vĐồng tin tức tài chính 365

Ngành sản xuất ô tô: Tiềm năng trong trung hạn!

2021-02-07 09:37

Ngành sản xuất ô tô: Tiềm năng trong trung hạn!

Linh Trang

(TBKTSG) - Một điểm rất đáng khích lệ là quy mô thị trường Việt Nam đang dần đủ lớn để các nhà sản xuất chuyển dịch từ nhập khẩu sang lắp ráp trong nước.

Thị trường ô tô của Việt Nam hiện được đánh giá là rất tiềm năng nhờ thu nhập bình quân trên đầu người đang trên đà tăng trưởng nhanh. Ảnh: THÀNH HOA

Hồi phục mạnh trong nửa cuối năm 2020

Trong năm 2020, bất chấp những khó khăn do dịch Covid-19 mang lại, hoạt động sản xuất và lắp ráp ô tô của Việt Nam trên thực tế lại không chịu quá nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Cụ thể, hoạt động sản xuất ô tô chỉ chịu sự gián đoạn nhỏ trong tháng 4 khi Chính phủ áp dụng quy định giãn cách xã hội trên toàn quốc (kéo dài trong vòng 15 ngày), sau đó các hoạt động này diễn ra bình thường cho đến hết năm.

Ngoài việc chuỗi sản xuất không bị gián đoạn thì về phía cầu tiêu thụ, nhu cầu mua xe cũng có sự hồi phục nhanh nhờ những chính sách hỗ trợ xe trong nước. Theo số liệu thống kê, tổng doanh số bán ô tô trong năm 2020 đạt gần 376.000 chiếc, chỉ giảm 5,8% so với cùng kỳ.

Số lượng xe tiêu thụ giảm mạnh nhất vào đợt bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam (từ tháng 1 đến tháng 4 với mức giảm 34% so với cùng kỳ năm trước) nhưng bắt đầu tăng nhanh trở lại kể từ tháng 6, thậm chí trong các tháng cuối năm 2020, doanh số bán còn vượt so với cùng kỳ năm 2019.

Việc Chính phủ kiểm soát tốt dịch Covid-19 và ban hành những chính sách hỗ trợ đã đóng góp quan trọng vào sự hồi phục mạnh của thị trường ô tô. Cũng nhờ những chính sách trên, thị phần xe trong nước đã tăng lên mức 65% (từ mức 62% trong năm 2019), trong khi thị phần xe nhập khẩu giảm còn 35%.

Hiện trên thị trường có sáu thương hiệu mạnh chiếm 90% thị phần là Thaco, Hyundai, Toyota, Mitsubishi, Ford, Honda với doanh số bình quân đạt 30.000-60.000 chiếc/năm, vượt qua điểm hòa vốn đối với xe lắp ráp trong nước.

Năm 2020 cũng ghi nhận sự bùng nổ các dự án mở rộng và đầu tư mới vào dây chuyền sản xuất ô tô trong nước. Nhiều nhà sản xuất ô tô đã công bố các khoản đầu tư lớn vào các dây chuyền lắp ráp ô tô và sản xuất linh kiện trong nước, bao gồm Ford, Hyundai, Mitsubishi.

Các nhà sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô cũng mở rộng sản xuất trong năm, như Fukurawa, Thành Công Việt Hưng và đặc biệt là VinFast với quy mô lên tới 500.000 sản phẩm phụ tùng ô tô một năm...

Về diễn biến giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán, cổ phiếu nhóm ngành ô tô năm 2020 tăng 23,8%, còn so với mức đáy hồi tháng 3-2020 thì nhóm này hồi phục lên tới 82%. SVC là cổ phiếu tăng giá tốt nhất trong ngành (tăng 117%) nhờ sự hồi phục của thị trường ô tô trong nửa cuối năm ngoái (lợi nhuận của SVC chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh đại lý ô tô cho những thương hiệu lớn trong ngành như Toyota, Ford, Hyundai). Bên cạnh đó, HAX và VEA cũng là những cổ phiếu có mức tăng khá tốt, đạt gần 30% trong năm 2020.

