vĐồng tin tức tài chính 365

Hậu Giang xây dựng nền tảng cho mục tiêu tăng trưởng xuất nhập khẩu

2021-02-09 19:36

Hậu Giang xây dựng nền tảng cho mục tiêu tăng trưởng xuất nhập khẩu

Nguyễn Toàn

(TBKTSG Online) - Vừa chống dịch Covid-19 vừa tập trung phát triển kinh tế, năm 2021 này, tỉnh Hậu Giang kỳ vọng đạt tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 1,82 tỉ đô la Mỹ; trong đó, trên 90% là hàng nông thủy sản xuất khẩu, tăng khoảng 2% so với năm 2020. Cơ sở để Hậu Giang đặt mục tiêu này xuất phát từ kết quả sản xuất kinh doanh của năm 2020.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Tiến Thịnh. Ảnh: Nguyễn Toàn

Năm 2020, đại dịch Covid-19 tác động mạnh lên nền kinh tế cả nước nhưng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu Hậu Giang vẫn đạt 1,061 tỉ đô la Mỹ, tăng 15,08% so với năm 2019, đạt 115,3% kế hoạch, góp phần làm tăng GDP của tỉnh lên 4,53%, cao nhất trong 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 390 triệu đô la (tăng 29,9%), còn lại là xuất khẩu hàng nông thủy sản. Như vậy, 3 năm liên tiếp, Hậu Giang đã giữ vững kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ đô la Mỹ.

Kết quả này cho thấy các doanh nghiệp ở Hậu Giang đã năng động và đổi mới, trong khi các chính sách hỗ trợ của tỉnh ngày càng hiệu quả. TBKTSG Online đã có những ghi nhận về câu chuyện Hậu Giang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ chính những ngành sản xuất chủ lực của địa phương.

Vườn chanh không hạt hai năm tuổi rộng 5 công của anh Nguyễn Tuấn Em ở xã Hiệp Lợi, thành phố Ngã Bảy đã được các kỹ sư của Hợp tác xã (HTX) Trái cây Sinh học OCOP trực tiếp hướng dẫn từ sản suất đến thu hoạch. Mỗi đợt thu hoạch, nhân viên HTX đến phân loại, thu mua.

Chia sẻ về kết quả này, anh Nguyễn Tuấn Em, cho biết HTX Trái cây sinh học OCOP là đơn vị đầu tiên của Hậu Giang xuất khẩu trực tiếp bưởi, chanh không hạt sang châu Âu. Năm ngoái, xuất được hơn 300 tấn, mang về gần 500 nghìn Euro. Nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 lắng xuống, sản lượng xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt. Hiện HTX mở rộng vùng nguyên liệu 250 hecta ở huyện Phụng Hiệp và huyện Châu Thành áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng nguồn hàng xuất khẩu

Ông Nguyễn Văn Đửng, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Trái cây sinh học OCOP, cho biết bà con nông dân học hỏi kinh nghiệm rất nhanh. "Thời gian tới, HTX cần phát triển đội ngũ kỹ thuật để đào tạo, tập huấn cho bà con nhiều hơn, mở rộng sản xuất quy mô đồng bộ, tổ chức các hộ nông nghiệp thành nhóm sản xuất để có số lượng và chất lượng tốt hơn”.

Trên thực tế, một số loại trái cây ngon của Hậu Giang dù có mặt trên thị trường quốc tế muộn, nhưng có nhiều tiềm năng phát triển vì bà con nông dân đã quyết “vận động” để theo kịp thị trường. Hàng loạt các mô hình sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đã hình thành, ứng dụng nhiều cách làm của công nghệ 4.0.

Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh thành lập chưa lâu nhưng đã xuất khẩu được nước ép và các loại trái cây sấy dẻo mang hương vị miệt vườn của ĐBSCL với công suất chế biến 10.000 tấn/năm. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng doanh số xuất khẩu năm 2020 vẫn đạt 10 triệu đôla Mỹ, tương đương năm 2019. Đặc biệt, công ty đã tranh thủ cơ hội do các hiệp định FTA mới ký có hiệu lực giúp nông sản Việt Nam tiếp cận được nhiều thị trường quốc tế.

Ông Tố Thái Thanh, Giám đốc kinh doanh Công ty Chế biến nông sản Tiến Thịnh, nói: “Các sản phẩm của Tiến Thịnh đã được nhiều khách hàng trên thế giới đón nhận, đánh giá cao. Công ty vừa ký hợp đồng với Tập đoàn siêu thị của Mỹ, đang sản xuất đơn hàng mãng cầu sấy. Ngoài ra công ty tập trung khai thác thị trường nội địa trong nước, tiếp cận tất cả hệ thống siêu thị và các chuỗi bán lẻ. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu, công ty làm kỹ công tác tập huấn kỹ thuật, triển khai kỹ áp dụng các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm và cả công việc liên kết trong HTX”.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang giới thiệu nông sản địa phương với doanh nghiệp Nhật Bản. Ảnh: Nguyễn Toàn

Cùng đón đầu cơ hội xuất khẩu như Tiến Thịnh, Công ty TNHH MTV Thực phẩm Hạnh Nguyên đã đầu tư, đưa vào sử dụng kho lạnh, kho cấp đông bảo quản nông sản với diện tích 20.000 mét vuông ở Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành. Công suất cấp đông trái cây 100 tấn/ngày, kho lạnh có sức chứa 12.000 tấn thành phẩm, tổng mức đầu tư hơn 243 tỷ đồng. Các dây chuyền mới dược đâu tư ở công ty này khép kín từ việc súc rửa, chiếu xạ, đóng gói trái cây cho đến khâu thông quan.

