Cộng hòa Dân chủ Congo đã hứng chịu 11 đợt dịch Ebola kể từ năm 1976 đến nay - Ảnh: NYT
Ca mắc mới là một người phụ nữ xuất hiện các triệu chứng nhiễm virus Ebola tại thị trấn Biena vào ngày 1-2 và qua đời tại bệnh viện thành phố Butembo vào ngày 3-2, theo Hãng tin Reuters.
Chồng của người phụ nữ này từng phơi nhiễm virus Ebola trong đợt bùng phát trước. Không rõ liệu trường hợp này có bắt đầu một đợt bùng phát mới ở miền đông của quốc gia châu Phi này hay không.
Trước đó, một đợt dịch bùng phát ở miền đông Congo từ năm 2018 đến năm 2020 đã giết chết hơn 2.200 người tại khu vực này.
"Đội phản ứng của tỉnh đã làm việc chăm chỉ. Đội phản ứng quốc gia sẽ đến Butembo trong thời gian ngắn để hỗ trợ" - bộ Y tế Congo thông báo. Các mẫu bệnh phẩm đã được gửi tới Kinshasa để xác nhận mối liên hệ với đợt bùng phát trước đó.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đang hỗ trợ chống dịch Ebola tại Congo, cho biết hiện các nhân viên y tế đã khoanh vùng 70 người tiếp xúc gần với người phụ nữ trên cũng như tiến hành khử trùng các nơi bà ấy đã ghé thăm.
"Không có gì lạ khi xuất hiện các trường hợp lẻ tẻ sau một đợt bùng phát lớn" - WHO nói.
Ebola là loại virus rất dễ lây lan và gây tử vong do người nhiễm virus bị sốt xuất huyết. Trong thời gian từ năm 2014 đến năm 2016, virus này đã lây lan tại nhiều khu vực ở Tây Phi, khiến hơn 11.000 người tử vong.
Riêng Congo đã trải qua 11 đợt bùng phát dịch bệnh này kể từ khi phát hiện virus gần sông Ebola hồi năm 1976. Các khu rừng mưa nhiệt đới nằm trên đường xích đạo của Congo được cho là ổ virus tự nhiên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra dịch Ebola.
Ngày 25-6-2020, Congo tuyên bố chấm dứt dịch Ebola ở miền đông nước này. Đến 18-11-2020, Bộ Y tế Congo công bố đợt dịch Ebola, bùng phát và hoành hành suốt 5 tháng qua, ở miền tây đất nước khiến 130 mắc bệnh và 55 người tử vong đã chấm dứt.
TTO - Các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc cảnh báo các bệnh dịch lây truyền từ động vật sang con người đang tăng lên và xu hướng này sẽ tiếp tục nếu chúng ta không có hành động để bảo vệ động vật hoang dã và gìn giữ môi trường.