Doanh nghiệp công bố lãi đậm - giá cổ phiếu vẫn lao dốc
Triêu Dương
S(TBKTSG) - Nhiều doanh nghiệp dù có lợi nhuận tăng mạnh so với năm trước và cũng vượt cao so với kế hoạch, nhưng giá cổ phiếu cũng không thể tránh khỏi đợt lao dốc của thị trường chung gần đây. Đối với những nhà đầu cơ lướt sóng thì “tin ra là bán”, nhưng những nhà đầu tư trung, dài hạn lại xem đó là cơ hội để mua vào dựa trên định giá vẫn còn rẻ.
Lợi nhuận đang dần phục hồi
Tính đến hết tháng 1-2021, đã có hơn 500 trong số 750 doanh nghiệp trên sàn HOSE và HNX công bố báo cáo tài chính quí 4-2020, trong đó gần một nửa có lợi nhuận tăng so với cùng kỳ. Đây là kết quả khá tích cực nếu nhìn vào những thiệt hại mà nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng phải chịu đựng trong đại dịch năm vừa qua. Có thể thấy sau quí 2 suy giảm nặng nề, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã dần phục hồi trở lại từ giữa quí 3 đến nay.
Đáng lưu ý là số lượng doanh nghiệp ghi nhận lỗ cho cả năm 2020 chưa đến con số 50, trong khi số doanh nghiệp có lợi nhuận trăm tỉ đồng trở lên là gần 120 và số có lãi hơn ngàn tỉ đồng là 25 doanh nghiệp. Quán quân lợi nhuận trong năm 2020 vẫn là công ty cổ phần (CTCP) Vinhomes (VHM) với mức lãi ròng hơn 27.839 tỉ đồng, tăng hơn 30% so với năm 2019. Vietcombank dù giảm nhẹ 0,4% nhưng vẫn xếp thứ 2 với lợi nhuận 18.447 tỉ đồng.
Sau một năm 2020 chứng kiến lợi nhuận bứt phá mạnh mẽ, không ít doanh nghiệp trong số này đặt kế hoạch cho năm 2021 thận trọng hơn, do đó một số nhà đầu tư cho rằng chất xúc tác tăng giá của cổ phiếu đã không còn. |
Các tên tuổi tiếp theo đều là các ngân hàng, gồm VietinBank, Techcombank, VPBank, BIDV, MBBank, ACB và VIB. Trong tốp 20 doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất còn xuất hiện thêm một loạt ngân hàng khác như HDBank, OCB, TPBank, Sacombank, MSB, LienVietPostBank.
Có thể thấy bất chấp những khó khăn trong năm vừa qua, ngành ngân hàng vẫn ăn nên làm ra và duy trì được xu hướng tăng trưởng, đóng góp lớn vào tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp đang niêm yết.
Ngoài ngành ngân hàng, nhóm chứng khoán cũng ghi nhận lợi nhuận quí 4 và cả năm 2020 tăng trưởng mạnh mẽ nhờ giá trị giao dịch trên cả ba sàn tăng mạnh giúp phí môi giới bứt phá, trong khi các mảng tự doanh, cho vay margin cũng đạt kết quả tích cực. Ngoài ra, tận dụng nhịp tăng mạnh của thị trường vừa qua, nhiều công ty chứng khoán cũng đã chốt lời danh mục đầu tư, hoặc ít nhất cũng được hoàn nhập dự phòng cho các khoản đã trích trước đây.
Cổ phiếu vẫn suy giảm theo thị trường chung
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp dù đạt kết quả lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với năm trước và cũng vượt cao so với kế hoạch đề ra đầu năm, nhưng giá cổ phiếu cũng không thể tránh khỏi đợt lao dốc của thị trường chung gần đây.
Đơn cử như CTCP tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) lợi nhuận đạt gần 948 tỉ đồng, vượt 35% so với kế hoạch năm 2020 và tăng đến 66% so với năm 2019, nhưng giá cổ phiếu cũng có lúc giảm hơn 15% trong tuần trước, xấp xỉ mức giảm của VN-Index. Với hệ số thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) năm 2020 đạt 6.611 đồng/cổ phiếu, sự sụt giảm vừa qua đưa chỉ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) của doanh nghiệp này về còn quanh 7,7.
CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL) có lợi nhuận tăng gấp 2,7 lần so với năm 2019 và gấp 2,2 lần so với kế hoạch năm 2020, đạt 336 tỉ đồng, theo đó có hệ số EPS cao nhất trên sàn là hơn 29.000 đồng/cổ phiếu, nhưng giá cổ phiếu vừa qua cũng giảm gần 17%. Dù giá đã tăng gấp gần 3 lần kể từ mức đáy vào cuối tháng 3-2019, nhưng với P/E hiện nay chỉ quanh 4,7 lần, định giá của RAL vẫn khá rẻ.
CTCP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng (NDN) có lãi ròng tăng gấp 4,7 lần so với năm 2019, đạt gần 325 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay và gấp 4,3 lần kế hoạch năm, riêng quí 4 lãi hơn 70,6 tỉ đồng, tăng gấp 5,8 lần so cùng kỳ năm 2019, nhưng giá cổ phiếu cũng đã mất hơn 30% trong đợt lao dốc vừa qua, khiến hệ số P/E chỉ còn quanh 3,6 lần.
CTCP Thống Nhất (BAX) đạt mức lãi cao nhất từ trước đến nay là hơn 145 tỉ đồng, tăng hơn 70% so với năm 2019 và vượt 34% kế hoạch năm, đẩy EPS năm 2020 lên mức kỷ lục hơn 17.700 đồng/cổ phiếu, cao thứ 3 trong số các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính tính đến nay. Giá cổ phiếu trong đợt điều chỉnh vừa qua cũng đã mất 30% giá trị, đẩy hệ số P/E chỉ còn quanh 4,5 lần.
CTCP tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC), một trong những doanh nghiệp nuôi heo lớn nhất hiện nay và nằm trong số cổ phiếu tăng mạnh nhất trong đầu năm 2020, ghi nhận lãi sau thuế năm 2020 lên đến 1.400 tỉ đồng, gấp 4,6 lần so với năm 2019 và là mức cao nhất từ trước đến nay, đã chứng kiến giá cổ phiếu lao dốc hơn 30% trong nửa cuối tháng 1 vừa qua, khiến hệ số P/E chỉ còn quanh 4 lần, khi EPS năm 2020 đạt mức cao nhất từ trước đến nay là hơn 14.000 đồng/cổ phiếu.
Trên sàn UpCom cũng chứng kiến không ít doanh nghiệp ghi nhận năm 2020 lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ, như Tổng CTCP Đường sông Miền Nam (SWC) báo lãi quí 4-2020 gấp hơn 8 lần so với cùng kỳ, cả năm 2020 lãi 149 tỉ đồng, tăng 116% so với năm 2019 và vượt gần 70% kế hoạch đề ra. Giá cổ phiếu SWC sau tin lợi nhuận công bố đã tăng vọt hơn 50%, nhưng sau đó đã nhanh chóng giảm trở lại.
Ngoài chịu áp lực điều chỉnh của thị trường chung, đối với không ít nhà đầu cơ lướt sóng vốn thường có quan điểm “tin ra là bán” và cũng đã đạt mục tiêu kỳ vọng, họ càng tranh thủ chốt lời khi doanh nghiệp công bố lợi nhuận khả quan trong mùa báo cáo tài chính vừa qua.
Ngoài ra, sau một năm 2020 chứng kiến lợi nhuận bứt phá mạnh mẽ, không ít doanh nghiệp trong số này đặt kế hoạch cho năm 2021 thận trọng hơn, do đó một số nhà đầu tư cho rằng chất xúc tác tăng giá của cổ phiếu đã không còn.
Dù vậy, đợt điều chỉnh vừa qua lại trở thành cơ hội mua vào với những nhà đầu tư trung, dài hạn theo trường phái cơ bản, hoặc những người đang muốn tái cấu trúc danh mục, khi mức định giá của những doanh nghiệp này được cho là quá rẻ so với mặt bằng thị trường chung hiện nay. Thống kê cho thấy có hơn 100 doanh nghiệp đang có hệ số P/E dưới 7, trong số này có gần 40 mã cổ phiếu có P/E từ 5 trở xuống.
Xem thêm: lmth.cod-oal-nav-ueihp-oc-aig--mad-ial-ob-gnoc-peihgn-hnaod/644313/nv.semitnogiaseht.www