vĐồng tin tức tài chính 365

Vụ trộm ly kỳ như tiểu thuyết của nhân viên chủ chốt tại Coca-Cola: Bán thứ "cực kỳ tuyệt mật" của công ty cho đối thủ v

2021-02-08 11:06

Vào một chiều mùa hè oi bức năm 2006, Ibrahim Dimson rảo bước xuyên qua Sân bay Quốc tế Hartsfield-Jackson tại thành phố Atlanta (Mỹ), trên tay là hộp bánh quy màu vàng chứa đầy những cuộn tiền 50 USD và 100 USD. Tổng giá trị trong đó là 30.000 USD.

Vài phút trước đó, hắn vừa giao cho "Jerry" - người tự xưng là giám đốc của Pepsi - một chiếc túi xách hiệu Armani chứa hàng đống tài liệu bị đánh cắp của Coca Cola và một lọ nhỏ đựng công thức bí mật - tất cả đều được dán nhãn "cực kỳ tuyệt mật".

Mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch. Dimson và tay trong của anh tại Coke nắm giữ hàng trăm bí mật kinh doanh mà họ dự định sẽ bán cho Pepsi. Đây mới chỉ là bước khởi đầu.

Tuy nhiên, có một vấn đề: Jerry không phải người như ông ta tự giới thiệu. Dimson và những kẻ đồng lõa không hề biết rằng chúng sắp gặp rắc rối.

Người phụ nữ tay trong

Tại Coca-Cola, giữ bí mật là tôn chỉ trong văn hóa doanh nghiệp.

Nhân viên luôn phải kiểm tra an ninh mỗi khi ra vào. Camera giám sát soi đến từng góc trong tòa nhà. Viên kim cương quý giá nhất của họ - công thức Coke nguyên bản - được khóa trong một két sắt dạng hầm trị giá nhiều triệu USD. Chỉ có hai người trên Trái đất này biết cách mở nó, và họ phải di chuyển trên các chuyến bay khác nhau nhằm đề phòng tai nạn xảy ra.

Vụ trộm ly kỳ như tiểu thuyết của nhân viên chủ chốt tại Coca-Cola: Bán thứ cực kỳ tuyệt mật của công ty cho đối thủ và cú xử lý cực kỳ cao tay của 2 ông lớn cho kẻ phản bội  - Ảnh 1.

Cựu CEO của Coca-Cola Muhtar Kent đứng trước két sắt dạng hầm trị giá nhiều triệu USD chứa công thức bí mật của Coke.

Ở nơi có mức độ bảo mật siêu cao này, Joya Williams là một nữ nhân viên gương mẫu.

Là con gái của một chấp sự nhà thờ và một giám thị lớp giáo lý, Williams đã có kinh nghiệm làm việc hơn 3,5 năm tại nhà máy đóng chai lớn nhất của Coca-Cola, trước khi gia nhập tập đoàn chính vào năm 2005. Là trợ lý hành chính cho Giám đốc Tiếp thị Toàn cầu, cô được tin tưởng giao xử lý các email nhạy cảm, các tài liệu nội bộ và các sản phẩm chưa tung ra trên thị trường.

Thế nhưng, sau 14 tháng làm việc với mức lương 50.000 USD/năm, Williams bắt đầu cảm thấy mình không được đối xử xứng đáng. Ám ảnh về sự tệ bạc của công ty, cô đã lên kế hoạch đâm lén từ phía sau.

Kế hoạch ấp ủ từ sự bất mãn

Cuối năm 2005, Williams được bạn bè giới thiệu một người tên là Edmund Duhaney. Là cha của 3 đứa con, người đàn ông 40 tuổi vừa mới ra tù vì tội buôn bán cocain và đang đi tìm việc.

Williams nói với Duhaney rằng cô đang nắm trong tay hàng loạt "tài liệu tuyệt mật" của Coca-Cola - thứ mà công ty đối thủ Pepsi sẵn sàng trả tiền để mua lại. Tuy nhiên, vì đã ký thỏa thuận bảo mật nên cô không thể tự mình giao dịch được.

Williams cần một người trung gian, và Duhaney đã giới thiệu người bạn thân trong tù Ibrahim Dimson - một nhân viên văn phòng từng biển thủ công quỹ và luôn cho rằng mình là "kẻ quyến rũ".

