vĐồng tin tức tài chính 365

Thưởng Tết bất động sản kém nhất 6 năm

2021-02-10 17:20

Năm 2020, thị trường bất động sản chịu tác động kép của đại dịch và pháp lý kéo dài nên suy giảm nguồn cung, chỉ một số chủ đầu tư lớn có rổ hàng để bán. Còn lại hơn 60% doanh nghiệp trên thị trường gặp khó khăn khiến mức thưởng Tết năm 2021 của ngành địa ốc ảm đạm nhất kể từ năm 2014.

Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản có trụ sở tại khu Đông TP HCM tiết lộ, thưởng Tết của công ty ông năm nay kém xa năm trước và kém nhất kể từ năm 2014 trở lại đây do không có hàng để bán. Dự án do công ty phát triển "chạy" pháp lý chưa xong, cả năm chỉ liên kết bán được hàng một dự án nhỏ ở vùng ven, thu không đủ bù chi để duy trì hệ thống, phải lấy quỹ dự phòng ra ứng phó.

Khối văn phòng chỉ được thưởng Tết tượng trưng nửa tháng lương thứ 13 còn khối nhân viên kinh doanh nhận nửa tháng lương 13 nhưng vẫn bị nợ tiền phí môi giới đến quý II/2021. Hoa hồng bán hàng dự án liên kết vẫn chưa thu được từ phía đối tác nên khoản phí môi giới hẹn thanh toán trong vòng 3 tháng tới.

Trong khi đó, anh Biên, quản lý khối bán hàng của một doanh nghiệp địa ốc có trụ sở tại khu Nam TP HCM chia sẻ, công ty đã nợ lương nhiều tháng đầu năm khi dịch Covid-19 bùng phát lần đầu và phải cách ly toàn quốc.

Đến cuối năm, việc triển khai bán hàng hồi phục dần nhưng vẫn yếu hơn năm 2019, vì vậy không thể bù đắp được cho cảnh thiếu hụt tài chính trong những tháng cuối năm. Thêm vào đó, xử lý công nợ (đòi nợ từ đối tác) cũng rất khó khăn. "Đây là năm đầu tiên sau gần một thập niên công ty không thể lo thưởng cuối năm cho nhân viên nên đã có nhiều nhân sự dứt áo ra đi", anh Biên chia sẻ.

Môi giới bất động sản tư vấn cho khách xem một dự án tại TP HCM. Ảnh: Hải Khoa.

Môi giới bất động sản tư vấn cho khách xem một dự án tại TP HCM. Ảnh: Hải Khoa.

Trên thực tế, nhân sự ngành bất động sản chịu nhiều sức ép giảm lương trong năm qua, bao gồm cả giảm lương chủ động (người lao động tự nguyện) và giảm lương thụ động (quy định của doanh nghiệp trong mùa dịch).

Theo ghi nhận của VnExpress, giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5/2020 các công ty phát triển bất động sản (chủ đầu tư) cả trong nước lẫn nước ngoài đều xuất hiện nhiều tình huống giảm lương tự nguyện 20-30% ở cấp quản lý và giảm lương thụ động 10-20% ở nhân viên cấp trung.

6 tháng đầu năm 2020 cũng là giai đoạn các công ty môi giới (nhà phân phối) phải thu hẹp quy mô, giảm bớt nhân viên, tạm đóng cửa hoặc nợ lương. Tuy nhiên từ tháng 6 đến cuối năm 2020, tình trạng nợ lương không còn phổ biến nữa, ngoại trừ các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn tiếp tục giảm lương tự nguyện. Do đó, việc thưởng Tết kém hơn năm trước và kém nhất kể từ năm 2015 được xem là kịch bản đã được báo trước.

Tuy nhiên, vẫn có khoảng 25-30% doanh nghiệp vượt qua khó khăn, bán được hàng trong đại dịch nên vẫn có thể duy trì mức thưởng Tết tốt hơn mặt bằng chung của toàn thị trường. Tổng giám đốc một công ty môi giới và tư vấn bất động sản có trụ sở tại quận 5, TP HCM cho biết, năm 2020 doanh nghiệp bán được gần 3.000 sản phẩm, sụt giảm hơn 1.000 sản phẩm so với năm 2019 do tác động của dịch bệnh.

Tuy doanh số đi xuống khá mạnh, nhưng nhờ vẫn bán được hàng nên công ty có thể lo được thưởng Tết tháng lương 13 cho tất cả nhân viên. Khối nhân viên văn phòng được thưởng thêm hỗ trợ theo dịch vì đã vượt khó cùng công ty, còn đội ngũ sale nếu là cá nhân xuất sắc được thưởng xe, quà tặng tiêu dùng và các chuyến du lịch. Thu nhập cao nhất của nhân viên kinh doanh vẫn có vài người đạt 1,1-1,2 tỷ đồng trong năm. "Ngước lên mình chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống các doanh nghiệp khác đang rất khó khăn, tôi tự an ủi dù sao cũng đã lo được cái Tết cho nhân viên", CEO công ty này cho hay.

Giám đốc một công ty bất động sản có trụ sở đặt tại khu An Phú quận 2, TP HCM chia sẻ, do áp dụng chiến thuật đánh bắt xa bờ và chuẩn bị kết nối nguồn cung từ năm 2019 nên trong năm 2020, doanh nghiệp vẫn may mắn có đất nền chào bán ở các tỉnh vùng ven giáp ranh Sài Gòn. Nhờ túc tắc bán hàng suốt năm nên nhân viên vẫn được trả lương, phí môi giới đầy đủ.

Cuối năm công ty này thưởng Tết lương tháng 13 cho tất cả nhân viên, môi giới được nhận một tháng lương, quản lý cấp trung nhận thêm 1,5 tháng lương, cấp giám đốc được thêm 2 tháng lương. Các cá nhân xuất sắc được tặng xe máy, ipad và thưởng tiền cho cống hiến trong năm. "Công ty chỉ có quy mô vài chục nhân viên nhưng quỹ thưởng tết lên đến 1,5 tỷ đồng. Chỉ là doanh nghiệp nhỏ nên vượt khó được đã là thành công trong năm qua", ông giãi bày.

Ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty Ngọc Châu Á xác nhận, mặt bằng chung doanh nghiệp địa ốc rất khó khăn trong năm 2020 nên thưởng Tết là khái niệm xa xỉ với đa số đơn vị quy mô vừa và nhỏ.

Theo ông, trừ những chủ đầu tư đã có thị phần lớn, rổ hàng dồi dào, trường vốn chiếm khoảng 20-30% thị trường, may ra vẫn xông xênh thưởng Tết, phần còn lại đều thắt lưng buộc bụng, chật vật xoay sở thưởng Tết ở mức thấp hoặc trung bình. Thời hoàng kim thưởng Tết bất động sản rầm rộ cả chục tháng lương hay thưởng nhà (căn hộ), ôtô từ năm 2019 đến nay đã không còn xuất hiện nữa.

"Tôi biết năm qua có đơn vị nợ lương nhân viên rất lâu, cũng có những công ty không lo nổi tháng 13 để thưởng Tết. Kể từ năm 2014 đến nay, đây là cái Tết nghèo nhất của người làm ngành địa ốc", ông Hạnh nhìn nhận.

CEO Ngọc Châu Á dự báo thêm, với diễn biến Covid-19 đang khá phức tạp trong những ngày cận Tết, các doanh nghiệp bất động sản chắc chắn sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa trong năm 2021. Bởi lẽ, đặc thù việc bán hàng ngành địa ốc là khi chốt giao dịch phải thực hiện trực tiếp và tâm lý nhà đầu tư đang ít nhiều bị dao động.

Minh Lê

Xem thêm: lmth.6534324-man-6-tahn-mek-nas-gnod-tab-tet-gnouht/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thưởng Tết bất động sản kém nhất 6 năm”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools