Nhưng thật thiếu sót khi nhắc đến cụm từ này mà bỏ qua quan điểm của nhà đầu tư nổi tiếng - tỷ phú Warren Buffett, người đã khẳng định trong nhiều năm rằng ông không thích bán khống.
Hãy cùng tìm hiểu lý do tại sao Buffett lại nói rằng bán khống là “thứ có thể khiến bạn không còn một xu”.
Bán khống là gì?
Ảnh: Shutterstock
Bán khống là một chiến thuật khả dụng cho các nhà đầu tư dự đoán cổ phiếu sắp giảm giá. Nghĩa là nhà đầu tư sẽ vay môi giới một lượng cổ phiếu, sau đó bán chúng ngay lập tức. Khi giá cổ phiếu thấp hơn họ sẽ mua lại rồi trả lại lượng cổ phiếu đó cho người cho vay. Nếu giao dịch suôn sẻ, nhà đầu tư sẽ bỏ túi khoản chênh lệch giữa giá mua thấp hơn và giá bán cao hơn.
Nhưng những giao dịch này không phải lúc nào cũng diễn ra tốt đẹp. Đôi khi giá của cổ phiếu bán khống tăng lên thay vì giảm xuống, buộc những nhà đầu tư phải vội vàng mua lại cổ phiếu với chi phí tăng cao để bù lỗ.
Và như những gì chúng ta đã thấy với GameStop, hiện tượng "short squeeze" khiến các nhà đầu tư tổ chức thua lỗ một cách bẽ bàng.
Vậy quan điểm của Buffett là như thế nào?
Nguồn: Larry W Smith/EPA/Shutterstock
Warren Buffett sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng những người bán khống đặt cược GameStop tụt giá đã mất hàng tỷ USD trong tháng đầu tiên của năm 2021.
Buffett nổi tiếng là người có quan điểm dài hạn khi đầu tư, thích những cổ phiếu được định giá thấp hơn là những cổ phiếu tăng giảm chóng mặt vì sự chú ý và cường điệu từ giới truyền thông.
Ông không phủ nhận bán khống có thể mang lại lợi nhuận. Tuy nhiên ông không làm vậy, vì nó chỉ mang lại khoản lợi nhuận hạn chế nhưng khả năng thua lỗ là không giới hạn.
‘Nó hết sức hấp dẫn’
Tại cuộc họp thường niên của Berkshire Hathaway vào năm 2001, ông nói bán khống đã “hủy hoại rất nhiều người. "Nó có thể khiến bạn cháy túi."
“Nó hết sức hấp dẫn,” ông tiếp tục. “Bạn thường thấy cổ phiếu đột ngột được định giá cao nhiều hơn là những cổ phiếu bị định giá thấp hơn một cách bất thường… Vì vậy, bạn nghĩ kiếm tiền từ việc bán khống thật ngon ăn. Và tất cả những gì tôi có thể nói là nó không dành cho tôi.”
‘Nó thực sự khắc nghiệt'
Buffett cho rằng một trong những vấn đề chính là những người bán khống đang phụ thuộc hoàn toàn vào những bên có quyền lực và tầm ảnh hưởng để thổi phồng cổ phiếu.
"Đó là một việc rất rất khó vì bạn phải đối mặt với tổn thất không thể lường được và trên thực tế những người định giá quá cao cổ phiếu thường nằm giữa ranh giới mong manh của người quảng cáo và kẻ lừa đảo," ông chia sẻ trong cuộc họp năm 2001.
Theo Buffett người bán khống có thể cạn tiền trước khi những người thổi phồng về cổ phiếu hết cách để giữ giá tăng.
“Nó thực sự khắc nghiệt ”, ông nói. “Theo kinh nghiệm của tôi, kiếm tiền trong dài hạn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.”
‘Đơn giản là ngu ngốc’
Buffett cũng phản ứng mạnh mẽ với câu hỏi về “đòn bẩy”, một thành tố thiết yếu của việc bán khống vì trước nhất cổ phiếu cần được vay để bán khống.
Trong một cuộc hỏi đáp với Trường Kinh doanh của Đại học Florida vào năm 1998, Buffett đưa ra nhận định về sự sụp đổ của Long Term Capital Management (LTCM) tại thời điểm đó, một quỹ đầu cơ nổi tiếng từng rất thành công và nổi tiếng khi một trong những người sáng lập từng đoạt giải Nobel.
Quỹ này đã sụp đổ nhiều tuần trước đó, một phần vì nó đã hoạt động với quá nhiều đòn bẩy trong đầu tư vào ngoại tệ và trái phiếu biến động đầy rủi ro.
“Để kiếm khoản tiền mà họ không có và không cần đến, họ đã mạo hiểm bằng những gì họ có và họ cần,” Buffett nói với khán giả. “Điều đó thật ngu ngốc. Đơn giản là ngu ngốc. Không phân biệt chỉ số IQ của bạn là bao nhiêu, nếu bạn mạo hiểm một thứ quan trọng cho một điều không quan trọng thì điều đó là vô nghĩa. "
Bạn nên làm gì?
Việc công khai nói không với việc theo đuổi lợi nhuận ngắn hạn, có thể hiểu được lý do tại sao Buffett tránh xa bán khống.
Cũng tại Đại học Florida, Buffett đã đưa ra lập trường của mình bằng một phép ẩn dụ rất rõ ràng:
“Nếu bạn đưa cho tôi một khẩu súng với một triệu buồng đạn và chỉ có 1 buồng chứa đạn rồi bạn nói: ‘Hãy đưa súng lên thái dương của bạn. Bạn muốn bao nhiêu tiền để đổi lấy 1 phát bắn, 'Tôi sẽ không kéo cò. Bạn có đặt bao nhiêu tiền đi chăng nữa cũng không có tác dụng gì với tôi vì rủi ro là rõ ràng. Vì vậy, tôi không quan tâm đến loại trò chơi đó."
Chiến lược của Buffett từ lâu là chậm mà chắc sẽ thắng cuộc đua. Rõ ràng, với tư cách là một nhà đầu tư tỷ phú, phương châm này hiệu quả với ông trong suốt những năm qua.
Và bạn có điểm mà Buffett không có khi bắt đầu đầu tư vào năm 1942: đó là công nghệ.
Các nhà đầu tư mới hiện nay có đủ các loại ứng dụng đầu tư trong tay, tất cả đều mang lại cơ hội tăng số tiền lên dần dần mà không phải chịu rủi ro lớn như bán khống.
Và bạn thậm chí không cần phải có đủ tiền mới có thể đầu tư. Với ứng dụng đầu tư vi mô, các giao dịch mua bằng thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng của bạn có thể được làm tròn đến con số gần nhất để bạn có thể đầu tư tiền lẻ dự phòng - và bạn không làm gì khác ngoài việc xem tài khoản của mình nhích lên từng ngày.
Nghe có vẻ tầm thường nhưng đó chính là chìa khóa. Như Buffett từng nói, "Những bước đi vĩ đại thường được chào đón bởi những cái ngáp."
Lê Nhi
Tổ Quốc