Sử dụng bí danh "Dirk", Dimson gửi một lá thư (bằng phong bì chính thức của Coca-Cola) tới Phó Chủ tịch Cấp cao của Pepsi. Hắn tự xưng mình là giám đốc cấp cao tại Coca-Cola và nắm trong tay rất nhiều tài liệu kinh doanh "cực kỳ tuyệt mật".

Vụ trộm ly kỳ như tiểu thuyết của nhân viên chủ chốt tại Coca-Cola: Bán thứ cực kỳ tuyệt mật của công ty cho đối thủ và cú xử lý cực kỳ cao tay của 2 ông lớn cho kẻ phản bội  - Ảnh 2.

Bức thư viết:

"Gửi Pepsi,

Tôi đã nắm giữ các tài liệu tuyệt mật mà chỉ một vài giám đốc chủ chốt trong công ty tôi được biết. Tôi thậm chí có thể cung cấp một số sản phẩm thực tế và mẫu bao bì của chúng mà chưa ai từng thấy, ngoại trừ 5 vị giám đốc kia.

Tôi mong được giao chúng cho người trả giá cao nhất. Lời đề nghị độc nhất này chỉ có hiệu lực trong vòng 2 tuần.

Ngài có thể liên lạc với tôi theo số…

DIRK"

2 tuần sau, trong sự vui mừng của Joya Williams, Dimson nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là nhân viên của PepsiCo "Jerry". Người này bày tỏ sự hứng thú và hỏi Dimson rằng liệu hắn có thể đưa ra bằng chứng cho lời đề nghị của mình không.

Dimson đã gửi cho Jerry 14 trang tài liệu của Coca-Cola qua fax - tất cả đều được đóng dấu "thông tin tuyệt mật" hoặc "thông tin nội bộ". Hắn muốn Jerry chuyển tiền tới một tài khoản ngân hàng được chỉ định để cho chứng tỏ rằng ông là một "đối tác nghiêm túc".

Không lâu sau đó, Dimson nhận được chuyển khoản 5.000 USD. Và thế là, phi vụ trộm cướp này chính thức bắt đầu.

Mờ mắt vì tiền

Là nhân viên được các sếp lớn tin tưởng, Joya Williams không chỉ nắm giữ hàng loạt tài liệu (bản thuyết trình, email nội bộ, đề xuất phát triển) mà còn cả những mẫu sản phẩm chưa được công bố trên thị trường.

Vào một tối muộn tại trụ sở của Coca-Cola ở Atlanta, Williams nhét vào trong túi xách các hồ sơ tài liệu tuyệt mật và một lọ nhỏ đựng sản phẩm "bí mật" đang được phát triển của công ty.

Sau đó, những thứ này được chuyển cho Dimson - người đã nhanh chóng thuyết phục Jerry mua nó với giá 75.000 USD, trong đó có 30.000 USD trả trước và 45.000 USD trả sau khi đã kiểm hàng.

Vụ trộm ly kỳ như tiểu thuyết của nhân viên chủ chốt tại Coca-Cola: Bán thứ cực kỳ tuyệt mật của công ty cho đối thủ và cú xử lý cực kỳ cao tay của 2 ông lớn cho kẻ phản bội  - Ảnh 3.

Trụ sở của Coca-Cola tại Atlanta

Đến tầm giữa tháng 6, cả hai gặp nhau tại Sân bay Quốc tế Hartsfield-Jackson ở Atlanta. Tại đây, Dimson đã trao cho Jerry một chiếc túi duffle hiệu Armani Exchange chứa đầy tài liệu mật để đổi lấy hộp bánh quy có tiền bên trong.

Dimson rời sân bay, lên một chiếc xe mà Duhaney đã chờ sẵn và lái tới Decatur, Georgia - nơi họ sẽ chia số tiền này cho nhau: 2.000 USD cho Duhaney, 6.000 USD cho Williams và một khoản lớn cho bản thân Dimson trị giá 22.000 USD.

Tuy nhiên, cuộc chơi chỉ thực sự bắt đầu vào 10 ngày sau đó, khi Jerry gọi điện cho Dimson và đề nghị trả hắn 1,5 triệu USD cho những bí mật kinh doanh còn lại.

