Năm 1972, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Richard Nixon thực hiện chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc sau nhiều năm lên kế hoạch. Chuyến thăm đánh dấu việc nối lại các cuộc tiếp xúc ngoại giao trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc sau gần ¼ thế kỷ cô lập về chính trị.
Sự tan băng quan hệ lên đến đỉnh điểm vào năm 1979 khi Mỹ thiết lập đầy đủ quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ khi đó Richard Nixon (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc khi đó Mao Trạch Đông trong chuyến thăm lịch sử Trung Quốc ngày 21-2-1972. Ảnh: AP
Chuyến thăm Trung Quốc của ông Nixon được thúc đẩy từ khát vọng giành thêm nhiều đòn bẩy hơn trong quan hệ giữa Mỹ với Liên Xô. Ông Nixon thăm Trung Quốc trong bối cảnh sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Liên Xô gia tăng khắp thế giới, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của hải quân nước xanh Liên Xô và sự ủng hộ rộng rãi của Liên Xô dành cho các phong trào lật đổ khắp thế giới.
Thời điểm này, quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô xấu đi, một phần do các cuộc đụng độ quân sự nhiều lần giữa hai nước dọc khu vực sông Ussuri năm 1969. Thậm chí, vào thời điểm đó, có nhiều tin đồn nói Moscow đã tính đến một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào các bãi thử hạt nhân của Trung Quốc ở Tân Cương.
Trong bối cảnh lực lượng quân sự Liên Xô tăng cường hiện diện tại khu vực biên giới hai nước, giới lãnh đạo Trung Quốc kết luận rằng Liên Xô đặt ra mối đe dọa cho Trung Quốc lớn hơn cả Mỹ.
Chuyến thăm Trung Quốc của ông Nixcon được mô tả như việc “chơi lá bài Trung Quốc” – thuật ngữ mà ngày nay đi vào sử sách.
Nửa thế kỷ sau, Trung Quốc và Mỹ trở thành đối thủ chính của nhau. Hai nước cạnh tranh gay gắt trên các mặt trận từ quân sự, kinh tế, công nghệ đến ngoại giao khắp thế giới.
Nga không còn nắm vị thế siêu cường toàn cầu như Liên Xô trước kia. Với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nguyên liệu thô, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt, Nga có ít triển vọng khôi phục vị thế này.
Tuy vậy, Moscow vẫn được đánh giá là nước có lực lượng quân đội hùng hậu, có khả năng phát huy sức mạnh đáng kể dọc theo các vùng biên giới nước này cùng một tổ hợp quân sự - công nghiệp – công nghệ rộng lớn.
Giờ đây khi bộ ba Mỹ-Trung-Nga gia tăng cạnh tranh thì liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có thử “chơi lá bài Trung Quốc” để tìm ra đòn bẩy đối phó Mỹ hay không?
Nga và Trung Quốc
Trong thập niên qua, Nga đã mở rộng đáng kể mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc – nhà nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới hiện nay. Là nhà xuất khẩu hydrocarbon lớn nhất thế giới, cũng dễ hiểu khi Nga tìm kiếm thị trường mới ở Trung Quốc, đặc biệt khi khả năng mở rộng xuất khẩu năng lượng của nước này sang Liên minh châu Âu (EU) bị cản trở do lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu.
Sĩ quan quân sự Nga và Trung Quốc chỉ huy lực lượng của họ trong cuộc tập trận bắn đạn thật chung tại thao trường Chebarkul ở Chelyabinsk (Nga) năm 2013. Ảnh: Tan Changjun / TÂN HOA XÃ
Những lệnh trừng phạt này đã chặn Nga tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tài chính phương Tây, vì thế Moscow quay sang Bắc Kinh tài trợ các dự án phát triển năng lượng và tài nguyên của nước này.
Về phần mình, Trung Quốc kết nối tuyến hàng hải Hành lang Đông Bắc của Nga đi qua nhiều vùng biển Bắc Cực vào chương trình phát triển cơ sở hạ tầng thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), gọi đây là “Con đường tơ lụa vùng cực”.
Moscow còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Trung Quốc thực hiện các nỗ lực hiện đại hóa quân đội. Về mặt lịch sử, Trung Quốc là một trong những khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga, chỉ xếp thứ hai sau Ấn Độ. Năm 2018, Trung Quốc chiếm khoảng 14% doanh thu xuất khẩu vũ khí của Nga, tức khoảng 15 tỉ USD.
Nga cung cấp cho Trung Quốc tiêm kích đa nhiệm Su-35. Su-35 mang được cả tên lửa không đối không và không đối đất dẫn đường lẫn không dẫn đường, cũng như mang được bom thông minh lẫn bom thông thường. Hai nước cũng hợp tác phát triển trực thăng quân sự hạng nặng sử dụng cho mục đích quân sự.
Trung Quốc trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: Sergei Malgavko/TASS
Không những thế, Nga còn cung cấp sáu hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 cho Trung Quốc. Việc triển khai hệ thống S-400 sẽ cho phép Trung Quốc tạo ra vùng cấm bay ở eo biển Đài Loan.
