Chi tiết ấy làm tôi cứ nghẹn ngào, ám ảnh, vừa thắc thỏm vừa ưu tư. Sau này, khi có gia đình, tôi cứ thích mời bạn bè tụ bạ chiều 30 Tết.
Mời được bạn vào lúc ấy thì không dễ. Chiều ấy nó kỳ lạ lắm. Ông nào cũng phải làm phận sự như dọn bàn thờ, tỉa cây, chở vợ đi mua sắm các loại để chứng tỏ trong nhà có một gã đàn ông. Bạn tôi có đứa xung phong đi mua cái gì đấy, để thay vì chỉ 20 phút thì kéo ra một tiếng. Thế là gặp nhau, dù chút thôi, uống với nhau ly rượu, đủ để nghe không khí Tết dần đến, vừa thiêng liêng vừa dân dã, vừa thanh thiên bạch nhật vừa bí ẩn. Cái không khí ấy nó xúc động và cứ mong manh như sắp vỡ, rất lạ. Lại thấy có điều gì đấy vừa phấp phỏng mà lại an bằng, vừa thỏa thuê vừa áy náy...
Tôi có tầm 10 ông bạn để thường hẹn nhau như thế. Nhưng chỉ chừng 5 ông tới là được rồi. Khỏi cần đủ mới vào tiệc. Có ai làm nấy. Có người chưa kịp ngồi đã quay lưng, có người điện thoại gọi tíu tít nhưng vờ như không nghe. Thì đã bảo nó cứ nôn nao như chiều 30 Tết. Những gì ngon nhất thì sẽ mang ra cho buổi chiều đặc biệt này. Tất nhiên, không thể thiếu món cuốn.
Ngày còn đói khổ, mẹ tôi chuẩn bị tết như một kỳ tích. Làm sao với những đồng tiền ít ỏi mà vẫn ra cái tết cho chồng con vui. Thế nên phải nghĩ trước cả tháng, chuẩn bị cả tháng. Ví dụ giò thì mẹ làm giò thủ, nó rẻ và cũng là giò. Rồi làm cuốn, cái món vừa rẻ vừa đẹp, lại dễ ăn.
Nhắc tới làm cuốn, mới thấy hóa ra không phải ai cũng biết luộc hành, loại hành tươi ấy, có củ và lá xanh. Phải bó nó lại, nhúng đầu củ xuống trước, tái thì nhúng tiếp phần lá. Nói chung nó dễ như luộc trứng nhưng giờ, 10 cô luộc trứng sẽ có 3 cô để trứng vỡ trong nồi vì luộc trứng cũng không phải dễ.
Tết là đang mùa hành hoa. Mẹ tôi sẽ tuyên bố: Làm cuốn. Thì phải đi chợ. Hành thì đa phần trong vườn, tự cung tự cấp. Thời bao cấp, nhà ai cũng thế, tận dụng từng tí đất trồng rau, nuôi gà. Mua trứng, tôm (loại nhỡ thôi, cỡ ngón tay, phải là tôm sông), rau mùi (ngò). Tất nhiên, trong nhà đã có giò thủ rồi, nếu không thì cũng có thịt ba chỉ để thay.
Trứng gà, tráng thật mỏng, thật vàng. Ấy, lại là không phải ai cũng biết tráng cho nó thật mỏng, thật vàng nhé. Tôm rang nhẹ cho lên hết màu. Giò thủ hoặc thịt ba chỉ thái con chì. Rau mùi rửa sạch, ngắt chừng 3 đốt tay.
Xong rồi thì cuốn.
Củ hành trắng ngần nhé. Miếng trứng vàng ươm nhé. Miếng giò hoặc thịt ba chỉ nhé. Con tôm nhỡ nhé. Rau mùi nhé. Sắp khéo léo cạnh nhau rồi dùng chính cái lá hành ấy quấn vào. Quấn sao cho nó như cái hoa. Đỉnh hoa là cái lá mùi màu xanh xoăn xoăn đỡ lấy miếng trứng màu vàng nhô cao. Tụt xuống tí là tôm, giò, rồi lấy cái bát sâu lòng đặt vào. Nó y như một bát hoa. Khách nhiều khi chỉ chống đũa ngồi ngắm, chứ không nỡ gắp.
Mà nó hợp nhau nhé. Hành, giò thủ, tôm, trứng quyện vào nhau cứ tưng bừng như cuốn gặp Tết, như chủ nhà gặp khách chiều 30. Gắp một cái cuốn như thế, chấm nước mắm tiêu, ngậm nghe nó giao hoan trong miệng, rồi khe khẽ nhai, nhai kiểu đọc thơ chứ không phải tiểu thuyết. Thấy nó tan rã từ từ trong miệng, trong cổ. Nó khoái thú, nó ngon lành, nó mênh mang, nó dâu bể, nó thăng trầm, nó hiện hữu và cuối cùng là nó xuống dạ dày.
Cái chiều 30 kiểu ấy, giờ là đặc sản nhà tôi. Cứ sắp Tết là bạn bè lại hỏi: Năm nay thế nào. Tôi bảo vẫn thế. Thực tế thì cũng chả ai có thể ngồi lâu được, trừ chủ nhà. Cứ người này ra, người kia vào, thế là tiếp. Nhưng tối, khi cả nhà kéo đi xem bắn pháo hoa thì tôi mở laptop và khai bút.
Năm nào tôi cũng có một bài thơ khai bút trong hoàn cảnh ấy. Khói hương, khói pháo hoa, dư âm những câu chuyện rời rạc buổi chiều. Những bài thơ khai bút ấy chỉ cần bạn bè bảo "đọc được" - thế đã là Xuân rồi.
Văn Công Hùng
NLĐ
Xem thêm: nhc.65935218001201202-tet-03-ueihc-gnuhn/nv.zibefac