Động lực kinh tế năm 2021
Nguyễn Khắc Quốc Bảo (*)
(TBKTSG Xuân AL) - Năm 2020 đã qua, khép lại một thập niên với những biến động và mất mát vô cùng lớn. Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của năm bắt đầu một thập niên mới, vô cùng đặc biệt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng chứa đựng rất nhiều triển vọng.
Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã có ba đợt cắt giảm lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn, nhằm nới lỏng tối đa chính sách tiền tệ. Ảnh: N.K |
Năm 2020 trôi qua, khép lại một thập niên đầy biến động và có thể nói là có một không hai của kinh tế thế giới. Thập niên này bắt đầu và kết thúc đều bằng một cuộc khủng hoảng kinh tế có quy mô toàn cầu. Năm 2009 để lại “di sản” cho thập niên vừa qua bằng những hậu quả kinh tế nặng nề của cuộc đại khủng hoảng thì năm 2020 khép lại bằng cuộc đại phong tỏa do đại dịch Covid-19 khiến cho kinh tế toàn cầu gần như chìm trong suy thoái. Nếu tính luôn cả khủng hoảng nợ công châu Âu năm 2012 và thương chiến Mỹ - Trung bùng nổ từ cuối năm 2017 thì đây là một thập niên của những bất ổn toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, đương nhiên nền kinh tế Việt Nam cũng không tránh khỏi một thập niên đầy bất trắc với những khó khăn và tác động tiêu cực từ bên ngoài. Nhưng các kết quả nghiên cứu mà chúng tôi thu được, từ việc đánh giá tác động của những bất ổn toàn cầu này lên nền kinh tế Việt Nam, lại cho thấy giai đoạn vừa qua, mà đặc biệt là năm 2020, lại chứa đựng rất nhiều những thành công trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô và quản lý đất nước của Chính phủ. Đó cũng là nền tảng cho những điểm sáng về kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước trong thập niên tới. Chúng tôi cho rằng, một giai đoạn phát triển và vận hội mới đang đặt ra cho Việt Nam dựa trên năm điểm sáng sau đây.
Đại hội Đảng 13
Đại hội Đảng lần thứ 13 được tổ chức vào 25-1-2021 bầu chọn ra những người lãnh đạo đất nước bước vào một thời kỳ phát triển mới về mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội. Năm 2021 còn là dấu mốc quan trọng đánh dấu một chặng đường tròn 35 năm thực hiện quá trình đổi mới kinh tế, vận hành theo cơ chế thị trường và mở cửa hội nhập với thế giới.
Các dự thảo văn kiện Đại hội đã thể hiện rõ tính đổi mới, sáng tạo và có nhiều đột phá. Điều này hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ chế, chính sách và định hướng quan trọng, tạo ra các động lực tích cực cho phát triển kinh tế trong giai đoạn mới.
Bên cạnh vấn đề chính sách là yếu tố con người. Các chính sách cởi mở cần được điều hành bởi tư duy đổi mới và sáng tạo. Sau Đại hội, đất nước sẽ có một nội các mới. Những nhà lãnh đạo trong năm đầu tiên nhậm chức chắc chắn sẽ nỗ lực thể hiện tài năng điều hành và lãnh đạo đất nước bằng các giải pháp quyết liệt để thực hiện các đường lối, chủ trương mà Đại hội đã đề ra. Chính vì vậy, chắc chắn các chỉ số kinh tế vĩ mô của năm 2021 sẽ rất “đẹp”.
Thập niên tới tạo ra sức ép nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và mô hình kinh doanh kiểu mới. |
Các gói kích thích kinh tế phát huy tác dụng tối đa
Trong năm qua, để thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo phát triển kinh tế, nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và kích thích kinh tế đã được tung ra. Ví như những liều thuốc bổ đã được tiêm rất nhiều trong nửa cuối năm 2020, nên tác dụng tối đa sẽ phát huy trong năm 2021.
Các chính sách từ hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho người lao động, doanh nghiệp, cho đến kích cầu tiêu dùng nội địa trên diện rộng, đẩy mạnh đầu tư công và tăng cường xuất khẩu đã được liên tiếp tung ra. Tính đến hết năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã có ba đợt cắt giảm lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn, nhằm nới lỏng tối đa chính sách tiền tệ. Gói đầu tư công hơn 700.000 tỉ đồng đã được giải ngân hơn 70% và các dự án đang được đốc thúc ngày đêm để đảm bảo tiến độ.
Tất cả những giải pháp này phần nào mới chỉ phát huy tác dụng nhất thời trong ngắn hạn nhưng độ trễ sẽ còn kéo dài sang năm 2021 và được cộng hưởng với các diễn biến chính trị - xã hội khác của đất nước để tạo ra hiệu quả tối đa. Dòng vốn liên tục được bơm ra trong nửa cuối năm 2020, được hấp thu bằng các cơ chế, chính sách mới từ kết quả của Đại hội 13 sẽ lan tỏa và truyền dẫn vào nền kinh tế, các liều thuốc bổ sẽ phát huy hiệu quả. Một sự gia tăng mạnh tổng cầu dự kiến trong năm 2021 sẽ tạo ra một tăng trưởng kinh tế rất cao.
Nỗ lực bù đắp cho những mất mát của năm 2020
Tâm lý của phần lớn người dân trong năm vừa qua là: “năm nay xem như bỏ, năm sau làm lại!”. Hoặc năm con Trâu sẽ là năm cày cuốc. Chính sự cố gắng “cày cuốc làm lại” đó sẽ mang đến một động lực kinh tế to lớn trong giai đoạn tiếp theo. Khi “người người, nhà nhà” ra sức làm việc, sản xuất, kinh doanh với một năng suất cao hơn để bù đắp cho những thiếu hụt trong năm qua sẽ là động lực thúc đẩy sự gia tăng ở cả phía cầu lẫn cung.
Nỗ lực khôi phục các công việc và cố gắng thích ứng với “trạng thái bình thường mới” nếu được khơi gợi bằng các chính sách kinh tế cởi mở, các điều kiện kinh tế nới lỏng, vốn và các điều kiện đầu vào của sản xuất - kinh doanh dễ dàng hơn sẽ tạo ra một quá trình phục hồi bền vững và ổn định hơn là chỉ dừng lại ở yếu tố tâm lý và hành vi nhất thời. Quá trình này nếu được duy trì tốt sẽ tạo một quá trình chuyển động quan trọng cho nền kinh tế trong một giai đoạn mới.
Lợi thế chống dịch thành công
Dịch Covid-19 đã tạo ra một cú sốc bất định chưa từng có trong lịch sử kinh tế học. Không có điều gì là chắc chắn trong bối cảnh Covid-19 nên nó khiến cho người ta hoảng sợ và chọn cách ngồi im, các quyết định ở phía cầu hay cung đều bị hoãn lại, chờ đợi đại dịch qua đi và cầu mong vaccin xuất hiện như một phép màu.
Các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới vẫn còn chìm trong sự hoành hành của dịch bệnh. Mỹ, EU và nhiều quốc gia phát triển khác vẫn phải chấp nhận hạn chế các hoạt động kinh tế thông thường và giao thương quốc tế để chống dịch. Điều này khiến cho bản đồ kinh tế toàn cầu nhuộm trong sắc đỏ của tăng trưởng âm, hiếm hoi một vài đốm xanh lóe lên của các quốc gia vẫn giữ được kỳ vọng tăng trưởng dương thì trong đó có Việt Nam.
Năm 2020, bằng thành quả chống dịch tuyệt vời và các gói kích thích kinh tế hữu hiệu, Việt Nam vẫn giữ được kỳ vọng tăng trưởng 2,91%, tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong giai đoạn hơn 40 năm trở lại đây nhưng là thành quả kinh tế hiếm hoi của thế giới lúc này. Điều này trở thành một lợi thế to lớn, tiền đề cho sự thành công của các chủ trương và chính sách trong thời kỳ mới, rút ngắn khoảng cách so với các quốc gia phát triển trên thế giới, gia tăng cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Một thế hệ doanh nghiệp mới sẽ ra đời
Nếu nói trong nguy có cơ thì điều đó cũng không phải lạc quan thái quá về dịch Covid-19. Dịch bệnh bùng nổ như một cuộc sàng lọc mạnh tay và đào thải đầy đau đớn đối với các doanh nghiệp. Luật tiến hóa thật khắc nghiệt nhưng nó mang lại sự phát triển. Những công ty, tổ chức không trụ được đã bị giải thể, phá sản nhưng bên cạnh đó cũng có hàng ngàn doanh nghiệp được thành lập mới cũng như rất nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi mô hình kinh doanh, hình thức hoạt động mới một cách thành công.
Một khảo sát được thực hiện bởi Ngân hàng Thế giới và Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy tính đến tháng 9-2020 có hơn 60% doanh nghiệp trong mẫu khảo sát tiến hành chuyển đổi số thành công để thích nghi với bối cảnh bất ổn của môi trường kinh doanh do tác động của dịch Covid-19. Thập niên tới tạo ra sức ép nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và mô hình kinh doanh kiểu mới.
Một thế hệ doanh nghiệp mới, các ý tưởng, mô hình kinh doanh sáng tạo được thúc đẩy, cổ vũ bởi những cơ chế chính sách đột phá, được hỗ trợ bởi các nguồn vốn đầu tư giá rẻ đang tràn ngập thị trường vốn quốc tế, được hấp thụ bởi sự khôi phục của tổng cầu trong giai đoạn hậu dịch sẽ mở ra một tương lai tươi sáng và đầy hứa hẹn cho nền kinh tế Việt Nam trong năm đầu tiên của một thập niên thịnh vượng.
(*)Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM
Xem thêm: lmth.1202-man-et-hnik-cul-gnod/060313/nv.semitnogiaseht.www