Số liệu mới công bố từ Bộ Xây dựng cho thấy, lượng nhà ở đủ điều kiện bán trong quý IV/2020 giảm rõ rệt, bằng khoảng 76% quý trước. Nguồn cung nhà ở tại nhiều địa phương cũng sụt giảm đáng kể so với quý III/2020 và cùng kỳ năm 2019.
Quý IV/2020, cả nước có 80 dự án với 29.290 căn hộ được các Sở Xây dựng thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Trong đó, Hà Nội có 4 dự án với 1.068 căn nhà. Số lượng dự án tại TP. Hồ Chí Minh gấp gần 3 lần Hà Nội, với 10.173 căn nhà.
Bộ Xây dựng nhận định, nguồn cung nhà ở năm 2020 tương đối ổn định so với năm 2019. Dự án mới ra mắt chủ yếu là nhà ở thương mại. Thị trường đón nhận 322 dự án với 110.181 căn hộ trên cả nước.
Bộ Xây dựng thừa nhận có hiện tượng giới đầu cơ lợi dụng quy hoạch để thổi giá BĐS thu lợi bất chính. Ảnh: dự án Khu biệt thự Vườn Cam - Orange Graden (huyện Hoài Đức, Hà Nội) chôn vùi hàng trăm tỷ của nhà đầu tư khi nhiều khu đất xây nhà biệt thự thành nơi trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn, thả vịt... nhưng nay bất ngờ được "cò đất" đẩy sóng, thổi giá dựng ngược. Ảnh: Ninh Phan.
Theo đó, giá căn hộ chung cư tại hai thị trường lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có xu hướng tăng. Giá bình quân các loại căn hộ chung cư (bao gồm căn hộ bình dân, trung cấp, cao cấp) tại Hà Nội qúy IV/2020 tăng khoảng 2-3%; tại TP. Hồ Chí Minh tăng khoảng 3-4% so với quý IV/năm 2019.
Lũy kế của sự tăng giá liên tục làm cho giá các loại căn hộ thay đổi đáng kể. Có những dự án, căn hộ trước đây thuộc phân khúc bình dân thì nay đã có mức giá thuộc phân khu trung cấp, vượt khả năng chi trả của người dân có thu nhập thấp tại các đô thị lớn.
Các phân khúc căn hộ chung cư đều ghi nhận có sự tăng giá. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng ở mỗi loại khác nhau. Căn hộ bình dân tăng giá mạnh nhất, kế tiếp là căn hộ trung cấp. Tại Hà Nội, các dự án có mức giá dưới 25 triệu rất ít, chỉ có tại các khu vực xa trung tâm và hạ tầng kém phát triển. TP. Hồ Chí Minh hầu như không có dự án căn hộ giá dưới 25 triệu/m2.
Đa số dự án chung cư mới hình thành tại Hà Nội đều thuộc phân khúc trung cấp. Giá bán từ 30 – 40 triệu đồng/m2, tập trung nhiều tại các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Gia Lâm…. Cùng phân khúc nhưng giá nhà tại TP. Hồ Chí Minh cao hơn thị trường Hà Nội, khoảng 35 – 45 triệu đồng/m2.
Đánh chú ý, theo Bộ Xây dựng, giá cả hàng hóa BĐS, nhất là giá nhà ở hiện chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực, không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Giới đầu cơ lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị để đẩy giá lên cao, thu lợi bất chính, gây bất ổn cho thị trường. Hiện tượng này nổi cộm ở các khu vực dự kiến quy hoạch lên quận của Hà Nội, khu vực thành lập thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Tổng hợp lũy kế đến cuối năm 2020, số lượng nhà ở tồn kho còn khoảng gần 9.000 căn. Trong đó, nổi bật ở các địa phương chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 (TP. Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Kiên Giang, tỉnh Bình Dương,...). Các tỉnh/thành phố, đô thị lớn, tập trung và các địa phương đang có tốc độ đô thị hóa mạnh (TP.Cần Thơ, tỉnh Long An, tỉnh Đồng Nai) cơ bản giữ nhịp phát triển ổn định. Lượng nhà ở đưa ra thị trường chưa được hấp thụ ở mức vừa phải.
Ngọc Mai
Tiền Phong