Hôm 8/2, ông Nguyễn Hải Ninh, nhà sáng lập The Coffee House đã thông tin về việc chia tay chuỗi cửa hàng cà phê này sau 6 năm gắn bó.
Ông Ninh viết trên facebook cá nhân: "6 năm cho một hành trình, có buồn có vui có hoan ca có thất bại. Còn đó những ước mơ, những trăn trở lẫn kỳ vọng. Cảm ơn tất cả vì đã làm nên phần đẹp nhất của tuổi thanh xuân của mình. Tạm biệt The Coffee House - The House of Inspiration".
Trên thực tế, The Coffee House từ lâu đã không do ông Nguyễn Hải Ninh nắm quyền kiểm soát. Ông chủ thực sự của chuỗi cà phê là Ficus Asia Investment, quỹ đầu tư có trụ sở tại Singapore nhưng do đội ngũ người Việt sáng lập. Đứng đầu quỹ là ông Đinh Anh Huân, người từng cùng ông Nguyễn Đức Tài khởi nghiệp tạo nên CTCP Thế giới Di động (MWG), công ty hiện giá trị 2,6 tỷ USD.
Cập nhật đến thời điểm 31/12/2020, bản thân Ficus Asia Investment, và gián tiếp thông qua các công ty con (Seedcom Group và Seedcom) nắm lần lượt 25,68% và 65,3% cổ phần Công ty Thương mại Dịch vụ Trà Cà phê Việt Nam (The Coffee House). Tổng sở hữu của nhóm nhà đầu tư này đã tăng lên tới gần 91%.
Không chỉ The Coffee House, Seedcom cũng đã đầu tư vào nhiều thương hiệu nổi tiếng như Cầu Đất Farm - nông trại, Juno và Hnoss - thời trang, King Food - thực phẩm, Scommerce - logistics, và Havaran - công nghệ.
Còn phía Ficus Asia Investment, thông qua Scommcerce Investment, họ rót vốn nắm chi phối tại Giao hàng nhanh, Ahamove và Ipos.
Cuối tháng 10 năm ngoái, Ficus nhận 50 triệu USD đầu tư từ EWTP Capital, quỹ được chống lưng bởi Alibaba và Ant Financial của Jack Ma.
Cơ cấu các công ty và người đại diện
Quay trở lại với The Coffee House, thương hiệu chuỗi cà phê mở cửa hàng đầu tiên năm 2014 tại TP HCM. Một năm sau, họ có mặt ở Hà Nội và nhanh chóng mở rộng ra các tỉnh thành khác.
Năm 2018, The Coffee House đánh dấu cột mốc 100 cửa hàng; trong năm này công ty nhận sáp nhập bộ phận cà phê của Cầu Đất Farm, qua đó sở hữu nguồn nguyên liệu của riêng mình.
Tính đến thời điểm hiện tại, The Coffee House đang vận hành gần 180 cửa hàng trên toàn quốc, nằm trong số những chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam.
Dữ liệu của chúng tôi về kết quả kinh doanh năm 2019 của các chuỗi cà phê lớn cũng cho thấy The Coffee House xếp thứ hai với doanh thu 863 tỷ đồng, sau Highlands Coffee dẫn đầu đạt 2.199 tỷ đồng.
The Coffee House nhỉnh hơn một chút nếu so với Starbucks Việt Nam và Phúc Long. Tất cả những cái tên dẫn đầu đều tăng trưởng mạnh mẽ, điều này cho thấy sức hấp dẫn và dư địa của ngành đồ uống, ngay cả khi họ đang cạnh tranh khốc liệt với nhau.
Nhưng trong khi lợi nhuận của những Starbucks, Phúc Long tăng dần theo quy mô; The Coffee House lại báo khoản lỗ nặng năm 2019, 81 tỷ đồng. Điều đáng nói là biên lãi gộp của The Coffee House lên tới 72%, thuộc hàng cao nhất thị trường.
Trong những năm gần đây, The Coffee House luôn khuyến khích khách hàng trải nghiệm app sản phẩm của riêng mình, cùng với đó đi kèm những ưu đãi hấp dẫn. Thực tế lượt tải ứng dụng The Coffee House trên CH Play và App Store đã lên tới hàng trăm nghìn, bỏ rất xa so với các chuỗi cà phê khác trên thị trường.
The Coffee House đang là chuỗi duy nhất trong số các thương hiệu lớn không đưa cửa hàng lên các app giao nhận đồ ăn, thay vào đó họ sử dụng dịch vụ giao hàng của riêng mình.
Quan điểm của lãnh đạo chuỗi cà phê này cho rằng việc hợp tác với các ứng dụng giao đồ ăn là tự sát. "Các ứng dụng giao đồ ăn đốt tiền khuyến mãi chỉ đem lại giá trị ngắn hạn cho các thương hiệu đồ ăn thức uống. Thương hiệu rồi sẽ lệ thuộc vào các ứng dụng", ông Đinh Anh Huân - Chủ tịch HĐQT Seedcom kiêm Chủ tịch HĐQT The Coffee House từng nói.
Nhiều khả năng, chính chiến lược khác biệt này là nguyên nhân khiến The Coffee House thua lỗ.
Đông A
Doanh nghiệp tiếp thị