Nga cũng đang giúp Trung Quốc xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm để xác định các vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Hiện nay, chỉ có Mỹ và Nga mới có khả năng này.
Hơn thế nữa, Nga và Trung Quốc đã và đang mở rộng quy mô các cuộc tập trận quân sự chung. Trước năm 2018, những cuộc tập trận chung này xoay quanh các kịch bản chống khủng bố nhưng từ cuộc tập trận Vostok 2018, các cuộc tập trận chung giữa hai nước tập trung vào nội dung huấn luyện và phối hợp phòng thủ và phản công.
Ông Putin sẽ chơi “lá bài Trung Quốc”?
Tổng thống Putin không ngần ngại đưa ra gợi ý là ông sẽ xem xét thành lập một liên minh chính thức với Trung Quốc. Hôm 20-10-2020, tại cuộc họp Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai, khi được hỏi về khả năng thành lập liên minh quân sự với Trung Quốc, ông Putin trả lời: “Có thể hình dung ra bất cứ thứ gì. Chúng tôi vẫn chưa đặt ra mục tiêu này song về nguyên tắc chúng tôi cũng không loại trừ khả năng này”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế ở St.Petersburg (Nga) tháng 6-2019. Ảnh: Dmitri Lovetsky/Pool/REUTERS
Theo giới quan sát, mặc dù Nga-Trung có sự hợp tác sâu rộng nhưng lợi ích lâu dài của hai nước có sự khác biệt đáng kể.
Mặc dù Trung Quốc tạo điều kiện để Nga tham gia BRI nhưng chương trình này đi ngược lại lợi ích lâu dài của Nga. BRI, nếu thành công sẽ thu hút các quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô trước đây như Uzbekistan, Tajikistan, Kazakhstan, Turkmenistan, Kyrgyzstan và Azerbaijan vào quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc, thậm chí cả quỹ đạo ngoại giao và chính trị của nước này.
Trong khi đó, Moscow có ý định tái hợp nhất các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây vào Liên minh Kinh tế Á-Âu (liên minh thuế quan và thị trường chung), tận dụng khả tiếp cận địa lý của mình vào thị trường năng lượng châu Âu để thu phí trung chuyển và giành lợi thế về mặt chính trị khi các nguồn năng lượng của Trung Á được xuất sang châu Âu.
Tuy nhiên, nếu việc xuất khẩu các nguồn năng lượng này đi về phía đông, hướng về phía Trung Quốc, Moscow sẽ có rất ít đòn bẩy đối với những nước nói trên, dù trước mắt Nga có thể cho phép họ tiếp cận đường ống dẫn khí đốt và cơ sở hạ tầng đường sắt hiện có của Nga.
Về lâu về dài, những nước này sẽ cạnh tranh trực tiếp với Nga về xuất khẩu hydrocarbons sang Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, không rõ nước này sẽ thu được lợi ích gì từ việc thành lập liên minh chính thức với Nga. Nga chiếm chưa tới 2% tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc, trong khi Mỹ chiếm tới 20%. Mối quan hệ mật thiết hơn với Nga sẽ không giúp Trung Quốc thay đổi cán cân thương mại này bằng bất cứ cách nào.
Đó là chưa nói đến chuyện một liên minh quân sự chính thức với Nga sẽ đặt trách nhiệm đáng kể lên vai Trung Quốc, buộc can thiệp vào những cuộc xung đột mà Bắc Kinh muốn tránh.
Thách thức với Mỹ
Khả năng Nga-Trung thành lập liên minh đặt ra thách thức đáng kể cho Mỹ, đặc biệt là vị thế của Mỹ tại Đông Á và Tây Thái Bình Dương. Không có gì ngạc nhiên khi Điện Kremlin sẽ dùng mối đe dọa này để có thêm đòn bẩy chống lại Mỹ. Nga không đơn độc trong cuộc chơi này. Trung Quốc cũng có thể chơi “lá bài Nga” để mở rộng đòn bẩy của mình chống lại Mỹ.
Mặc dù các lợi ích của Nga và Trung Quốc về lâu về dài có sự khác biệt đáng kể và trong nhiều trường hợp là bất đồng nhau, song hai nước sẽ sử dụng việc mở rộng hợp tác quân sự và kinh tế trước mắt để tìm kiếm thêm đòn bẩy chống Mỹ, một phần nhằm giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp lên một trong hai nước.
Hơn nữa, ngay cả khi sự hợp tác của Nga-Trung chỉ dừng lại ở mức thấp so với một khối liên minh quân sự, việc mở rộng quan hệ quân sự và phối hợp chiến lược Nga-Trung đặt ra vấn đề cho Mỹ.
Chẳng hạn, nếu hải quân Trung Quốc tiếp cận các cảng ở Thái Bình Dương của Nga như Vladivostok thì điều này sẽ đặt ra thách thức đáng kể cho sự thống trị của hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.