vĐồng tin tức tài chính 365

'Lão nông' Ngô Phan Lưu và duyên nợ văn chương

2021-02-08 22:11
Lão nông Ngô Phan Lưu và duyên nợ văn chương - Ảnh 1.

Nhà văn Ngô Phan Lưu và nhà văn Mạc Can, trong dịp nhà văn Mạc Can ghé thăm quán cà phê không tên của nhà văn Ngô Phan Lưu vào tháng 5-2014 - Ảnh: ĐÀO TẤN TRỰC

Chợt nhớ đến câu thơ của Nguyễn Bính: "Giờ đây chín vạn bông trời nở - Riêng có tình ta khép lại thôi!".

Ngô Phan Lưu đến với văn chương khá muộn, tưởng như ngẫu nhiên mà chính là số phận. Văn chương đã đem đến cho ông nhiều bận rộn, niềm vui, nhiều người bạn vào những năm đã ở tuổi "tri thiên mệnh", sau khi đã bôn ba qua nhiều nghề và trải nghiệm nhiều cung bậc trong cuộc sống.

Yêu văn chương từ nhỏ, thích viết, có tác phẩm đầu tiên được in là tập thơ Bếp lửa chiều đông, nhưng Ngô Phan Lưu thành công và nổi tiếng nhờ truyện ngắn, đặc biệt là loại truyện rất ngắn.

Những nhân vật khác biệt

Ấn tượng của nhiều người về truyện ngắn của Ngô Phan Lưu là nhân vật. Truyện Cảm tính nhắc đến hai nhân vật tương phản nhau ở dáng vẻ bề ngoài: Một ông già ăn mặc cổ lỗ, răng rụng, có nụ cười "êm như nhung" và một ông già ăn mặc hiện đại, tóc nhuộm, đeo răng giả, nét mặt cau có. 

Truyện Đối ẩm trong sương, nói về một lão Lạng xóm Đìa, uống rượu đọc thơ - những câu thơ chắp vá, trộn lẫn lung tung với một niềm say mê, buồn thảm. Một người thưởng thức thơ, thích nghe lão Lạng đọc thơ, trung thành, cảm động đến mức lần nào cũng khóc, là chú Dành.

Truyện Người không giăng câu Kiều (tác phẩm được giải của báo Tiền phong) là chuyện về lão Tư Cua với nghề bắt cua đinh. Sinh nghề tử nghiệp, tuy lão Tư Cua không chết vì bị cua kẹp nhưng cũng lâm nạn điêu đứng vì chính chuyện bắt cua. 

Duyên hội ngộ dí dỏm với hai người già nói lái tài ba (bà Xảo ngọng và ông Kiều hí mắt mù). Ông Răng cũng là truyện hài, cười ra nước mắt trong thế giới người già...

Có vẻ như Ngô Phan Lưu quan tâm tới thế giới những người già hơn là khai thác những hồn nhiên mơ mộng, những trắc trở tình duyên của lớp trẻ.

Nếu chịu khó thống kê một chút thì sẽ thấy có khoảng 90% số truyện ngắn của Ngô Phan Lưu viết về những người già. Nếu họ không già về tuổi tác thì tâm hồn của họ cũng đã "từng trải và chất lượng" như San, cô chủ quán và nhân vật tôi trong truyện Nhạc Trầm mi.

Truyện của Ngô Phan Lưu có nhiều nhân vật dị dạng, khác biệt. Những ông Răng, ông Tư Cua, lão Lạng... của Ngô Phan Lưu là những con người của đời thường, thậm chí tầm thường, nhưng đằng sau vẻ nhàm chán, "cù lần" của họ luôn lấp lánh những chi tiết khác lạ, những nghịch lý, xung đột khó lý giải.

Giọng văn dí dỏm và sắc sảo

Tôi rất thích truyện Ông Răng của Ngô Phan Lưu. Truyện ngắn đến mức in không đầy một mặt báo khổ lớn, dẫn dắt người đọc cười từ đầu đến cuối với cách viết rất tự tin, phóng khoáng, đùa giỡn mà hàm súc, chặt chẽ.

Ông Răng còn già hơn cả ông Tư Cua. Ông "góa vợ 8 năm, nay đã 70 tuổi" và đặc biệt là "rụng hết răng từ hồi còn trung niên". Ông Răng quen bà Chín Tốt "da dày, mày trắng, mặt nhiều tàn nhang. Sém 60...". 

Bi hài kịch là ở chỗ để vừa lòng bà Chín, ông già 70 đi trồng răng giả. Răng giả làm người thật thành giả, nên ông nghe lời bà tháo răng giả "thẳng cánh quăng tõm xuống nước" con mương lớn trong một đêm say loạng choạng.

Cuối cùng ông Răng thành ông Rụng, rồi thành ông Lượm, theo kiểu nói ngược của dân làng. Mà Lượm có nghĩa là quăng đi... Chuyện như đùa. Chỉ là hàm răng, lâu nay đã không còn. Đơn giản là trồng lại hàm răng mới như bao người vẫn làm, nhưng rồi kéo theo biết bao chuyện phiền phức: quan hệ với gia đình, quan hệ xã hội, tình cảm riêng tư... 

Ngẫm cho kỹ,những được mất, hơn thua của đời người đôi khi cũng bắt đầu từ những chi tiết nhỏ đầy ngẫu nhiên như vậy. Nhân vật Ông Răng không phải là loại nhân vật tự giễu nhại kiểu nhân vật hề trên sân khấu. Tiếng cười trong truyện xuất phát từ cái nhìn hài hước và giọng văn dí dỏm mà sắc sảo của tác giả.

Cách hành văn ngắn gọn, tạo giọng điệu riêng là thế mạnh của Ngô Phan Lưu. Ví dụ như đoạn văn cuối truyện Đối ẩm trong sương: "Chú Dành ngồi nán lại để khóc. Khóc xong, chú đứng dậy, chạy về nhà. Chú chạy nhanh vì thơ đuổi theo…”.

Hay đoạn mở đầu trong truyện Buổi sáng biến mất: "Tiếng roi mây anh Phách đánh bò, cứ tới tấp vang lên, làm cho buổi sáng bỗng dưng yên tĩnh lạ kỳ. Nếu không có những tiếng roi ấy, buổi sáng không yên tĩnh đến thế. Buổi sáng yên tĩnh vì buổi sáng nín thở. Chị nhận ra, buổi sáng giống mình, cũng khựng lại và chôn chân tại chỗ...".

“Thương hiệu Ngô Phan Lưu”

Trong nhiều lần trò chuyện với ông tại quán cà phê không tên, nhà riêng của nhà văn, nơi có cây mít rất sai trái, ông nói ông muốn tả mà như không tả, nghĩa là chỉ cần một hai chi tiết đã có thể khái quát hiện thực ở những nét đặc thù, sống động nhất.

Ông nói khi đã hết duyên, ngay cả duyên nợ văn chương, thì không nên cố gắng hay níu kéo. Ngô Phan Lưu là nhà văn được nhiều đồng nghiệp, bạn bè yêu quý vì ông không kiểu cách, không đề cao, thần thánh hóa nghề viết, lại có khiếu hài hước.

Từ khi bén duyên với văn chương, ông sáng tác đam mê và nghiêm túc, chăm chỉ nhưng vẫn chỉ coi là một cuộc chơi, một nơi để khám phá bản thân và chữ nghĩa.

Đã có nhiều sinh viên đại học, học viên cao học, nghiên cứu sinh chọn tác phẩm Ngô Phan Lưu để nghiên cứu; đã có nhiều bài báo giới thiệu về cuộc đời, tác phẩm của nhà văn. Những gì ông để lại không chỉ là trang giấy, những cuốn sách in tên ông mà còn là tình yêu tha thiết với văn chương, là những nhân vật, câu văn thấm đẫm cốt cách, hồn vía Nam Trung Bộ.

Người đọc vẫn sẽ nhận ra sự hiện hữu của nhà văn qua giọng điệu, màu sắc rất riêng mang "thương hiệu Ngô Phan Lưu", trong bộn bề sản phẩm của văn xuôi đương đại.

Chất văn chương vắt qua thời hậu chiếnChất văn chương vắt qua thời hậu chiến

TTO - Nhà văn, dịch giả Hoài Vũ vừa ra mắt hai tập sách dày dặn vừa đúng dịp mừng tuổi 85 của mình: Hoa trong tuyết và Gái thời chiến.

Xem thêm: mth.87982557180201202-gnouhc-nav-on-neyud-av-uul-nahp-ogn-gnon-oal/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“'Lão nông' Ngô Phan Lưu và duyên nợ văn chương”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools