Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama (thứ hai từ phải sang) trò chuyện với nghệ nhân Ánh Tuyết tại sự kiện đêm gala phở dành cho ngoại giao đoàn do báo Tuổi Trẻ tổ chức tối 10-12-2020 - Ảnh: NAM TRẦN
Chỉ cần một bước nhỏ nữa để phở - tấm hộ chiếu ẩm thực Việt Nam - bước ra thế giới
Trong mắt nhiều người Việt Nam, thế giới Hồi giáo vẫn phủ một bức rèm huyền bí. Liệu phở, món ăn quốc hồn quốc túy của Việt Nam, có thể chinh phục được người Hồi giáo, với quy chuẩn khắt khe trong lối sống, đặc biệt là ăn uống - dưới tên gọi Halal để đến với cộng đồng hơn 1,6 tỉ tín đồ hay không?
Người Ai Cập nấu phở
Đến Việt Nam nhân chuyến công tác ngắn ngủi năm 2014 rồi bén duyên với một người phụ nữ Việt và gọi Hà Nội là nhà từ năm 2016, hơn ai hết, anh Ibrahim Rakaa hiểu đồ ăn thức uống là rào cản lớn nhất với cộng đồng Hồi giáo.
Với những quy tắc khắt khe thiết lập bởi niềm tin tôn giáo, văn hóa và giới luật, tất cả đồ ăn của người Hồi giáo đều phải đạt chuẩn Halal - mang nghĩa "được phép" hay "hợp pháp" trong tiếng Ả Rập. Dù người Hồi giáo chiếm đến 1/4 dân số thế giới, khái niệm Halal vẫn khá mơ hồ ở Việt Nam.
Mở một nhà hàng phục vụ món ăn Ai Cập theo chuẩn Halal để phục vụ cộng đồng Hồi giáo nhỏ bé ở Hà Nội và mang ẩm thực Ả Rập đến gần hơn với người bản xứ là dự án tâm huyết của anh Ibrahim và vợ khi bắt đầu cuộc sống mới ở Việt Nam.
Trong thực đơn những món ăn lạ lẫm với người Việt nổi lên một cái tên thân thuộc: phở.
"Đó là món đặc biệt tôi dành đãi khách quen hoặc bạn bè thân thiết", anh Ibrahim nói với Tuổi Trẻ vào một buổi sáng mùa đông Hà Nội bên nồi nước dùng nghi ngút khói.
"Phở phù hợp với người đạo Hồi vì không có nguyên liệu nào nằm trong danh sách cấm kỵ. Chỉ cần thịt bò đúng chuẩn Halal và nấu bởi người Hồi giáo là được".
Nhưng chính việc tìm nguyên liệu cũng là khó khăn lớn nhất. Để nấu một nồi phở bò thuần Việt cho người theo đạo Hồi, anh Ibrahim cùng các cộng sự phải rong ruổi ra các huyện ngoại thành, lên tận Vĩnh Phúc để chọn bò và tự tay thực hiện các công đoạn chế biến thịt.
"Các siêu thị đã bắt đầu nhập thịt đông lạnh đóng dấu Halal, nhưng đâu thể nấu phở với những nguyên liệu đó" - anh Ibrahim tự giải thích.
Điều cốt lõi của phở bò Việt Nam nằm trong nước xúp thanh trong mà đậm đà, chỉ có thể đạt được bằng việc hầm xương ống và thịt tươi trong 8 tiếng hoặc hơn. Và dù có khẩu vị mạnh, người theo đạo Hồi dễ dàng bị chinh phục bởi phở Việt nhờ những nét tương đồng trong mùi vị.
"Khi được vợ truyền cho bí kíp nấu phở, tôi mới nhận ra rằng những hương liệu tạo nên món ăn này như hành, thảo quả, quế hay hoa hồi cũng chính là những hương liệu cấu thành nên món cơm rang biryani mà người Ả Rập nào cũng mê mẩn" - anh Ibrahim chia sẻ.
Phở mang nét độc đáo riêng của ẩm thực Việt Nam, lại ngẫu nhiên phù hợp với tập tục ăn uống của người Hồi giáo. "Đó là chìa khóa quan trọng để mang ẩm thực Việt Nam đến gần hơn với cộng đồng này" - anh Ibrahim nói.
Đại sứ Armernia tại Việt Nam Vahram Kazhoyan và phu nhân thưởng thức món phở tại đêm gala phở ngày 10-12-2020 - Ảnh: NAM TRẦN
Rào cản
"Một món ăn kỳ diệu" - đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama đã thốt lên như vậy khi nói về phở.
Nhớ về những ngày còn là sinh viên tại Hà Nội hồi đầu những năm 1980, người thanh niên Palestine khi đó chỉ dám ăn bánh mì không với trứng gà luộc rắc muối tiêu vì sợ phạm giới luật đạo Hồi.
"Chỉ đến khi một người bạn Palestine dẫn tôi đi ăn một tô phở gà, từng thìa nước dùng nóng hổi làm người tôi ấm sực. Tôi lập tức trở thành người hâm mộ nhiệt thành của phở từ đó đến nay" - đại sứ nói.
Chưa có tuần nào ở Việt Nam mà ông Saadi không ăn phở. Ngoài hàng phở gà mối ruột ở Ngũ Xã, ông còn thích khám phá các quán mới. Hơn chục năm ở Việt Nam, ngài đại sứ đã nắm trong tay một bản đồ những hàng phở ngon nức tiếng.
"Phở bò tái, phở bò xào lăn với thật nhiều hành, phở gà nước trong, thịt đùi... Một món phở thôi mà có biết bao nhiêu sự lựa chọn" - ông nói.
Khác phở bò với nồi nước dùng phải chuẩn bị nhiêu khê, phở gà đơn giản hơn là món gia đình đại sứ Saadi thường nấu ở nhà. Học hỏi những hàng phở gà nổi tiếng, ông nói phở gà ngon là khi con gà được luộc chín tới, da còn săn giòn, để nguội hẳn rồi lọc xương, cắt miếng.
"Người Trung Đông chúng tôi rất kỵ mùi tanh của gà, khi nấu nước dùng tôi thường mở nắp và cho bạch đậu khấu, một gia vị quen thuộc của người Ả Rập, vào giúp khử mùi mà không làm mất đi hương vị nguyên bản của món ăn".
"Sẽ bán chạy" - ông Saddi khẳng định khi nói về tiềm năng của phở Việt ở Trung Đông, nơi 30% dân số Hồi giáo của thế giới đang sinh sống.
"Phở nước dễ ăn và khiến thực khách cảm thấy được an ủi. Phở xào thì mang hương vị đậm đà, mới lạ. Phở có thể thưởng thức vào mọi bữa, sáng trưa chiều tối lại đủ chất dinh dưỡng".
Tiếc rằng chưa có mấy hàng phở ở Trung Đông. Thị trường vẫn còn bỏ ngỏ, hơn cả vấn đề văn hóa, là vì rào cản chứng nhận Halal.
Bức tranh cát của nghệ sĩ Trí Đức kể câu chuyện trăm năm của phở - Ảnh: NAM TRẦN
Tấm hộ chiếu ẩm thực
Yully Yudhantari Saputri - bí thư thứ 3 của Đại sứ quán Indonesia tại Hà Nội - không đếm nổi bao nhiêu lần trả lời thắc mắc về nhà hàng bán phở Halal tại Việt Nam.
"Bên cạnh sự háo hức được thưởng thức phở - món ăn quốc hồn quốc túy trứ danh trên chính quê hương của nó, du khách Indonesia phải đối diện với mối lo thường trực về quy chuẩn Halal - vốn vẫn còn mới mẻ với phần đông người Việt" - Yully chia sẻ.
Số nhà hàng phục vụ thực phẩm Halal ở Hà Nội chỉ đếm trên đầu ngón tay, số có phở lại càng ít hơn.
Tự nhận mình là một người cởi mở và sẵn sàng thử phở khi biết chắc chắn không có thành phần bị cấm như mỡ heo, Yully nói nếu muốn mở rộng cửa cho phở và kéo theo đó là ẩm thực Việt ra thế giới, cũng như thu hút du khách Hồi giáo đến Việt Nam, việc tuân thủ các tiêu chuẩn Halal là điều cần thiết.
"Minh bạch, với tôi, là điểm cộng lớn nhất giúp phở chiếm lấy lòng tin của những người Hồi giáo" - Yully nói, giải thích thêm rằng dù kỹ thuật nấu nướng có phức tạp để cho ra đời hương vị đặc sắc, riêng biệt, nhìn vào một tô phở, thực khách có thể dễ dàng chỉ ra những nguyên liệu được sử dụng để làm nên món ăn.
Tuy vậy, để nghiêm túc tiến đến thị trường thực phẩm Halal, đơn cử như Indonesia - quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, việc chứng thực bởi cơ quan chuyên môn là tối cần thiết.
"Nhất là khi Việt Nam đang có lợi thế với các mặt hàng phở ăn liền độc đáo và được ưa chuộng" - Yully nói.
Bí thư thứ 3 của Đại sứ quán Indonesia cho rằng "chỉ còn một bước nhỏ" nữa thôi để phở Việt nhận được sự đón nhận xứng tầm của nó.
"Phở là một món ăn có khả năng giới thiệu Việt Nam như là một dân tộc, là "tấm hộ chiếu" đưa ẩm thực Việt ra thế giới. Đây là điều mà chúng tôi đã nỗ lực nhiều năm qua với món cơm chiên nasi goreng nhưng chưa đạt hiệu quả mong đợi. Việt Nam hoàn toàn có thể" - Yully nói.
Ông Nguyễn Trung Kiên, vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi, Bộ Ngoại giao, chia sẻ: "Chúng ta có thể mang thực phẩm Việt, tập quán ăn uống của người Việt nhưng vẫn đáp ứng đòi hỏi theo đức tin của các tôn giáo khác. Tính bao dung, rộng mở của dân tộc Việt thể hiện được qua phở Halal".
Phở vào thực đơn hoàng gia
Đặt lưng xuống chiếc ghế nhựa ven đường, đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Måwe gọi cho mình món phở chay với trứng nóng hổi. Đó là một ngày chớm đông và gió từ hồ Tây thổi vào lồng lộng.
Thuần thục gắp từng sợi phở vào chiếc thìa nhỏ, bà Måwe nói: "Người Bắc Âu thường quen ăn sáng đơn giản với các món nguội như ngũ cốc trộn sữa, khác với người Việt thích các món nóng và đầy đặn. Thật may vì phở là món có thể ăn vào mọi bữa trong ngày". Bữa trưa hôm ấy của bà còn có thêm mấy chiếc quẩy giòn nhúng đẫm vào nước dùng thanh ngọt.
Nhớ lại chuyến thăm lịch sử của vua Carl XVI Gustaf và hoàng hậu Silvia đến Việt Nam năm 2004, bà đại sứ kể một câu chuyện ít người biết.
"Quá ấn tượng với món phở được phục vụ tại tiệc chiêu đãi, nhà vua đã yêu cầu đầu bếp nấu lại món này trong bữa tiệc Giáng sinh - một trong những sự kiện được trông đợi nhất năm của Hoàng gia Thụy Điển" - đại sứ Måwe chia sẻ.
Câu chuyện này cũng đã được công chúa kế vị Victoria Ingrid Alice Desiree nói với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 5-2019.
"Phở đang dần chiếm được cảm tình của người dân Thụy Điển như là một món ăn ngon, đủ đầy và ấm áp - bà đại sứ nói - Mấy năm trở lại đây, ngày càng nhiều nhà hàng Việt Nam mở ra ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển. Món ăn đặc biệt này đang mở đường cho ẩm thực Việt vào Bắc Âu".
TTO - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã ví phở như tấm 'danh thiếp' của người Việt. Phở là món ăn quốc hồn quốc túy như sushi của người Nhật hay cà ri cay của người Ấn.
Xem thêm: mth.47261219041101202-cuht-ma-ueihc-oh-ohp/nv.ertiout