Đài NBC News đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 10-2 thông báo Washington sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với những lãnh đạo quân đội liên quan cuộc chính biến Myanmar và yêu cầu trao trả quyền lực cho chính quyền dân sự.
Các biện pháp trừng phạt sẽ nhắm vào các lãnh đạo quân sự đã chỉ đạo cuộc chính biến, cũng như lợi ích kinh tế của họ và các thành viên trong gia đình. Ông Biden cho biết đợt trừng phạt đầu tiên vào các cá nhân cụ thể sẽ được xác định vào cuối tuần này.
Mỹ cũng sẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và đóng băng các tài sản của Mỹ vốn có lợi cho chính phủ Myanmar. Tuy nhiên, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hỗ trợ y tế và các lợi ích khác hỗ trợ trực tiếp cho người dân Myanmar.
Ông Biden thông báo áp đặt trừng phạt lãnh đạo quân sự Myanmar. Ảnh: GETTY IMAGES
"Hôm nay, tôi lại kêu gọi quân đội Miến Điện (tên trước đây của Myanmar) trả tự do ngay lập tức cho các nhà lãnh đạo và nhà hoạt động chính trị dân chủ. Quân đội phải từ bỏ quyền lực đã nắm giữ và thể hiện sự tôn trọng đối với vai trò của người dân Miến Điện như đã thể hiện trong cuộc bầu cử ngày 8-11-2020" – ông Biden nói.
"Mỹ sẽ sẵn sàng áp dụng các biện pháp bổ sung và sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác quốc tế để thúc giục các quốc gia khác tham gia cùng chúng tôi trong những nỗ lực này" – ông Biden nói.
Trước đó, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 10-2 nói rằng nỗ lực này sẽ vượt ra ngoài các hành động đơn phương, theo đó sẽ bao gồm "làm việc với các đối tác và đồng minh của Mỹ, cả trong khu vực, nhằm xác định các cách thức phù hợp để gây áp lực và can dự".
"Các cuộc thảo luận và đàm phán đang diễn ra với các đối tác và đồng minh của Mỹ ở châu Á và châu Âu, và bạn biết chắc chắn cần phải công nhận rằng đây sẽ là một nỗ lực phối hợp" - bà Psaki nói thêm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 9-2 cho biết "cộng đồng quốc tế đang cố gắng mọi cách để đảm bảo rằng nền dân chủ và sự lãnh đạo dân sự được khôi phục ở Miến Điện".
"Chúng tôi đang tiến hành xem xét cẩn thận sự hỗ trợ mà chúng tôi cung cấp cho Miến Điện và nhằm đảm bảo rằng những người chịu trách nhiệm cho cuộc chính biến này sẽ phải đối mặt những hậu quả đáng kể" – ông Price nói.
Trước đó, ông Biden đã gọi cuộc chính biến tại Myanmar là "một cuộc tấn công trực diện vào quá trình chuyển đổi sang dân chủ và pháp quyền" của Myanmar, và yêu cầu chấm dứt viện trợ đối với chính phủ nước này.
Quân đội Myanmar đã giành quyền kiểm soát đất nước vào ngày 1-2 sau khi bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và loạt quan chức chính phủ. Phía quân đội tiếp tục áp đặt lệnh cấm internet và hạn chế tụ tập khi các cuộc biểu tình bùng phát khắp đất nước.