Đã đến lúc phải thay đổi!
TBKTSG
(TBKTSG Xuân AL) - Thế giới đã khép lại một năm 2020 đầy những lo âu và sợ hãi, nhưng đại dịch chết người Covid-19 thì vẫn tiếp tục gieo rắc kinh hãi, tàn phá kinh tế của nhân loại và chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Riêng tại Việt Nam, chúng ta đã hạn chế được thiệt hại về kinh tế và cả nhân mạng do dịch, nhưng lại hứng chịu sức tàn phá dữ dội do những trận bão lũ lịch sử ở miền Trung và hạn mặn lịch sử tại trung tâm nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long. Đây chính là “câu trả lời” của Mẹ thiên nhiên cho lòng tham không có giới hạn của con người.
Ảnh minh họa: Internet |
Trong một thời gian rất dài, chúng ta đã “bóc lột” tự nhiên đến cùng tận, biến thiên nhiên hoang dã và môi trường sống thành đối tượng khai thác để đổi lấy sung túc cho con người qua việc lạm dụng tài nguyên quá mức; tận diệt rừng xanh, biển cả và môi trường sống của cả loài người và động vật hoang dã; biến động vật hoang dã thành đối tượng kinh doanh, mua bán...
Những dịch bệnh chết người trên diện rộng, những thảm họa thiên nhiên xảy ra liên tiếp và ngày càng khốc liệt trong thời gian qua là lời cảnh báo nghiêm khắc, nếu con người không dừng lại và thay đổi để “sống thuận hòa” với thiên nhiên thì chính thiên nhiên sẽ bắt chúng ta phải dừng lại.
***
Năm qua chúng ta đã nói rất nhiều đến hai từ “cơ hội”. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bị đẩy lên những cao trào mới, và đại dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, buộc các nước lớn và các đại công ty phải cấu trúc lại và Việt Nam muốn tận dụng cơ hội này để trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, không phải cứ có mặt bằng, có nguồn nhân công giá rẻ và chính sách ưu đãi thì các nhà đầu tư lớn ắt sẽ “dọn” sang Việt Nam. Nói tới chuỗi cung ứng thì yêu cầu quan trọng nhất là phải thông suốt, bất kể là ngày hay đêm, ngày lễ hay ngày làm việc. Thế nên, nhà đầu tư sẽ không bao giờ chấp nhận được việc chờ đợi, mà tình trạng phải chờ ở Việt Nam là khá phổ biến do những bất cập, chồng chéo trong quy trình cũng như thủ tục hành chính. Vì vậy, muốn tận dụng được cơ hội này thì người đầu tiên phải thay đổi là các cơ quan quản lý nhà nước. Chỉ khi nào chúng ta có thể đoan chắc với nhà đầu tư rằng “mắt xích” Việt Nam luôn được bảo đảm thông suốt thì khi ấy mới mong nắm bắt được cơ hội.
Phía doanh nghiệp trong nước cũng vậy, muốn trở thành một mắt xích của chuỗi cung ứng toàn cầu thì cũng phải thay đổi để tuân thủ luật chơi chung. Có một điều chắc chắn rằng, nếu chỉ với chất lượng tốt, ổn định và giá thành sản phẩm cạnh tranh thì chưa đủ, nếu chất lượng và giá thành đó lại được đánh đổi bằng cắt xén lợi ích của công nhân, hủy hoại môi trường và vi phạm pháp luật...
***
Cuối năm ngoái, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ. Hành động này, cộng với hàng loạt căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các nước trong năm qua, cho thấy thương mại thế giới giờ đây đã không còn phẳng như trước. Thay vào đó, vấn đề lợi ích quốc gia sẽ ngày càng có tiếng nói chi phối trong quan hệ buôn bán giữa các nước.
Trong thông điệp đưa ra vào ngày 7-1-2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, Chính phủ sẽ quyết liệt giảm thặng dư thương mại với Mỹ. Tình hình này cũng buộc các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam phải thay đổi. Ít nhất là chúng ta không thể cứ mua hàng thì sang Trung Quốc, Hàn Quốc... còn với Mỹ và châu Âu thì hầu như chỉ nghĩ đến chuyện bán.
Xem thêm: lmth.iod-yaht-iahp-cul-ned-ad/750313/nv.semitnogiaseht.www