Tết đến giữa dịch COVID-19 khiến nhu cầu mua sắm trực tuyến được đẩy mạnh. Tuy nhiên, hình thức mua hàng online vẫn tiềm ẩn những rủi ro nhất định, người dân cần thận trọng trong các giao dịch để tránh gặp sự cố và ngăn ngừa lây lan dịch bệnh trong thời điểm này.
Nhận diện điểm bán uy tín
Với sự phát triển công nghệ, các trang thương mại điện tử, website bán hàng xuất hiện ngày càng nhiều với đa dạng các mặt hàng, sản phẩm khác nhau. Mặc dù không thể phủ nhận sự tiện dụng nhưng việc tìm kiếm một địa chỉ uy tín không phải là điều dễ dàng.
Để hạn chế được những rủi ro và thận trọng hơn khi mua hàng online, người tiêu dùng nên lựa chọn những điểm bán có đầy đủ thông tin như tên, địa chỉ, số điện thoại, email…
Những website uy tín sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, quy trình mua hàng, các hình thức vận chuyển để người mua có thể theo dõi và an tâm về quyền lợi của mình khi mua.
Xem kỹ thông tin về sản phẩm
Để xác định được chất lượng của sản phẩm, người dân cần biết rõ về đặc điểm, tính năng cũng như hình ảnh minh họa cần đúng với thực tế.
Người mua có quyền yêu cầu người bán gửi ảnh thật của sản phẩm thay vì xem những hình ảnh minh họa đẹp mắt trên website.
Hãy dành thời gian để xem kỹ những thông tin về sản phẩm như: Nguyên liệu, hình dáng, kích thước, màu sắc… Những yếu tố này giúp hình dung được rõ hơn về hàng hóa định mua, điều này sẽ hạn chế tình trạng nhận hàng không như mong muốn.
Đặc biệt thời điểm cận Tết, người dân thường lựa chọn mua thực phẩm, bánh kẹo qua mạng. Đối với những mặt hàng này cần phải xem kỹ về thông tin, nguồn gốc bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề ăn uống, sức khỏe của gia đình.
Tránh "bẫy" đánh giá sản phẩm
Hiện nay, trên các sàn thương mại điện tử hay với đa số website bán hàng đều có mục đánh giá (review) của những khách hàng đã từng mua hàng, sử dụng sản phẩm mà bạn có nhu cầu mua.
Việc đọc những lưu ý, đánh giá từ phía khách hàng trước sẽ cho bạn thêm kinh nghiệm mua sắm thực tế của họ. Bên cạnh đó, bạn có thể biết rõ được chất lượng sản phẩm, dịch vụ từ những trải nghiệm của người dùng trước sau đó mới đưa ra quyết định.
Đáng chú ý, tham khảo đánh giá là rất cần thiết, tuy nhiên người mua hàng cũng phải biết chọn lọc, tránh những đánh giá dạng mồi từ chính nhân viên của nhãn hàng trà trộn vào.
Lưu ý khi nhận hàng
Trong thời điểm dịch COVID-19, khi mua hàng online, đặc biệt với đồ ăn, thức uống, khi giao nhận hàng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ nhất định trong bối cảnh dịch bệnh. Bởi khi sử dụng dịch vụ này, người dùng khó có thể tránh việc tiếp xúc với nhân viên, tài xế giao hàng (shipper) cũng như chạm vào các vật thể như bao bì, hộp đựng thức ăn…
Theo đó, để phòng tránh lây nhiễm dịch COVID-19, người dùng có thể áp dụng phương thức giao hàng gián tiếp. Cụ thể, trên một số ứng dụng có thêm tuỳ chọn điểm giao món như trước cửa nhà, quầy lễ tân,... hay bất cứ vị trí thuận tiện nào cho khách hàng.
Người dân nên sử dụng thanh toán qua ví điện tử hoặc thẻ tín dụng để hạn chế tối đa sự tiếp xúc.
Hiểu rõ về chính sách đổi trả
Nhận hàng không ưng ý là một thực trạng khó tránh khỏi với nhiều khách hàng khi mua hàng online. Hãy thận trọng trước khi mua bằng cách đọc kỹ về chính sách đổi trả của công ty, thậm chí bạn có thể hỏi kỹ nhân viên tư vấn.
Tham khảo các thông tin về điều kiện hoàn trả hàng hóa, hoàn tiền, bảo hành sản phẩm tại website mình giao dịch sẽ hạn chế những phiền phức về sau.
Thận trọng khi thanh toán
Có rất nhiều những hình thức thanh toán khi mua hàng trực tuyến như thanh toán thông qua tài khoản ảo, thẻ tín dụng cá nhân hoặc thanh toán tiền mặt khi nhận hàng. Nhiều nhà cung cấp sản phẩm sẵn sàng cho người mua kiểm tra hàng hóa có như mình mong muốn hay không trước khi thanh toán.
Nếu bạn lựa chọn hình thức chuyển tiền trực tuyến thì hãy cẩn thận với những thông tin cá nhân của mình. Đặc biệt khi bên bán yêu cầu cung cấp mã pin, mật khẩu ngân hàng hay các thông tin giao dịch khác, bạn cần kiểm tra lại thật kỹ càng.
Đối với người bán hàng, họ chỉ cần nhận được đúng số tiền của sản phẩm, việc yêu cầu có thêm những thông tin khác là dấu hiệu rõ ràng của hành vi lừa đảo.
Giữ hóa đơn thanh toán
Khi giao dịch qua điện thoại, máy tính, khách hàng có thể lưu lại những thông tin cần thiết để hạn chế tình trạng đơn hàng thất thoát hay có sự nhầm lẫn. Bên cạnh đó, bạn có quyền yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn để làm bằng chứng cho việc mua hàng, đây cũng là điều nhằm đảm bảo quyền lợi cho bạn khi có những vấn đề phát sinh về sau.
Đối với các mặt hàng điện tử, việc giữ hóa đơn rất cần thiết để sử dụng khi bảo hành sản phẩm.
Tại thời điểm cận Tết, nhu cầu mua bán hàng online là rất lớn, những người tiêu dùng thông minh cần trang bị cho mình những lưu ý, thận trọng hơn khi mua hàng để giao dịch được thuận lợi nhất.
Bên cạnh đó, hiện nay, việc mua bán hàng qua mạng hay trực tiếp đều có các cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi cho người dùng. Chính vì vậy nếu gặp bắt kỳ những rắc rối hay lừa đảo hãy nhanh chóng liên hệ để được hỗ trợ và đồng thời cảnh báo cho mọi người biết để tránh các rủi ro.
Xem thêm: odl.941978-tet-pid-enilno-gnah-aum-ihk-gnav-y-uul-gnuhn/et-hnik/nv.gnodoal