Các địa phương khẩn trương, huy động toàn lực ứng phó dịch bệnh
T.Chánh - Đ.Loan - Y.Minh - T.Châu
(TBKTSG Online) – Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở nhiều địa phương trong cả nước, UBND TP Cần Thơ đã ban hành kế hoạch 4 cấp độ, từ 0 đến 4 nhằm chủ động ứng phó với loại dịch bệnh này trong tình hình mới.
Kiểm tra phòng ngừa Covid-19 ở TP Cần Thơ. Ảnh: Thiên Thanh |
Cần Thơ ban hành kế hoạch 4 cấp độ để chủ động ứng phó Covid-19
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ ngày 8-2 đã ký ban hành kế hoạch “đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh do Covid-19 trong tình hình mới trên địa bàn TP Cần Thơ”.
Theo đó, mục tiêu của kế hoạch nhằm phát hiện sớm, cách ly triệt để trường hợp nhiễm Covid-19, khoanh vùng và xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc và tử vong. Hạn chế, giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 đến sự phát triển kinh tế- xã hội.
Kế hoạch đã phân thành 4 cấp độ, gồm thứ nhất, cấp độ 0, tương ứng với chưa có trường hợp bệnh xuất hiện trong cộng đồng trên địa bàn thành phố; thứ hai, cấp độ 1, tương ứng với có trường hợp bệnh xuất hiện trong cộng đồng; thứ ba, cấp độ 2, tương ứng dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn thành phố; thứ tư, cấp độ 3, tương ứng với dịch lây lan trên 20 trường hợp; thứ năm, cấp độ 4, tương ứng dịch lây lan trong cộng đồng trên 100 trường hợp trên địa bàn thành phố.
UBND TP Cần Thơ cũng có kế hoạch phù hợp trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, điều trị, tuyên truyền và hậu cần ở từng cấp độ dịch bệnh.
Chẳng hạn, ở cấp độ 4, về công tác chỉ đạo, kiểm tra: sẽ thông báo mức cảnh báo cộng đồng cao nhất; xem xét mức độ nghiêm trọng, đề xuất cấp có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp; ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp họp hàng ngày để thống nhất, chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch tại các địa phương; huy động tối đa mọi nguồn lực, vận động toàn thể lực lượng xã hội tham gia các hoạt động ứng phó dịch bệnh, triển khai các hoạt động phòng, chống dịch quyết liệt, hiệu quả.
Về công tác giám sát, dự phòng: ở cấp độ này, UBND quận, huyện tăng cường phối hợp với ngành y tế tổ chức khoanh vùng, phong toả ổ dịch, giám sát, điều tra dịch tễ, triển khai các biện pháp hạn chế đi lại, áp dụng các biện pháp phòng bệnh rộng rãi, bắt buộc với toàn bộ người dân ở các khu vực có nguy cơ; trưng dụng khách sạn, cơ sở lưu trú, ký túc xá các trường học trên địa bàn để mở rộng thêm khu cách ly; đẩy mạnh hoạt động giám sát, nắm bắt thông tin để kịp thời xác minh, tổ chức điều tra phát hiện ổ dịch, khoanh vùng, xử lý triệt để, không để dịch bùng phát trong cộng đồng.
Ngoài ra, kế hoạch còn có các giải pháp cụ thể trong công tác điều trị, truyền thông và hậu cần ở cấp độ 4 này.
Với kế hoạch này, UBND TP Cần Thơ cũng giao từng nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành liên quan trong thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 ở địa phương.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thị sát tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19
Chiều 8-2, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã đến thăm, kiểm tra tình hình công tác phòng, chống dịch và điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Báo cáo tại buổi kiểm tra, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng Lê Thành Phúc cho biết, Bệnh viện tiếp tục được chỉ định là nơi điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 sau các diễn biến phức tạp của dịch trong năm 2020.
Từ tháng 8-2020 đến nay, Bệnh viện đã thu nhận 31 ca mắc Covid-19 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh; đã cho ra viện 20 bệnh nhân sau khi được điều trị khỏi Covid-19 và tiếp tục thực hiện các biện pháp cách ly 14 ngày theo quy định đối với những bệnh nhân này.
Bệnh viện đang điều trị 11 ca mắc Covid-19 nhập cảnh từ nước ngoài về, trong đó có ca bệnh mắc Covid-19 nặng nhất của cả nước là bệnh nhân số 1536, đang được thở máy, lọc máu liên tục và sử dụng ECMO với sự nỗ lực cố gắng hết sức để cứu chữa.
Tại buổi thị sát, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã kiểm tra khu điều trị, công tác phòng chống, chăm sóc điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19.
Thay mặt lãnh đạo thành phố, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng ghi nhận, biểu dương đội ngũ y bác sĩ, nhân viên bệnh viện đã đề cao tinh thần trách nhiệm, dũng cảm, vượt qua mọi khó khăn và hoàn cảnh để tiếp tục xông pha vào mặt trận phòng, chống, điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19; trong đó có những bệnh nhân được coi là đang bị mắc Covid-19 nặng nhất Việt Nam hiện nay.
Vượt qua diễn biến phức tạp của dịch trong năm 2020 tại Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi được ghi nhận là một trong những nơi có đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn, dày dặn kinh nghiệm trọng việc điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng mong muốn các y bác sĩ, nhân viên bệnh viện tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, chuyên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ông đề nghị các y bác sĩ, nhân viên bệnh viện thực hiện nghiêm túc các quy định về cách ly phòng, chống dịch đối với người bệnh và nhân viên y tế; tuyệt đối không để lây nhiễm cho lực lượng y tế bệnh viện và ra bên ngoài.
