Các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ Tết tại các chợ dân sinh, siêu thị đều dồi dào và phong phú, tuy nhiên lượng mua giảm hơn năm trước.
Chỉ mong có người mua
Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2021, tại Hà Nội đang tràn ngập không khí mua sắm các mặt hàng thiết yếu đón xuân. Từ các chợ truyền thống cho đến các siêu thị, mật độ người dân tham quan mua sắm có phần náo nhiệt hơn những ngày trước đây, tuy nhiên, sức mua giảm hẳn so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ghi nhận của Lao Động ngày 10.2, tại một số siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội như Big C Hà Đông, siêu thị Co.opmart Hà Đông, Big C Thăng Long... không còn cảnh cháy hàng nhu yếu phẩm, hàng hoá rất dồi dào.
Lúc 10h trưa 10.2 (thời điểm các bà nội trợ tranh thủ đi mua hàng), nhưng tại siêu thị Big C (đường Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội), các kệ hàng tươi sống như rau, củ quả, thịt, cá... đã được cung cấp dồi dào trên các kệ hàng.
Cứ 20 phút, nhân viên siêu thị này lại bổ sung thêm hàng trên kệ, thay hàng mới và loại bỏ hàng dập nát. Đặc biệt, các loại rau xanh, nấm, một số củ quả liên tục được bổ sung.
Tại siêu thị Mega Market Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm), siêu thị Vinmart Khúc Thừa Dụ (Cầu Giấy), số lượng người mua không quá lớn.
Anh Cường - quản lý ngành hàng ở Mega Market cho biết, trước Tết Nguyên đán 2 tháng, siêu thị đã chuẩn bị lượng hàng rất lớn - 450 tỉ đồng, để cung ứng cho người dân ngay cả trong tình huống xấu nhất. Chính vì vậy, thời điểm này, lượng hàng rất dồi dào, siêu thị chỉ mong có người đến mua.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (ở Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm) cho biết, ngày 29 Tết, các mặt hàng, nhất là thịt lợn, rau xanh khá dồi dào, giá cả ổn định, người mua không đông đúc, không có cảnh chen chúc tranh nhau mua hàng.
Tại các chợ như Dịch Vọng, Cổ Nhuế, Mỹ Đình, Long Biên... hầu hết các mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết đều có giá ổn định, thậm chí còn giảm nhẹ so với tuần trước. Giá thịt gà, thịt lợn giảm thêm 5.000 đồng/kg so với tuần trước; giá các loại hải sản như cá, tôm, ngao, mực không có biến động. Giá các loại hàng khô hay rau xanh đang vào chính vụ lại gặp thời tiết tốt nên nguồn cung phong phú, giá giảm.
Theo chia sẻ của một số tiểu thương tại chợ Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội), mặc dù hàng hóa Tết năm nay dồi dào và phong phú, song một phần do tinh thần chống dịch COVID-19 nên sức mua rất thấp. Nhu cầu về hàng hóa Tết dịp này đã có nhiều thay đổi, khi các hệ thống siêu thị luôn mở cửa cả trong những ngày nghỉ Tết nên người dân không còn tâm lý mua sắm với số lượng nhiều, đi chợ mua sắm theo nhu cầu hàng ngày vì không còn lo khan hiếm hàng hóa.
Tăng lượng hàng lên từ 190% đến 1.500%
Bà Trần Kim Nga - Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam - cho biết, trước Tết Nguyên đán, đơn vị này đã phối hợp với nhà cung cấp, nông dân để tăng lượng hàng thiết yếu bán ra từ 20 – 40% so với kế hoạch nhằm đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
"Trong dịp trước và sau Tết, chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với nhà cung cấp để đặt hàng và tăng số lượng xe giao hàng đến các trung tâm, đặc biệt là các trung tâm ở khu vực miền Bắc, tránh tình trạng thiếu hàng và sốt giá", bà Nga nói.
"Hiện các mặt hàng như gạo, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống... đã được MM tập trung chủ động nguồn hàng hóa, tăng lượng mua vào với tổng giá trị hàng hóa hơn 1,200 tỉ đồng. MM đã tăng lượng hàng lên từ 190% đến 1.500% để đưa vào hệ thống phục vụ khách hàng", bà Nga cho hay.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail (đơn vị chủ quản các chuỗi Big C và Go!) cho biết, hệ thống này cũng đã làm việc với các nhà cung cấp để tăng cường tần suất giao hàng; đồng thời, huy động nhân viên làm việc tối đa nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa cho thị trường, đủ phục vụ nhu cầu khách hàng.
Trao đổi với Lao Động, bà Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, đến thời điểm này, nguồn hàng phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán không thiếu, không có tình trạng "sốt" hàng hoặc giá cả tăng cao đột biến do chương trình bình ổn thị trường đã được nhiều địa phương như Hà Nội tập trung triển khai tốt.
“Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động", bà Nga nói.
Xem thêm: odl.004978-aum-iougn-oc-gnom-ihc-iht-ueis-oad-iod-tet-aoh-gnah/et-hnik/nv.gnodoal