Bộ ba này đã đào trúng một mỏ vàng, ít nhất là nhìn từ bên ngoài…

Khi lớp mặt nạ của Jerry được gỡ bỏ

Trên thực tế, Jerry không phải là giám đốc của Pepsi. Ông là Gerald Reichard - một đặc vụ FBI.

Nhiều tháng trước, khi Pepsi nhận được bức thư mời gọi từ bộ ba kia, họ đã nhanh chóng chuyển nó cho Coca-Cola và thông báo rằng hãng có kẻ tuồn tin ra bên ngoài. Tiếp theo, Coca-Cola đã mang bằng chứng tới cho FBI để họ tiến hành điều tra bí mật.

Vào ngày 7/5/2006, Williams, Dimson và Duhaney đã bị bắt giữ vì tội lừa đảo qua thư tín điện thoại, trộm và bán các bí mật kinh doanh.

Vụ trộm ly kỳ như tiểu thuyết của nhân viên chủ chốt tại Coca-Cola: Bán thứ cực kỳ tuyệt mật của công ty cho đối thủ và cú xử lý cực kỳ cao tay của 2 ông lớn cho kẻ phản bội  - Ảnh 4.

Tranh minh họa 3 thủ phạm trong vụ án

Sau một phiên xét xử nhanh gọn, Duhaney và Dimson lần lượt bị kết án 2 và 5 năm tù giam. "Phi vụ này nhẽ ra nên kết thúc ngay khi nó mới bắt đầu", Duhaney hối hận nói tại tòa. "Thật là một ảo tưởng".

Ban đầu, Williams từ chối các cáo buộc và khăng khăng rằng mình bị đồng bọn đâm sau lưng. Tuy nhiên, với một loạt bằng chứng không thể phủ nhận, cô ta cuối cùng đã phải lĩnh bản án 8 năm tù giam.

"Vụ này giống như tiểu thuyết trinh thám vậy", luật sư của Williams nói với các phóng viên.

Cạnh tranh công bằng

"Chúng tôi chỉ làm điều mà bất cứ công ty có trách nhiệm nào cũng sẽ làm", người phát ngôn của PepsiCo sau đó nói. "Cạnh tranh có thể gay gắt, nhưng phải công bằng và đúng luật".

Quả thực, sự cạnh tranh giữa hai ông lớn này diễn ra vô cùng "gay gắt". Được thành lập cách nhau 7 năm vào cuối thế kỷ 19, Coca-Cola và PepsiCo không ngừng ganh đua với nhau trong cuộc chiến chiếm thị phần kể từ đó đến nay.

Họ giành nhau từng mẩu quảng cáo, tổ chức các buổi thử nghiệm bịt mắt quy mô lớn, tạo ra cuộc chiến marketing vô cùng khốc liệt đến mức truyền thông đặt tên là "chiến tranh Cola". Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, một cựu CEO Coca-Cola mặc quân phục đã đập vỡ chai Pepsi xuống dưới đất trong buổi đại hội của tập đoàn.

Thế nhưng, 15 năm trước, PepsiCo đã chẳng hề ngần ngại từ chối lời đề nghị mua lại bí mật kinh doanh. Đây là điều mà rất nhiều doanh nghiệp ngày nay có thể học hỏi.

Có không ít công ty lớn từng bị cáo buộc ăn cắp bí mật kinh doanh. Đến một lúc nào đó, họ sẽ phải đối mặt với câu hỏi không thể nào tránh được: họ muốn làm Dirk hay Jerry?

(Theo Hustle)

Linh Hân

Doanh nghiệp và Tiếp thị

Xem thêm: 80201202-iob-nahp-ek-ohc-nol-gno-2-auc-yat-oac-yk-cuc-yl-ux-uc-av-uht-iod-ohc-yt-gnoc-auc-tam-teyut-yk-cuc-uht-nab-aloc-acoc-iat-tohc-uhc-neiv-nahn-auc-teyuht-ueit-uhn-yk-yl-mort-uv/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Vụ trộm ly kỳ như tiểu thuyết của nhân viên chủ chốt tại Coca-Cola: Bán thứ "cực kỳ tuyệt mật" của công ty cho đối thủ v”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools