Mất không gian phát triển Ấn Độ và bị Mỹ nghi kỵ, TikTok sẽ đi về đâu?
Ricky Hồ
(TBKTSG Online) - Giới lãnh đạo ByteDance có lẽ rất đau lòng khi tuyên bố rút TikTok khỏi thị trường Ấn Độ vào sát dịp Tết. Trong năm 2021, giới phân tích dự đoán hãng công nghệ Trung Quốc sẽ chi nhiều hơn cho phí vận động hành lang ở Washington và tìm kiếm cơ hội để gầy dựng lòng tin từ nội các mới của Tổng thống Joe Biden.
TikTok phải từ biệt không ngày trở lại thị trường Ấn Độ với hơn 167 triệu người dùng. Ảnh: Reuters |
Không biết bao giờ trở lại Ấn Độ
ByteDance đã quyết định rời Ấn Độ sau khi đã không thuyết phục được chính phủ nước này về tương lai của TikTok trên thị trường khổng lồ này. Trước Tết một tuần, ByteDance đã email cho hơn 2.000 nhân viên địa phương và thông báo phần lớn trong số họ sẽ bị sa thải. “Chúng tôi cũng không biết khi nào chúng tôi sẽ quay lại Ấn Độ. Chúng tôi rất tự tin về khả năng chịu đựng của mình và quyết định sẽ như thế trong thời gian tới”, hãng tin Press Trust of India trích thư của giới quản trị ByteDance.
Các nguồn tin cũng khẳng định với Nikkei Asia rằng TikTok đang dần rút khỏi Ấn Độ. Nhân viên địa phương được bồi thường ba tháng lương, cộng thêm tiền đền bù thâm niên. “Chúng tôi luôn cố gắng tuân thủ các đòi hỏi và luật lệ địa phương và cố gắng đáp ứng bất cứ yêu cầu nào từ chính quyền. Mặc cho các cố gắng, chúng tôi đã không được thông báo cụ thể rằng trong trường hợp nào và khi nào ứng dụng của chúng tôi có thể tái hoạt động. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoại trừ việc cắt giảm quy mô nhân sự”, người phát ngôn của TikTok tại thị trường Ấn Độ phát biểu.
Du nhập vào Ấn Độ năm 2018, TikTok đã phát triển vượt bậc và đạt đến 167 triệu người dùng vào tháng 6 năm ngoái – theo số liệu của RedSeer Management Consulting. ByteDance đã mở văn phòng ở Bangalore, Mumbai và New Delhi. Số khách hàng quảng cáo trên ứng dụng cũng tăng mạnh. Năm 2019, ByteDance công bố kế hoạch đầu tư đến 1 tỉ đô la vào thị trường đông dân thứ hai trên thế giới. |
Tháng 6-2020, căng thẳng biên giới Ấn – Trung bùng nổ và chính phủ Ấn Độ công bố lệnh cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc, trong đó có TikTok. Tập đoàn Trung Quốc đã cố gắng thảo luận với phía Ấn Độ để nối lại dịch vụ, nhưng hầu như không đạt được tiến bộ nào. Từ tháng 9 đến tháng 11 năm ngoái, chính phủ Ấn Độ đã mở rộng danh sách các ứng dụng bị cấm lên 220.
Ngay cả trong trường hợp TikTok được phép quay trở lại, khoảng thời gian bị bỏ trống vừa qua là thách thức lớn bởi không gian số mà họ chiếm lĩnh lúc trước đã bị các ứng dụng đối thủ thay thế.
Cần phải nhắc rằng, thời gian xem video của giới trẻ Ấn Độ trên TikTok chiếm đến 85-90% tổng thời lượng của các ứng dụng – theo dữ liệu của RedSeer. Thời gian TikTok vắng bóng, các ngôi sao và nhân vật có ảnh hưởng đã chuyển sang dùng các ứng dụng khác.
TikTok đã có mặt ở hơn 100 quốc gia và lãnh thổ. Nhưng các thách thức của TikTok không chỉ nằm ở thị trường Ấn Độ. Nguyên Tổng thống Donald Trump trước khi rời nhiệm sở cũng từng đe dọa sẽ cấm TikTok. Vì thế, tương lai của ứng dụng này tại thị trường Mỹ vẫn không rõ ràng.
TikTok buộc phải tạm dừng hoạt động ở Hồng Kông sau khi luật an ninh mới có hiệu lực tại đặc khu này. Các thị trường Nhật Bản và châu Âu có hàng chục triệu người dùng cũng luôn “đau tim” với mối quan hệ căng thẳng Mỹ - Trung và các tác động liên đới khác.
Chi phí lobby tăng 10 lần ở Mỹ
Theo các báo cáo đệ trình Quốc hội Mỹ hoặc do Trung tâm nghiên cứu phản ứng chính trị (CRP) tổng hợp, các hãng đại công nghệ Trung Quốc đã chi nhiều hơn cho chi phí vận động hành lang (lobby) tại Mỹ trong năm 2020 khi các xung đột chính trị Mỹ - Trung và bất định pháp lý ngày càng gia tăng.
Facebook đã tăng chi phí vận động thêm 18% và đạt con số 19,68 triệu đô la trong năm rồi, đứng đầu bảng. Amazon, quán quân của bảng xếp hạng lobby 2019, đã chi đến 18,72 triệu đô la trong năm ngoái, tăng 12%. Nhóm bốn đại công ty công nghệ (Big Four) - gồm Google, Amazon, Facebook và Apple, gọi tắt nhóm GAFA – đã chi tổng cộng 53,9 triệu đô la, tăng hơn chút so với năm 2019. Các đại công ty này đã phải ra điều tra trước Quốc hội Mỹ vì các cáo buộc độc quyền. |
ByteDance đã chi 2,61 triệu đô la trong năm ngoái, tăng 10 lần so với năm trước đó. Trong nỗ lực chạy đua với ý định cấm TikTok của cựu Tổng thống Donald Trump, ByteDance đã thuê đến 47 nhân vật vận động hành lang (lobbyist), tăng thêm khoảng 30 người so với lực lượng của năm 2019.
Tập đoàn Alibaba đã chi đến 3,16 triệu đô la, tăng khoảng 20%. Tencent, nhà điều hành ứng dụng WeChat, bắt đầu chính thức tham gia công tác lobby ở Mỹ từ mùa hè rồi và đã chi đến 1,52 triệu đô la.
Trong khi đó, tập đoàn Huawei Technologies lại cắt giảm chi phí lobby đến 80%. Điều này chứng tỏ dường như Huawei cảm thấy “tuyệt vọng” hay “đầu hàng” trong việc thuyết phục các nhà lập pháp Mỹ rằng “chúng tôi không phải là mối an ninh quốc gia” đối với Mỹ.
Chính sách của ông Trump đối với đại công nghệ Trung Quốc đã khiến các gã khổng lồ này xem lại “đường ăn nước ở” của mình, biến họ thành khách hàng của giới lobby ở Washington. Tuy nhiên, phí lobby của các công ty đại lục chỉ bằng góc nhỏ của các đồng nghiệp Mỹ.
Các mối quan hệ của các đại công ty công nghệ với nội các chính quyền Tổng thống Joe Biden có vẻ có khởi động tốt trong ba tuần qua, khởi đầu là việc Amazon đề nghị được hỗ trợ trong việc phân phối vaccine ngừa Covid-19. Nhưng các nhà lập pháp phe Dân chủ, đặc biệt là cánh tiến bộ, lại không phải là những nhân vật ủng hộ hay có cảm tình với Silicon Valley. “Vì thế, các hãng đại công nghệ sẽ rất ngần ngại cắt giảm chi phí lobby trong thời gian tới”, Nikkei Asia nhận định. Chắc chắn, ByteDance, Tencent và Alibaba sẽ không bỏ lỡ cơ hội của mình.
Con đường gập ghềnh ở phía trước
Thị trường Ấn Độ xem như đã đóng băng hoàn toàn, ít nhất vào thời điểm này. Trong khi đó, TikTok với lượng người dùng đông đảo đến 600 triệu trên nền tảng Douyin ở trong nước và một thị trường không nhỏ ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và các nơi khác.
TikTok vẫn tập trung chủ yếu vào thị trường Mỹ - nơi TikTok có được ngôi sao vũ công người Mỹ Charli D’Amelio là TikToker đầu tiên trên thế giới có 100 triệu người theo dõi. Nữ vũ công này đã đạt con số ấn tượng trên 100 triệu vào cuối tháng 11 vừa rồi – so với con số 6 triệu người theo dõi một năm trước đó. |
Các ngôi sao và các nhân vật có ảnh hưởng của Hollywood chắc chắn sẽ là đòn bẩy tăng trưởng mới cho TikTok.
Trong khi đó, theo dòng chảy logics, TikTok dường như có cơ hội trở mình trên thị trường quốc tế khi các nhà lập pháp ở Washington có thể thay đổi thái độ, tạo điều kiện cho TikTok mở rộng lưu lượng người dùng và tăng thị phần ở Mỹ. Có thể đó là sự chủ động gia tăng chi phí lobby từ giới lãnh đạo ByteDance hay chờ đợi các tín hiệu hay thời cơ từ phía Washington.
Câu trả lời “chi nhiều hơn cho lobby” dường như đã rõ và sẽ được thực hiện bởi tham vọng ByteDance sẽ không dừng lại. Còn tín hiệu phát đi từ Washington? Chỉ hai ngày sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, hôm 22-1, hãng thuốc lá điện tử RLX của Trung Quốc đã có đợt chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO) thành công trên thị trường chứng khoán New York. Đợt IPO đầu tiên trị giá 1,4 tỉ đô la dưới thời ông Biden dường như là tín hiệu tốt cho sự lạc quan của nhà đầu tư.
Hôm 5-2 vừa rồi, ứng dụng Kuaishou - xếp sau phiên bản nội địa Daiyou của TikTok ở Trung Quốc – có đợt IPO lên đến 5,4 tỉ đô la trên thị trường chứng khoán Hồng Kông.
Cả hai sự kiện này có thể là gợi ý cho chiến lược của TikTok trong thời gian tới: tận dụng thuận lợi của thị trường vốn quốc tế và sự yên ổn tạm thời từ phía Mỹ để tích tụ sức mạnh cho tương lai. Còn tại thị trường quê nhà, họ phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ Trung Quốc. Tương tự như những gì đang xảy ra đối với Alibaba và hãng con Ant Financial Group.