Hỗ trợ tối đa TPHCM sớm khoanh vùng, giải quyết được ổ dịch
Tại cuộc họp trực tuyến cùng TPHCM về phòng chống dịch Covid-19 sáng ngày 8-2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng trong những ngày tới, TPHCM có thể có thêm các trường hợp mắc Covid-19, không dừng ở con số 29 như hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo TPHCM cần có hành động quyết liệt, nhanh chóng hơn trong việc khoanh vùng dịch. Phải xác định các trường hợp nhân viên trong khu vận chuyển hàng hóa của Sân bay Tân Sơn Nhất là nguy cơ nhất, coi đây là các trường hợp nghi nhiễm, phải truy vết tất cả các công nhân làm cùng nhau trong khu vực đó (khoảng 60 người), sau đó truy rộng ra cả người thân, gia đình của những người này.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu thành phố phải khoanh vùng nhanh tất cả các địa bàn có người mắc, lấy mẫu triệt để trên diện rộng các trường hợp liên quan đến ca bệnh, sau đó thu hẹp lại khoảng cách phong tỏa để giảm bớt sự ảnh hưởng đến người dân.
Để thực hiện xét nghiệm nhanh, Bộ trưởng đề nghị các trường hợp F1 phải xét nghiệm đơn còn cộng đồng thì tiến hành xét nghiệm gộp mẫu.
TPHCM nên lấy mẫu gộp theo gia đình, đơn cử như khu Mả Lạng có 775 gia đình, mỗi hộ sẽ lấy mẫu để chung trong 1 ống, nếu mẫu nào dương tính thì đưa toàn bộ gia đình đó đi cách ly và lấy mẫu lần 2, như vậy mới đẩy nhanh được tốc độ xét nghiệm và tầm soát.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo Viện Pasteur TPHCM nâng công suất xét nghiệm tối đa lên 5.000 mẫu mỗi ngày. Với phương pháp xét nghiệm mẫu gộp, năng lực xét nghiệm có thể lên đến 200.000 mẫu mỗi ngày.
"Bộ Y tế sẽ huy động lực lượng y tế Trung ương trên địa bàn hỗ trợ tối đa cho TPHCM để thành phố sớm khoanh vùng, giải quyết được ổ dịch từ sân bay Tân Sơn Nhất. Chúng ta phải đi nhanh hơn dịch chứ không phải đi sau dịch," Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm trên địa bàn thành phố hiện nay là vô cùng phức tạp.
Lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị cần điều tra tìm hiểu kỹ nơi ổ dịch bắt nguồn từ đâu vì chỉ có nắm được nơi khởi phát mới có các biện pháp phòng, chống hiệu quả.
Các địa phương có liên quan đến các ca bệnh cần phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố khoanh vùng thật nhanh, truy vết kỹ, "thần tốc" lấy mẫu xét nghiệm để có kết quả sớm nhất.
"Nếu còn chần chừ chúng ta sẽ trả giá," ông Nguyễn Thành Phong nhìn nhận.
Liên quan đến các hoạt động vui xuân đón Tết như Đường hoa Nguyễn Huệ, đường sách, Hội hoa Xuân Tao Đàn, đường hoa Phú Mỹ Hưng và các chợ hoa Xuân trên địa bàn, Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo lễ khai mạc phải được tổ chức ngắn gọn, hạn chế người tham gia.
Đồng thời, mỗi sự kiện đều phải có cổng khử khuẩn, không cho người dân ra vào nếu không đeo khẩu trang và kiên quyết đóng cửa, hủy bỏ nếu không đảm bảo các quy định phòng dịch.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, trong 25 trường hợp Covid-19 mới ở TPHCM, có 1 người ở Quận 9, 6 người ở quận 12, 6 người ở Gò Vấp, 5 người ở Bình Thạnh và 7 người ở Bình Tân. Ngay khi có kết quả xét nghiệm, thành phố khẩn trương khoanh vùng, phong tỏa tạm thời các địa điểm liên quan đến ca bệnh và truy vết các trường hợp tiếp xúc.
Trong đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, Trung tâm y tế quận 1 cùng lực lượng chức năng phường Nguyễn Cư Trinh quận 1 đã gấp rút phong tỏa khu Mả Lạng để lấy mẫu xét nghiệm giám sát tất cả người dân sống trong khu vực do liên quan đến Bệnh nhân 2005, là một trong 4 ca được công bố vào sáng 8-2.
Khu vực có khoảng 1.900 nhân khẩu. Người dân sống trong khu vực được yêu cầu không ra ngoài. Nhân viên y tế thực hiện lấy mẫu gộp đối với hộ gia đình theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đây là lần đầu tiên TPHCM áp dụng phương pháp lấy mẫu này. Việc lấy mẫu sẽ được hoàn tất trong hôm nay.
Để ngăn dịch, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 ở TPHCM khuyến cáo người dân nên ở nhà, hạn chế tối đa việc đi lại, không tập trung đông người; không chia sẻ những thông tin chưa kiểm chứng về tình hình dịch bệnh. UBND các địa phương xử lý nghiêm hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng và không khai báo y tế.
Xem thêm: lmth.hneb-hcid-ohp-gnu-cul-naot-gnod-yuh-gnourt-nahk-gnouhp-aid-cac/436313/nv.semitnogiaseht.www