Tân Long (huyện Hướng Hoá) được coi là vựa chuối mật mốc ở miền Trung, với diện tích 3.700 ha. Chuối này được người dân miền Trung dùng thờ cúng dịp tết.
Sáng sớm 5/2, ông Hồ Viết Lộc (trú xã Tân Lập, Hướng Hoá) chở 8 buồng chuối bằng xe máy đến chợ Tân Long bán, và thách giá 2 triệu đồng cho cả xe chuối. Số chuối này vợ chồng ông vừa chặt sáng nay. Chuối đẹp, trái to, dài, suôn nhưng chưa bán được vì ông Lộc hô giá cao dù chính ông thừa nhận chất lượng không bằng năm ngoái.
Ông lý giải, do mưa lũ tháng 10/2020 nên một phần diện tích chuối ở Hướng Hoá bị gãy đổ, hư hỏng. Mặt khác, phần lớn diện tích trồng của người dân là thuê đất trồng chuối ở Lào, khu vực giáp biên giới Việt Nam. Do ảnh hưởng của Covid-19, người trồng chuối Việt Nam không thể nhập cảnh sang Lào để thu hoạch, khiến hàng bị khan hiếm, đẩy giá lên cao.
Năm nay, ông Lộc có một ha chuối ở Tân Lập, chỉ cho 24 buồng vào vụ tết. "Chừng này chỉ vừa đủ mua bánh kẹo, mứt thôi", ông Lộc nói. Ông có 10 ha đất trồng chuối ở Lào, đầu tư hơn 250 triệu nhưng không thể sang chăm sóc, thu hoạch nên lâm vào cảnh "nợ nần, dở khóc dở cười".
Tương tự, một người trồng chuối khác xót ruột vì 4.000 bụi chuối trồng bên Lào, nhưng "tết đến rồi vẫn không có lấy một xe chuối để bán".
Chuối trồng ở Việt Nam đã lâu ngày, đất cũ, hết chất nên chất lượng không cao. "Năm nay giá cao nhưng chỉ đủ chi phí dịp tết vì không được mấy xe. Nếu nhập được chuối bên Lào mới bù đắp được chi phí", người này chia sẻ.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hương, một thương lái đến từ huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình) vừa thoả thuận được giá một xe chuối, khoảng 200 buồng, trị giá 80 triệu đồng. Than thở chuối năm nay không đẹp lại đắt, bà Hương chỉ dám chọn những buồng từ 200.000 đến 800.000 đồng để phù hợp với khả năng chi tiêu của người địa phương.
Chợ chuối Tân Long họp đến chiều 30 tết. Vào ngày thường, chuối được bán theo kg để xuất khẩu sang Thái Lan, Trung Quốc.