Trong một nghiên cứu, giới phân tích Mỹ cho rằng một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Nga và phương Tây nếu nổ ra thì sẽ được quyết định bằng trận chiến đẫm máu ở vùng Kaliningrad đẹp như tranh vẽ nằm ở cực tây nước Nga.
Nếu Nga-NATO chiến tranh, Ba Lan phải nắm giữ vai trò tiên phong
Báo quân sự Overt Defense cuối tháng 1 đăng bài báo mô tả việc tỉnh cực tây của Nga, nơi nửa triệu người sinh sống sẽ trở thành chiến trường khốc liệt nếu Nga và các nước phương Tây thực sự nổ ra chiến tranh.
Binh sĩ Nga thuộc đơn vị kỹ sư hạm đội Baltic trong cuộc diễn tập ở vùng Kaliningrad tháng 8-2017. Ảnh: Russian Ministry of Defense/Military Times
Bài báo lưu ý rằng Moscow đã triển khai hàng ngàn binh sĩ trong khu vực cũng như các tiểu đoàn tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander có khả năng phóng đầu đạn hạt nhân tới các TP ở Đức, Ba Lan và Cộng hòa Czech.
Năm 2018, khi Nga đăng cai tổ chức giải vô địch bóng đá thế giới World Cup, một tổ chức giám sát của Mỹ ra cảnh báo về năng lực hạt nhân của Nga tại Kaliningrad, một trong những TP tổ chức giải đấu. Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) công bố hình ảnh vệ tinh mà họ mô tả là sức chứa được mở rộng tại một boongke kiên cố được dùng để cất trữ hạt nhân.
“Đây là địa điểm chúng tôi đã theo dõi trong một thời gian khá lâu và đã có nhiều đợt nâng cấp trong quá khứ song không có gì ấn tượng như lần này. Đây là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy một boongke hạt nhân được cải tạo” – một phát ngôn viên của FAS nói.
Bài báo viết rằng theo kịch bản ngày tận thế cho một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Ba Lan - thành viên NATO sẽ phải tiên phong đứng vào hàng ngũ phòng thủ và phản ứng kịp thời để ngăn một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Overt Defense viết rằng 45.000 binh sĩ đang phục vụ trong lục quân Ba Lan sẽ phải vượt qua 50.000 binh sĩ đồn trú tại Kaliningrad và giành quyền kiểm soát các cơ sở trước khi phía Nga có thể nhấn nút to màu đỏ.
Lực lượng dự bị Ba Lan trong một cuộc huấn luyện quân sự. Ảnh: PAP/Andrzej Grygiel
S-400 của Nga là trở ngại lớn
Trên thực tế sẽ có rất nhiều trở ngại với kế hoạch này và Overt Defense chỉ ra một trở ngại quan trọng nhất, đó là hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.
S-400 được ca ngợi là hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới, và được coi là mối đe dọa với các chiến cơ của NATO. Cũng vì lý do này mà Mỹ đã áp lệnh trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên NATO vì mua S-400 của Nga.
Nếu không có ưu thế trên không, thật khó có thể hình dung Ba Lan làm sao có thể thắng thế trong một cuộc chiến tranh chớp nhoáng trên mặt đất, bài báo viết.
Tuy vậy, người dân ở Kaliningrad có thể sẽ không ngủ ngon được lâu. Theo phân tích của Overt Defense, không quân Ba Lan đang nghiên cứu giải pháp chống lại S-400. Trong khi không có chi tiết nào về dự án bí mật này được đưa ra, bài báo thừa nhận “sẽ mất một thời gian để tiết lộ dự án”.
Bài báo mô tả khả năng Ba Lan có thể huy động lực lượng đủ nhanh để tiến hành tấn công phủ đầu là “khả thi và lạc quan”. Overt Defense cho rằng tốc độ và sự bất ngờ sẽ là yếu tố cần thiết khi vị trí của các lực lượng vũ trang Ba Lan không phải là yếu tố quyết định.
Nga tăng cường binh lực ở Kaliningrad Theo báo The Moscow Times, đầu tháng 12-2020, Nga điều một sư đoàn mới bao gồm các trung đoàn súng trường cơ giới, pháo binh và xe tăng tới vùng Kaliningrad giữa lúc NATO tăng cường lực lượng dọc biên giới với Nga. Đô đốc Alexander Nosatov, Tư lệnh Hạm đội Baltic của Nga cáo buộc khối quân sự phương Tây triển khai xe tăng bọc thép cùng một số tiểu đoàn chiến thuật đến sát biên giới Nga. Theo ông, các đơn vị tấn công và tiểu đơn vị khác của NATO cũng được triển khai tới vùng giáp ranh Kaliningrad. “Để đối phó mối đe dọa này, giới lãnh đạo quân đội Nga buộc thực hiện các biện pháp trả đũa. Một trong những biện pháp đó là thành lập sư đoàn súng trường cơ giới toàn diện, trở thành một phần của quân đoàn thuộc hạm đội Baltic” – ông Nosatov nói với báo Krasnaya Zvezda khi đó. Ông nói thêm sư đoàn này gồm các trung đoàn súng trường cơ giới, pháo binh và xe tăng riêng biệt. Ông Nosatov cho hay việc tăng cường lực lượng Nga ở Kaliningrad sẽ tiếp tục vào năm tới. Kaliningrad giáp biên với Ba Lan và Lithuania, hai nước thành viên NATO. Khu vực này là nơi đóng căn cứ của Hạm đội Baltic của Nga. Căng thẳng Nga-NATO vẫn ở mức cao liên quan việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. NATO đã xác định Nga là một trong những mối đe dọa chính của khối trong thập niên tới, đề nghị tăng cường năng lực của NATO để đối phó đe dọa từ Nga. |