Dòng nước cực mạnh cuốn phăng mọi thứ trên đường đi, 150 công nhân, người dân nghi thiệt mạng - Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin Reuters, lãnh đạo bang Uttarakhand, nơi sự cố xảy ra cho biết hiện chưa thể xác định số người mất tích, nghi tử vong, tuy nhiên, có khoảng 100 đến 150 người đang bị mất liên lạc.
Theo India TVnews, sông băng bị vỡ ở thung lũng Dhauli Ganga trong khu vực Joshimath, bang Uttarakhand. Một số công nhân làm việc tại dự án thủy điện Rishi Ganga đang thi công được báo cáo mất tích ngay sau khi xảy ra sự cố. Có một con đập đã bị vỡ và bị cuốn trôi.
Người dân địa phương cho rằng ngoài những công nhân làm việc tại dự án thủy điện Rishi Ganga, những người dân đi kiếm củi hoặc chăn thả gia súc ven sông có thể cũng bị dòng nước cuốn trôi.
Nhân chứng cho biết một bức tường gồm đất, đá và nước đã rầm rập đổ xuống thung lũng sông như một trận tuyết lở.
"Vụ việc ập đến nhanh đến mức không kịp trở tay, không ai có thời gian báo động cho ai", Sanjay Singh Rana, nhân chứng sống ở thượng nguồn của làng Raini, tường thuật với Reuters qua điện thoại. "Tôi cảm thấy rằng ngay cả chúng tôi ở trên cao cũng có thể bị quét phăng".
Cảnh lũ cuốn ghê rợn do vỡ băng trên núi Himalaya, khoảng 150 người nghi bị lũ cuốn - Nguồn: YOUTUBE
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết ông đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Chính phủ liên bang đã điều động lực lượng không quân sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động cứu hộ. Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah cho biết các đội ứng phó thảm họa đang đến để hỗ trợ cứu trợ và cứu nạn.
Tất cả đang làm việc trong tình trạng thời chiến để gấp rút ứng cứu. Bang Uttar Pradesh láng giềng, bang đông dân nhất Ấn Độ cũng đang theo dõi tình hình mực nước trên sông và cảnh báo lũ.
Hình ảnh trên mạng xã hội do những người dân gần hiện trường đăng, mặc dù chưa thể xác nhận đầy đủ tính trung thực, cho thấy dòng nước cực mạnh cuốn phăng công trường một thủy điện và máy móc thiết bị xây dựng trên đường đi của nó.
Bang Uttarakhand là vùng thường xảy ra lũ quét và lở đất. Năm 2013, mưa lớn gây lũ lớn khiến 6.000 người dân ở đây thiệt mạng.
Thảm họa được gọi tên là "sóng thần Himalaya" do những dòng nước xối xả chảy mạnh từ trên triền núi, mang theo bùn và đá ập xuống, vùi lấp hoặc cuốn trôi nhà cửa, đường sá và cầu cống.
TTO - Khúc ruột miền Trung chưa năm nào gánh chịu những thảm họa về thiên tai sạt lở đất, lũ lụt như năm 2020 khiến nhiều địa phương bị thiệt hại nặng nề về người, tài sản.