Tiếng súng xuất hiện trong cuộc biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar - Video: Straits Times
Ngày 9-2, Liên Hiệp Quốc đã lên án việc sử dụng vũ lực nhắm vào những người biểu tình phản đối đảo chính (theo cách gọi của truyền thông phương Tây) ở Myanmar, sau khi cảnh sát bắn đạn cao su và xịt hơi cay để giải tán đám đông, theo Hãng tin AFP.
Trong một tuyên bố, Ola Almgren, điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Myanmar, nói rằng việc sử dụng vũ lực nhắm vào người biểu tình như vậy là "không thể chấp nhận được".
Tại thủ đô Naypyidaw, các nhân chứng cho biết cảnh sát đã bắn đạn cao su vào người biểu tình sau khi sử dụng vòi rộng.
"Họ bắn phát súng cảnh cáo lên bầu trời 2 lần, sau đó bắn đạn cao su vào người biểu tình" - một người dân kể lại với Hãng tin AFP.
Tạp chí Nikkei Asia dẫn thông tin từ trang tin địa phương 7Day News cho biết một cô gái 19 tuổi đã trải qua phẫu thuật khẩn cấp tại một bệnh viện lớn ở Naypyidaw. Còn Hãng tin Reuters cho biết người bị thương nghiêm trọng đã bị trúng đạn ở đầu.
Người biểu tình che chắn để đối phó việc cảnh sát sử dụng vòi rồng khi họ tham gia cuộc biểu tình phản đối đảo chính ở Yangon ngày 9-2 - Ảnh: AFP
Trong khi các cuộc biểu tình tại Yangon (thành phố lớn nhất Myanmar) nhìn chung khá ôn hòa, các cuộc đối đầu căng thẳng lại xuất hiện ở thành phố Mandalay and Naypyidaw, với việc cảnh sát triển khai vòi rồng, đạn cao su và hơi cay, theo báo Straits Times.
Hiện không rõ chính xác bao nhiêu người biểu tình bị thương, nhưng theo Hãng tin Reuters, có ít nhất 4 người được đưa tới bệnh viện với các vết thương mà theo xác định ban đầu của bác sĩ là do đạn cao su.
Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ truyền hình nhà nước Myanmar ngày 9-2 cho biết cảnh sát nước này cũng bị thương khi cố gắng giải tán những người biểu tình mà theo họ là hành động "hung hăng".
Ngày 9-2, New Zealand trở thành quốc gia đầu tiên "đóng băng" quan hệ với Myanmar khi nước này cho biết sẽ tạm ngừng tất cả hoạt động tiếp xúc cấp cao với Myanmar, và áp đặt lệnh cấm đi lại đối với các lãnh đạo quân đội Myanmar sau cuộc đảo chính hôm 1-2.
Theo báo Myanmar Times, đã có 90 khu vực ở 30 thành phố của Myanmar, gồm Yangon, bị áp lệnh giới nghiêm từ 20h tối tới 4h sáng kể từ hôm 8-2. Tại những nơi này, người dân bị cấm tụ tập nhiều hơn 5 người.
TTO - New Zealand khẳng định nước này hiện không công nhận chính quyền do quân đội Myanmar lãnh đạo là chính quyền hợp pháp, sau vụ đảo chính tuần trước, đồng thời áp đặt lệnh cấm đi lại với các lãnh đạo quân đội Myanmar.