Ngân hàng, chứng khoán báo lãi cao bất chấp Covid-19
Dũng Nguyễn
(TBKTSG Online) - Trái với các dự báo ban đầu, các ngân hàng và công ty chứng khoán đua nhau báo lãi cao trong năm 2020 dù dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
hình minh họa: TTXVN |
Báo lãi ngàn tỉ
Vào cuối tháng 1, có thêm một số ngân hàng tiếp tục báo cáo kết quả kinh doanh trong năm 2020 với điểm chung là tiếp tục xu hướng tăng mạnh về cả doanh thu và lợi nhuận.
Điển hình như ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 28%, đạt mức 9.596 tỉ đồng, theo báo cáo tài chính hợp nhất quí 4-2020. Tương tự, VPBank ghi nhận lãi 13.000 tỉ đồng, hoàn thành 127,5% kế hoạch và tăng trưởng 26,1%. Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 15.800 tỉ đồng và doanh thu đạt 27.000 tỉ đồng, tăng lần lượt 23,1% và 28,4%
Trước đó, rất nhiều ngân hàng báo lãi ở quy mô “khủng”, như trường hợp Vietcombank ghi nhận mức lợi nhuận 23.068 tỉ đồng, xấp xỉ so với năm trước nhưng vẫn ở mức cao nhất hệ thống và con số tuyệt đối không hề nhỏ. Tương tự, Vietinbank ghi nhận lợi nhuận tăng vọt 41% so với cùng kỳ.
Ngân hàng không phải là ngành duy nhất tăng trưởng cao, mà còn có cả các công ty chứng khoán.
Báo cáo của Techcombank cho thấy công ty con của Ngân hàng là Công ty chứng khoán Techcom Securities (TCBS) đạt doanh thu 3.300 tỉ đồng (tăng 50%), còn lợi nhuận trước thuế đạt 2.700 tỉ đồng (tăng 48%). TCBS chiếm 68% thị phần môi giới trái phiếu doanh nghiệp và 27% thị phần tài khoản chứng khoán mới mở.
Ở trường hợp khác, Công ty chứng khoán HSC ghi nhận doanh thu thuần năm 2020 đạt 1.591 tỉ đồng, tăng 26% và hoàn thành 123% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 530 tỉ đồng, tăng 23% và hoàn thành 117% kế hoạch. Còn Công ty chứng khoán SSI ước lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2020 đạt 1.545 tỉ đồng, tăng trưởng 40% so với mức thực tế 2019, vượt 178% kế hoạch kinh doanh 2020.
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán VNDirect, ngành tài chính kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực trong năm 2020. Riêng lợi nhuận ròng quí 4-2020 của các công ty chứng khoán tăng 151% so với cùng kỳ, trong bối cảnh thị trường tăng mạnh thanh khoản về cả các chỉ số.
Riêng với các ngân hàng, sau khi giảm xuống còn 6,2% trong quí 3-2020, mức tăng trưởng đã phục hồi trở lại với 25% so với cùng kỳ, đóng góp 7,6 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng 15,6% của thị trường.
Lĩnh vực chứng khoán đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của Techcombank trong năm nay. Ảnh: TCB |
Công thức tăng trưởng tài sản
Tăng trưởng khả quan là hiện tượng chung trên thị trường hiện nay, đặc biệt là ở nhóm các ngân hàng phục hồi nhanh hơn kỳ vọng. "Kết quả hoạt động của ngành không như chúng tôi ước tính", báo cáo của Công ty chứng khoán SSI trong phân tích cập nhật ngành mới đây nhận định. Theo SSI, tình hình hoạt động của ngành ngân hàng được đánh giá là vẫn khả quan hơn so với các lĩnh vực khác.
Có nhiều lý do để ngân hàng báo lãi cao, nhưng với lĩnh vực chứng khoán, sự sôi động của thị trường đã vượt ngoài mong đợi, bất chấp dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thống kê của SSI cho thấy hai chỉ số chính là VN-Index và VN30 đã phục hồi ngoạn mục 67,5% và 75,3% từ mức đáy và lấy lại được tăng trưởng 14,9% và 21,8% trong cả năm. Cũng theo SSI, độ sâu thị trường được cải thiện khi giá trị giao dịch trung bình ngày trong năm 2020 tăng 52,3% so với cùng kỳ, lên mức 7.400 tỉ đồng sau năm 2019 ảm đạm.
Theo ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tài chính chứng khoán, dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho thị trường đi lên chứ không giảm đi như suy nghĩ thông thường. Nhờ dòng tiền chảy vào mạnh hơn, các công ty chứng khoán cũng đua nhau báo lãi.
Theo báo cáo về ngành chứng khoán của Công ty SSI, các khoản đóng góp đáng kể của ngành là từ hoạt động tự doanh và phí môi giới chứng khoán. Trong khi đó, doanh thu phí từ nghiệp vụ ngân hàng đầu tư liên quan đến phát hành cổ phiếu và M&A không cao trong năm nay, do Covid-19 ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp và việc giãn cách xã hội.
Lấy ví dụ ở trường hợp của HSC, doanh thu môi giới trong năm ngoái tăng 29%, chiếm 39% tổng doanh thu. Còn hoạt động đầu tư tự doanh tăng mạnh 79%, đóng góp 23% tổng doanh thu. Tuy nhiên, doanh thu mảng tư vấn tài chính doanh nghiệp giảm 30%.
Trường hợp của công ty chứng khoán VNDirect, theo giải trình thì nguyên nhân lợi nhuận sau thuế hợp nhất quí 4 tăng đến gấp đôi so với cùng kỳ là nhờ ghi nhận từ lãi tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng 567%, lãi từ tài sản tài chính sẵn sàng để bán là 696%, doanh thu nghiệp vụ môi giới tăng 126%, doanh thu nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán tăng 76%.
Con số tăng trưởng hoạt động tính bằng lần cũng diễn ra ở nhiều ngân hàng với nguồn thu ngoài lãi tăng mạnh, bao gồm các hoạt động kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh, hoặc ghi nhận lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư.
Ở trường hợp VPBank, thu nhập ngoài lãi (bao gồm thu nhập từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối, chứng khoán) tiếp tục là động lực tăng trưởng doanh thu của ngân hàng mẹ khi tăng trưởng cả năm 2020 đạt 27%. Tỷ trọng thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập hoạt động theo đó tăng lên từ mức 19% trong năm 2019 lên mức 21%.
Ở trường hợp Techcombank, thu nhập từ hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu tiếp tục đóng góp nhiều nhất vào Thu nhập từ hoạt động dịch vụ, đạt 1.000 tỉ đồng và tăng 7% so với cùng kỳ.
Dòng vốn giá rẻ đã đẩy giá trị các tài sản tài chính tăng cao và các định chế tài chính hiện đang hưởng lợi đáng kể từ xu hướng đó. Tuy nhiên, dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán nhiều luôn đi kèm với những ẩn số rủi ro về bong bóng giá tài sản.
Bên cạnh đó, thị trường cũng hiện hữu những rủi ro kinh doanh từ áp lực cạnh tranh gay gắt hơn. “Lạm phát tăng, lãi suất tăng và giá cổ phiếu giảm có thể dẫn đến thanh khoản thị trường kém hơn và thu nhập giảm”, báo cáo về ngành chứng khoán của SSI đưa ra nhận định.
Xem thêm: lmth.91-divoc-pahc-tab-oac-ial-oab-naohk-gnuhc-gnah-nagn/965313/nv.semitnogiaseht.www