Không chỉ doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Hậu Giang cũng năng động không kém. Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giấy bao bì với công suất 420.000 tấn/năm. Dù Covid-19 tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, nhưng giá trị xuất nhập khẩu năm ngoái ở đây vẫn đạt mức 110 triệu đô la Mỹ, trong đó xuất khẩu đạt hơn 87 triệu đô la.

Ông Chung Wei Fu, Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi đã chủ động nhập khẩu nguyên liệu trước với số lượng lớn. Vì vậy, khi lệnh giãn cách xã hội chính thức có hiệu lực, Lee & Man vẫn có đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất hàng hóa, duy trì hoạt động kinh doanh của mình một cách ổn định. Chúng tôi cũng đã nhận được rất kịp thời nhiều hỗ trợ về giám sát phòng, chống dịch bệnh từ phía các cơ quan chức năng tại địa phương tỉnh Hậu Giang. Nhờ vậy chúng tôi đã vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn, giữ vững được mức độ tăng trưởng”.

Trong lĩnh vực thủy sản, năm ngoái, Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang đã xuất được 22.400 tấn tôm đông lạnh chế biến chất lượng cao đi các thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu, Nhật, Hàn Quốc, Australia, Canada, đem về 240 triệu đô la Mỹ.

Tuần rồi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chọn Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang để tổ chức lễ xuất khẩu lô hàng tôm 160 tấn đầu tiên trong năm mới 2021 đi ba thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội mới cho xuất khẩu thủy sản của cả vùng ĐBSCL.

Ông Chu Văn An, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang, chia sẻ: “Việt Nam rất an toàn về vấn đề dịch bệnh cho nên chúng tôi sản xuất rất an toàn. Minh Phú cung cấp cho thế giới những mặt hàng chất lượng, tốt nhất và an toàn nhất trong mùa dịch. Năm 2021 này, chúng tôi đang xây dựng nhà máy, tiếp tục nâng công suất nhà máy ở Hậu Giang lên, phấn đấu đến năm 2025 đạt 500 triệu đô la Mỹ tôm chế biến xuất khẩu”.

Các kết quả này cũng có sự hợp tác, đầu tư về khoa học kỹ thuật từ vùng nguyên liệu đến nhà máy ở Hậu Giang, với sự có mặt “4 nhà” là nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nước. Riêng với Trường Đại học Cần Thơ, GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, khẳng định nhà trường sẽ hỗ trợ, kêu gọi các tập đoàn lớn trong và ngoài nước để khai thác tiềm năng về con người và đất đai Hậu Giang để đưa sản phẩm của tỉnh vươn xa.

GS Toàn đề nghị: “Chúng ta cần hợp tác để huấn luyện cho bà công nông dân có kỹ thuật, công nghệ tốt nhất. Tiếp đó là tập hợp bà con lại để có diện tích lớn đủ để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cho ra sản phẩn đáp ứng thị trường xuất khẩu. Trường Đại học Cần Thơ sẽ cung ứng sinh viên cũng như các nhà khoa học của trường để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, để nối kết việc kêu gọi doanh nghiệp khai thác cho được tài nguyên nông nghiệp công nghệ cao của Hậu Giang”.

Để có được những “trái ngọt” xuất khẩu này, UBND tỉnh Hậu Giang đã thường xuyên tổ chức xúc tiến thương mại với những chuyến đi “tiếp thị nông sản” ở nước ngoài. Lãnh đạo tỉnh cũng tổ chức gặp mặt định kỳ để kịp tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các mô hình “Cà phê doanh nhân”, “Đối thoại doanh nghiệp”. Các việc làm thường xuyên khác của bộ máy chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã ở Hậu Giang là thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí logistic và nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19 để công việc sản xuất kinh doanh, nhất là xuất khẩu, không bị đứt gãy.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: “Chúng tôi gặp gỡ, làm việc với các doanh nghiệp để vừa nắm thêm thông tin vừa động viên, tháo gỡ giúp cho doanh nghiệp được vấn đề thì làm ngay. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng hết sức phấn khởi và quyết tâm hơn trong quá trình hoạt động, sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu. Họ đã cùng chính quyền tiếp tục tìm thị trường mới, củng cố chất lượng, phát triển tại thị trường đã có. Chúng tôi sẽ quyết liệt hơn nữa trong khâu chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp làm ăn ở Hậu Giang”.

Trên cơ sở này, năm 2021, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và các doanh nghiệp đã đồng lòng với quyết tâm, vừa chống dịch Covid-19 bài bản, vừa lo phát triển kinh tế với kỳ vọng, đạt tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 1,82 tỉ đô la Mỹ, trong đó trên 90% là hàng nông thủy sản xuất khẩu, tăng khoảng 2% so với năm 2020.

 

Xem thêm: lmth.uahk-pahn-taux-gnourt-gnat-ueit-cum-ohc-gnat-nen-gnud-yax-gnaig-uah/666313/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Hậu Giang xây dựng nền tảng cho mục tiêu tăng trưởng xuất nhập khẩu”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools