô lớn hơn và coi đó là một yếu tố không thể thiếu để ngành du lịch hoạt động lại.
UNWTO cũng đưa ra số liệu cho thấy ngành du lịch toàn cầu đã trải qua năm 2020 tệ hại đến mức nào. Theo đó, thiệt hại về doanh thu của du lịch toàn cầu trong năm 2020 đã cao hơn 11 lần so với thiệt hại của ngành trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009.
Vì đại dịch, lượng du khách toàn cầu đã giảm 1 tỉ lượt, doanh thu du lịch giảm 1.300 tỉ đô la Mỹ, làm ảnh hưởng đến 100 - 120 triệu việc làm trực tiếp. Đa số chuyên gia của UNWTO dự báo, cho đến năm 2023, hoạt động du lịch cũng khó có thể bằng với thời điểm trước dịch. Trong bối cảnh đó, "khi nào có thể tái khởi động?" luôn là câu hỏi thường trực của những người làm du lịch.
Doanh nhân Việt Nam nhận định: không khả quan
Cũng như thế giới, du lịch Việt Nam cũng đang đứng trước "bờ vực" sau một năm Covid-19 hoành hành. Mong muốn về việc có thể sớm tái khởi động cũng luôn thường trực nhưng nhiều doanh nhân cho biết, không kỳ vọng "hộ chiếc vaccine" sẽ là chìa khóa để du lịch khởi động lại.
Có nhiều lý do được đưa ra, trong đó có lý do về kỹ thuật. Đó là việc các quốc gia sẽ hợp tác như thế nào để đảm bảo các chứng nhận đã tiêm vaccine của các quốc gia khác nhau được công nhận thống nhất và hiệu quả của vaccine.
Theo ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Công ty Outbox Consulting, vaccine đúng là cơ sở quan trọng để du lịch có thể phục hồi. Báo cáo xu hướng du lịch Việt Nam 2021 của công ty cũng đề cập đến quan điểm là lộ trình phục hồi mảng du lịch quốc tế của Việt Nam sẽ phụ thuộc rất nhiều vào vaccine.
Tuy nhiên, vaccine không thể là tất cả của quá trình tái khởi động và phục hồi vì quá trình này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như hiệu quả của vaccine, khả năng kiểm soát dịch bệnh cùng với chính sách mở cửa của các quốc gia.
"Ở thời điểm vaccine còn chưa được tiêm nhiều như hiện nay thì chỉ có quyền hy vọng chứ không thể khẳng định được điều gì", ông nói.
Cùng với những lý do vừa kể trên, lý do nổi bật được đề cập đến là niềm tin. Sau những diễn biến bất thường của dịch bệnh đi kèm với những biện pháp hạn chế đi lại và kiểm soát y tế ngặt nghèo, trong đó có những biện pháp được đưa ra vào phút chót đã làm cho du khách và cả doanh nghiệp dần mất niềm tin vào việc có thể đi du lịch/kinh doanh an toàn.
"Du khách không chỉ lo là có thể bị nhiễm bệnh khi đi du lịch hay lo không đủ tiền cho chuyến đi là còn ám ảnh về việc bị kẹt lại ở đâu đó khi bùng dịch. Doanh nhân như chúng tôi cũng vậy, nỗi lo về hủy - hoãn dịch vụ, lo đưa khách về nhà an toàn khi điểm đến đóng cửa đột ngột kèm với những thiệt hại nặng về tài chính luôn ám ảnh", ông Trần Xuân Hùng, Chủ tịch Công ty Du lịch Viking Travel nói.
Doanh nhân này cho biết, từ hồi dịch Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng đến du lịch đến nay, cứ mỗi lần dịch tạm yên là công ty lại tái khởi động nhưng sau khi bị thiệt hại nặng nề từ các đợt bùng dịch thì quyết định chờ dài hạn.
"Giờ chúng tôi phải đứng yên, dù dịch có yên 4-5 tháng cũng không dám khởi động lại cho đến khi tình hình tốt hẳn", ông Hùng nói.
Mời đọc thêm:
Lối đi nào cho ngành khách sạn sau giai đoạn 'kiệt quệ' vì đại dịch?
Mới khởi động tour Tết thì bùng dịch, du lịch TPHCM 'kêu cứu'
Ngành du lịch lại tiếp tục khủng hoảng vì du khách đòi hoàn tiền
Xem thêm: lmth.hcil-ud-gnob-gnob-uhn-nat-oc-eniccav-ueihc-oh-gnov-yk-ueil/494313/nv.semitnogiaseht.www