Thị trường còn rất nhiều tiềm năng

Theo báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán SSI, nhu cầu mua ô tô có thể tiếp tục tăng nhanh nhờ  nguồn cung ô tô trong nước tăng và hoạt động giảm giá, thuế, phí ở nhiều mẫu ô tô. Thị trường ô tô của Việt Nam hiện được đánh giá là rất tiềm năng nhờ thu nhập bình quân trên đầu người đang trên đà tăng trưởng nhanh, dự kiến ở mức 8-10%/năm trong vòng 10 năm tới.

So sánh với các quốc gia trong khu vực, mức thu nhập bình quân hiện nay của Việt Nam đang tiến rất gần tới điểm bùng nổ về nhu cầu mua ô tô. Theo đó, ô tô có thể sẽ sớm chuyển từ mặt hàng xa xỉ với chỉ 34 xe/1.000 người vào năm 2020 trở thành mặt hàng tiêu dùng phổ biến với tỷ lệ sở hữu xe cao như các nước trong khu vực (trên 100 xe/1.000 người).

Bên cạnh đó, sản lượng sản xuất xe trong nước cũng đang tăng nhanh, dần đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời tạo thêm sự cạnh tranh giúp giá xe ngày càng rẻ hơn. Với việc có thêm nhiều nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô mới ước tính hoàn thành vào giai đoạn 2022-2023, thị trường ô tô được đánh giá sẽ cực kỳ sôi động và các nhà sản xuất có thể ban hành nhiều chính sách chiết khấu và giảm giá mạnh mẽ để thúc đẩy nhu cầu thị trường.

Một điểm rất đáng khích lệ là quy mô thị trường Việt Nam đang dần đủ lớn để các nhà sản xuất chuyển dịch từ nhập khẩu sang lắp ráp trong nước. Hiện trên thị trường có sáu thương hiệu mạnh chiếm 90% thị phần là Thaco, Hyundai, Toyota, Mitsubishi, Ford, Honda với doanh số bình quân đạt 30.000-60.000 chiếc/năm, vượt qua điểm hòa vốn đối với xe lắp ráp trong nước (theo ước tính trước đây là 30.000-40.000 chiếc/năm cho một nhà máy lắp ráp hoặc 10.000-20.000 chiếc/năm cho mỗi mẫu xe). Tổng cộng 4/6 thương hiệu ô tô hàng đầu đã công bố đầu tư vào các nhà máy lắp ráp ô tô lớn chỉ trong hai năm gần đây và nhiều dự án lắp ráp khác sẽ triển khai trong thời gian tới.

Tuy vậy, nhà đầu tư cũng cần lưu ý một số rủi ro đối với ngành này. Đầu tiên là vấn đề môi trường. Trước những lo ngại về ô nhiễm không khí, các biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân đang được xem xét ở các thành phố lớn, điển hình như việc thắt chặt tiêu chuẩn khí thải ô tô.

Tiếp đến là rủi ro chính sách. Môi trường pháp lý trong ngành công nghiệp ô tô có biến động khá lớn do luật và quy định liên tục thay đổi. Điều này chủ yếu là do hầu hết các quy định ưu tiên bảo hộ ngành trong nước trái ngược với các hiệp định thương mại tự do hiện có như WTO, ATIGA, EVFTA, CPTPP. Do đó, các doanh nghiệp ô tô vẫn ngần ngại khi đầu tư mạnh vào ngành này.

Cuối cùng, Việt Nam đang thiếu các ngành công nghiệp phụ trợ cần thiết cho sản xuất ô tô như phụ tùng ô tô, chất bán dẫn, động cơ ô tô... So với các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia với thị trường phụ tùng ô tô phát triển, ngành ô tô Việt Nam hiện có phần kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Xem thêm: lmth.nah-gnurt-gnort-gnan-meit-ot-o-taux-nas-hnagn/174313/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ngành sản xuất ô tô: Tiềm năng trong trung hạn!”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools