vĐồng tin tức tài chính 365

2020 - Một năm đằng đẵng

2021-02-09 07:39
2020 - Một năm đằng đẵng - Ảnh 1.

Khán giả trên khán đài xem Giải quần vợt Pháp mở rộng 2020 - Ảnh: CNN

Bấy giờ đang là 2h sáng ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, vợ tôi gọi điện. Lúc đó là nửa đêm ở Pháp và tôi đang nằm viện.

"Giờ em ra phi trường trả xe mướn đây và kiếm vé tàu mới", vợ tôi nói.

8h tối hôm trước, mà tôi nhớ là tháng 3-2020, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ lên truyền hình nói hôm sau từ 9h sáng sẽ đóng cửa quốc gia, cấm tất cả các chuyến bay đến và đi. Vợ tôi chạy hết quầy này sang quầy khác của các hãng hàng không ở phi cảng.

Trên mạng, có nơi rao vé một chiều Antalya - Paris 1.500 euro, có nơi tới 4.000 euro và quá cảnh xa vời, bay lên Matxcơva nằm đợi 12 tiếng. Bình thường, giá vé tuyến này khoảng 300 - 500 euro 2 chiều.

Cô tìm được vé một chiều của Hãng giá rẻ Pegasus xuống phi trường phía nam Paris là Orly, giá 600 euro và 5h sáng cất cánh. Chuyến này quá cảnh ở Istanbul sau một tiếng bay, kiểu Đà Nẵng - Sài Gòn.

COVID đời đầu…

7h hơn tại phi cảng Istanbul, mọi người nhốn nháo chạy đông chạy tây, các bảng hướng dẫn lúc bật lúc tắt. Istanbul là phi cảng lớn nhất thế giới, rộng mênh mang và mới khai trương năm 2019.

Vợ tôi kể các tốp khách kéo nhau chạy từ bảng hướng dẫn này sang bảng hướng dẫn khác, trên đó chớp nháy từng loạt chuyến bay luân phiên bị hủy.

Hơn 8h sáng, cô đáp được một trong những chuyến chót rời Thổ Nhĩ Kỳ trước hạn cấm 9h. Orly khi cô đáp vắng tanh và chỉ có 4 chuyến đến, nhưng chỗ thuê xe vẫn mở cửa.

Chiếc xe cô thuê tạm một tuần rốt cuộc phải giữ hơn 5 tháng. 2 tháng đầu không liên hệ được với công ty cho thuê để gia hạn hợp đồng vì văn phòng Orly đóng cửa, còn tổng hành dinh không giải quyết, chỉ trả lời đã có xe thì cứ việc giữ đi!

Gia đình tôi còn được tận mắt chứng kiến COVID-19 gây náo loạn theo nhiều cách khác, ở những nơi khác.

Tháng 12-2019, khi dịch xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, thì R. - con thứ của tôi - đang ở Nam Ninh, Quảng Tây. Nó sang đó mở văn phòng với mấy bạn Mỹ nhưng trước tình thế này, cả đám rủ nhau tạm lánh ở Côn Minh, Vân Nam, vừa đi chơi vừa chờ xem thế nào, thay vì thuê văn phòng, đăng ký công ty…

Được vài tuần, dịch lan mạnh, cả nhóm chạy từ Vân Nam sang Thái Lan. Ở đó được 30 ngày là hết hạn cư trú, lại sang Campuchia. Một số sau đó trở về Mỹ, riêng R. từ tháng 8 tới giờ vẫn ở Cam.

Như ta biết, số người chết vì COVID ở Mỹ tới giờ là 441.000 và ở Cam là 0. Tô hủ tiếu ở Mỹ là 8 đô, ở Cam là 1 đô, ừ thì có bé hơn, sức trai phải làm 2 tô, nhưng giá sinh hoạt như thế vẫn là rẻ.

Con cả của tôi là S. thì đầu năm đang ở nhà tại Nam California, định tháng 3 sang Kuala Lumpur học tiếp và làm thủ tục giấy tờ. Nó vừa được giáo sư hướng dẫn nhận, còn đợi dấu xanh dấu đỏ của viện nơi nó học. Malaysia sau đó khóa cửa đến giờ và không biết đến bao giờ mở lại.

S. ở nhà chơi game thay vì làm luận án nghiên cứu. Đến tháng 9, người Mỹ bị hầu hết Âu châu không cho nhập cảnh nữa, chỉ vài nước nhận như Albania, Kosovo, Bắc Macedonia và… Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 9, S. sang Thổ Nhĩ Kỳ với bố mẹ. Đâu chả có mạng, nếu để chơi game thì vẫn thế, chỉ khác 10 múi giờ.

Trở lại phần tôi, khi dịch xuất hiện tại Vũ Hán, tôi vẫn còn ở Hoa Kỳ. Tháng 2, tôi có việc đi Thái Lan. Trước khi đi, tôi phải đôn đáo tìm khẩu trang N95, nhưng đã không đâu có. Nơi có bán không bán lẻ một vài cái, mà chỉ bán từng thùng! Lúc đó thì thấy lạ, tự nghĩ ai mua cả thùng làm gì.

Tại cửa hàng vật liệu xây dựng gần nhà tôi ở Mỹ, vì là khu nhiều người Trung Quốc nên hết N95, lại còn để bảng "hết hàng" bằng tiếng Hoa. Khu Việt Nam cũng bấn loạn, nhiều người ở Mỹ tích trữ và mua để gửi về nước cho gia đình theo yêu cầu.

Thân nhân trong nước không chịu dùng khẩu trang nội hay Trung Quốc, đòi N95 chính hãng 3M mua ở Mỹ, mà theo tôi cũng là "Made in China" thôi. Tôi hiện không còn cái nào ở đây để kiểm chứng nhưng nếu bạn ở Mỹ, hàng gì mà chẳng "Made in China".

Sổ thông hành Mỹ đưa ra giờ người ta phải đeo bao tay mới dám cầm!

Cuộc sống cấm túc

Từ Thái Lan, tôi sang Pháp và đến nhà một người bạn ăn uống dịp lễ lạt gì đó, không nhớ. Người bạn này là bác sĩ gia đình, có phòng mạch ở gần nhà tôi. Bố anh là bác sĩ về hưu, con gái là bác sĩ cấp cứu, con rể là bác sĩ bệnh viện, em ruột anh là dược sĩ… và bữa ăn có đủ tam đại Hoa Đà nhà này.

Mọi người rất là khinh địch và cũng rất là khinh dịch. Tuy nhiên, tất cả đều tuân thủ biện pháp cách xa, không bắt tay và không ôm hôn như mọi khi. Lúc đó bên Pháp, không ôm hôn và không bắt tay nhau còn phải xin lỗi kèm theo một nụ cười.

Sang tháng 3, vào đêm trước khi lên tàu bay sang Thổ thì tôi đau tim phải nhập viện cấp cứu. Ngoài chuyện đặt stent ngay mấy cái thì bởi tôi mới đi đó đi đây nên phải nằm phòng cách ly và xét nghiệm COVID.

Lúc đó, phải đợi 2 ngày mới có kết quả. Ai vào thăm phải đeo khẩu trang, đeo bao tay và mặc vào một cái áo giấy, ra khỏi phòng thì cởi ra vất vào thùng rác để ở cửa. Nhân viên và bác sĩ cũng thế, nhưng rất lơ là, chỉ có một cô bác sĩ nội trú là hoảng hốt khi phát hiện phòng tôi là phòng cách ly COVID và triệt thoái ngay ra ngoài!

Xét nghiệm COVID phải có 3 mẫu và 3 lần. Sau 2 lần và 6 mẫu âm tính, bác sĩ nói về tim là OK rồi, còn về COVID thế cũng chắc bụng, khỏi thử lần thứ 3 vì cần chuẩn bị buồng ICU cho bệnh nhân. Tôi mừng quá, được về nhà sớm 2 hôm.

Rồi Pháp ban hành cấm túc, một ngày cho dân chúng ra ngoài một tiếng để vận động. Bạn phải in giấy phép hay tải về trên điện thoại di động, ghi giờ xuất hành và địa chỉ, không được đi quá nhà 2km. Nếu bị bắt thì phạt 90 euro. Tôi ở bờ sông, mỗi ngày chịu khó tập tành đi bộ và vẫn thấy các tốp thể thao chạy lên chạy xuống.

Lúc đầu thỉnh thoảng cảnh sát cũng rảo qua, nhưng không thấy xét hỏi gì ai. Các chợ thực phẩm đều mở nhưng phải đeo khẩu trang, rửa tay khử trùng trước khi vào, xếp hàng cách xa nhau và giới hạn số người bên trong. Các tiệm bánh mì chẳng hạn, vì rất bé nên khách phải xếp hàng bên ngoài, đi vào 2-3 người một.

Bạn có thể đặt mua trên mạng, giao tại nhà hay ghé lấy các gói hàng đã sắp sẵn, tức không phải vào trong cửa hàng, nhưng các biện pháp này lủng củng, chưa thuần thục.

Các quán nước đóng cửa, nhà hàng ăn chỉ giao đồ mang đi. Tiệm pizza tôi chiếu cố chẳng hạn, nếu trả bằng thẻ là họ khử trùng máy thanh toán. Nếu trả bằng tiền thì đặt vô một cái hộp, rồi xịt thuốc lên tiền giấy tiền cắc. Nhưng các việc này là tự nguyện, có nơi cẩn thận, có nơi cóc cần.

Cuộc sống trong những tháng cấm túc rất nhàm chán, tuy chẳng có gì thiếu thốn ngoài việc không đi ra ngoài ăn quà hay ăn hàng, không được gặp bè gỡ bạn. Ở nội thành trong hộ 50m2 mới bức bối, ngoại ô thì còn có vườn tược. Thú hoang thấy vắng người nên xuất hiện từ đâu không hiểu.

Vườn nhà tôi bỗng thấy một con chồn. Hình như nó là thủ phạm ăn mất con thỏ của cô bé hàng xóm. Bạn bác sĩ của tôi có một số thân chủ bị dịch và anh ăn ngủ luôn tại phòng mạch để tránh mang bệnh về nhà. Được vài tuần, anh thu xếp tầng dưới của nhà để về đó buổi tối mà không cần đụng mặt gia đình.

Một bạn khác của tôi trúng dịch và qua đời, đám tang theo luật định phải dưới 10 người đưa tiễn. Vợ chồng một bạn khác nữa nằm viện hai tuần và qua khỏi, tuy đều ngoài lục tuần. Một người cháu tôi ở Abidjan, Bờ Biển Ngà, Phi châu, vẫn phải đi làm.

Nó về đến nhà là thay quần áo ở một phòng riêng rồi đi tắm, nhưng vẫn dính bệnh và cả gia đình cũng lây theo! May thay, nó và gia quyến đều hồi phục. Trong vòng thân hữu và gia đình tôi có đến một tá vướng COVID ở nước này nước nọ và có hai người qua đời, đều lớn tuổi và yếu sẵn rồi, không có sức đề kháng.

Thấy quan tài vẫn không đổ lệ

Tôi ở Pháp, nói đúng ra là ở nhà 4-5 tháng liền, không đi đâu hết - hẳn là kỷ lục nằm im tại chỗ của tôi 40 năm nay. Đến 13-8, tôi có việc phải trở về Mỹ. Chuyến bay này chuyển tiếp ở phi trường Heathrow, London, Anh quốc.

Khi lên tàu bay, lần này để tránh lây lan với người ngồi cạnh, chúng tôi phải dùng hạng thương gia khiến tiếp viên xin lỗi tới lui là chỉ có bánh mì nguội vì dịch COVID. Tất nhiên, bình thường khi tôi đi hạng tiết kiệm, tiếp viên cầm bánh mì nguội ném vào mặt và không nói gì!

Tôi nhớ đến ông người Hoa đồng hành hồi đầu năm trên chuyến Los Angeles - Đài Bắc. Cười ông cẩn thận bao nhiêu thì giờ vợ chồng tôi xịt cồn lung tung trên dưới và chung quanh chỗ ngồi gấp đôi ông ngày đó.

California lúc tôi trở về, tiệm ăn bày bàn phía ngoài, bên trong chỉ còn đặt 1/4 số bàn. Chẳng sao, vì Cali không mưa gió như Pháp, tuy ngược lại là ngồi ngoài nắng và không có điều hòa! Đến 22-9, Hoa Kỳ có 200.000 người thiệt mạng và "vô địch thế giới" về COVID.

Vợ chồng tôi là thường trú nhân ở Pháp nên vẫn có thể trở về Pháp với giấy này. Con lớn của tôi không nhập EU được vì là người Mỹ. Sổ thông hành Mỹ đưa ra giờ người ta phải đeo bao tay mới dám cầm!

Nước Mỹ chẳng có biện pháp gì đặc biệt, và phi trường chỉ vắng hơn thường lệ. Hàng quán ở Cali những ngày đó vẫn tấp nập và không để thuốc sát trùng. Tháng 10 ở Cali hầu như không có dấu hiệu gì về dịch trên đường phố. Tại một bãi đậu xe siêu thị, tôi thấy có bảng đề xét nghiệm 60 đô, nhưng hàng đợi rất dài nên tôi bỏ qua.

Rời Mỹ, tôi quay lại châu Âu và trở về Thổ. Tới khi viết những dòng này thì vẫn chưa chết. Năm 2020 với tôi là một năm xấu. Thu nhập mất một nửa so với bình thường. Chuyện đi lại bị hạn chế và công ăn việc làm lỡ dở, đình trệ.

Ngày 23-1-2021, số người chết trên thế giới là 2,23 triệu người.

Một năm COVID-19 ở Mỹ: Sai lầm tiếp nối, hơn 400.000 ca tử vongMột năm COVID-19 ở Mỹ: Sai lầm tiếp nối, hơn 400.000 ca tử vong

TTO - Năm vừa qua là khoảng thời gian đen tối của nước Mỹ khi đại dịch COVID-19 đã cướp đi hơn 400.000 sinh mạng. Tại sao một cường quốc khoa học hàng đầu thế giới lại trải qua thảm kịch này?

Xem thêm: mth.57544948140201202-gnad-gnad-man-tom-0202/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“2020 - Một năm đằng đẵng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools