1. Xóm vắng, san sát vài chục nóc nhà, ngày mấy bận đi qua con hẻm thẳng đuột nối hai đường mà chỉ những lái xe sành sỏi mới biết để tấp vào mỗi khi vào giờ tan tầm, kẹt xe.
Ngày mới dọn về xóm này, chàng trai lơ ngơ không biết rác để chỗ nào cho đúng, nhà bác tổ trưởng ở đâu để đăng ký tạm trú. Rồi có tin được bà con chòm xóm không. Hay lại một ngày đi làm trở về nhà, thấy cửa bị cạy, bên trong bị dọn sạch như vẫn thường thấy trên đài, báo.
Chàng trai tỉnh lẻ lăn lộn ở Sài Gòn ngót mười năm sống lại cái cảm giác lần đầu tiên bước chân ra phố lớn, vừa háo hức vừa lo, vì sắp sửa bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời.
Không biết có phải thấy chàng hàng xóm mới cứ đứng đực ra ở đó mà cụ bà đến vỗ vai: “Cậu là người mua nhà thằng Gạo hả?”. Trong lúc chàng hàng xóm mới còn lục trong tâm trí mình xem chủ cũ của căn nhà, rồi chủ trước nữa có phải tên Gạo không thì cụ bà đã đi vào nhà, chỉ buông lại một câu: “Thằng Gạo hồi nhỏ hiền lắm, mà tội nghiệp…”.
Chàng trai tỉnh lẻ cũng bần thần bước vào ngôi nhà mới mua chưa ấm chỗ, băn khoăn tự hỏi từ nay mình có được xem là Người Sài Gòn hay chưa.
2. Làm thế nào để được công nhận Người Sài Gòn? Chợt nhớ từng đọc đâu đó rằng chỉ cần đang lang thang trên con đường bất kỳ nào ở Sài Gòn, chợt lớn tiếng nhắc người phía trước: “Chân chống kìa, cô/chú/anh/chị ơi!” rồi vọt đi không đợi cám ơn, vậy là bạn đã có khí chất của người Sài Gòn. Nghe có vẻ dễ, nhưng có người sống ở vùng đất này cả đời mà chưa làm được, qua mấy thế hệ sinh sống ở Sài Gòn mà không dám nhận mình là người “Sài Gòn gốc”.
Bởi vùng đất này tin tưởng vào sự cởi mở của mình. Bởi từ lúc bắt đầu nó đã thuộc về một miền Nam của những lưu dân từ tứ xứ vào mở cõi. Bởi họ dựng những mái tranh, kết nhau lại thành chòm xóm. Bởi người sau nương tựa người trước mà cùng tồn tại.
Cho nên bước vào một hàng quán ở Sài Gòn có thể nghe ra chất giọng của một miền Tây “chơn chớt”, kiến nghĩa bất vi vô dõng giả, một giọng miền Trung với đặc sản “Quảng Nôm” và có cả giọng của những đồng bào từ miền Bắc xa xôi, đã nghe tiếng về một giấc mộng Sài Gòn mà khăn gói vào Nam lập nghiệp. Những giọng ấy có thể cùng vang lên một lúc giữa cái ồn ào của đô thị nhộn nhịp, giữa cái hối hả của đời sống, mà chẳng thấy xa lạ, lạc lõng chút nào.
Vì ở Sài Gòn nghĩa là biết quen với những con người xa lạ thân thuộc, những người không phải người ở đây nhưng đã chọn đây để bắt đầu một cuộc đời mới, dựng một cơ nghiệp, sinh con đẻ cái, cháu chắt thành đàn mà mỗi độ tết đến vẫn bắt một chuyến tàu, lên một chuyến bay để về quê cũ.
Nên có cảm giác Sài Gòn mỗi ngày lại thêm rộng, rộng không chỉ vì địa lý mà rộng bởi lòng người đã chấp nhận mọi điều mới mẻ lẫn dị biệt. Từng hạt bụi nhỏ từ khắp mọi miền đất nước bị gió đời thổi đến đất này, thành một mẩu của Sài Gòn. Họ đem theo một mảnh quê hương cố lý hợp vào ngôi nhà mới bao dung, sẵn sàng chở che tất cả, sẵn sàng chấp nhận cho những kẻ tha hương chọn đây là nhà và cũng đủ độ lượng mỉm cười nhìn họ ra đi, nếu chẳng may thấy Sài Gòn quá vội.
Dễ nhận ra điều này nhất là khi đi trên một con đường chỉ vài trăm mét đã thấy nào hàng bún chả Hà Nội, quán bánh xèo Bình Định, bún cá Châu Đốc, bánh tầm Đồng Tháp, phở bò Nam Định… Và thảng trên đường đó, giữa những địa danh thân thuộc, ta gặp một “anh Tây” đang nướng xúc xích bên đường; một ông chú người Hàn không rõ vì duyên cớ gì đã đến Sài Gòn, chọn một góc đường khiêm nhường mở quán ăn nhỏ chuyên bán đặc sản Busan. Rồi một ngày tình cờ, khách quên đem ví, ông chỉ mỉm cười, hẹn hôm nào khách ghé quán trả sau mà không cần để lại bất kỳ thông tin gì. Có khi nào ông chủ quán người Hàn chợt tự hỏi: “Phải chăng mình cũng đã trở thành Người Sài Gòn?”.
Người Sài Gòn dần trở thành một huyền thoại mà nhiều khi được dùng như một tính từ, một tính từ gói trong đó hào sảng, trọng nghĩa khinh tài, bao dung, rộng lượng và chân thành. Cho nên có người nước ngoài sống lâu năm ở Sài Gòn, sớm mai vừa e sợ vừa bỡ ngỡ uống thử nước từ thùng trà đá bên vệ đường vốn đã thành đặc sản của Sài Gòn.
Một đặc sản nữa của Sài Gòn là những tấm bảng chỉ đường. Chỉ đường chứ không phải chỉ đường 10K như đã từng thấy ở đâu đó. Những tấm bảng đặt cạnh, treo hờ ở một quầy thuốc lá, một chỗ bơm xe nơi góc đường để cho người ngoại tỉnh mới đặt chân đến Sài Gòn đừng ngại câu “đất khách quê người” mà ghé hỏi. Người chỉ đường nhiều khi cũng không ngại mà dắt người hỏi đi đến nơi đến chốn, không cần một câu cám ơn, vì “Sài Gòn mà!”.
Nhưng nào biết chỉ vì mấy tiếng “Sài Gòn mà” đó mà biết bao người cảm thấy cuộc sống bớt khắc nghiệt. Nào biết “Sài Gòn mà” trở thành câu thần chú khiến nhiều người quyết định ở lại mảnh đất này. Bởi thành phố hiện đại trên thế giới có thừa, thành phố đẹp cổ kính hay năng động không phải là của hiếm. Nhưng thứ làm nên sức hấp dẫn của Sài Gòn chính là con người Sài Gòn, trong cách họ đối đãi với nhau, trong cách họ tận tình với những người mới nhập cư và với cả những người không phải đồng bào mình.
Không hiếm kiều bào hay người nước ngoài đã chọn Sài Gòn làm bến đỗ cuối cùng, vì nói như họ, Sài Gòn là một thành phố dễ sống. Dễ sống vì con người dễ dàng chấp nhận nhau, dễ dàng tin tưởng nhau trong một môi trường hoàn toàn xa lạ.
3. Cho nên nếu bạn còn lưỡng lự với mình rằng bản thân có phải Người Sài Gòn chưa thì bạn vẫn còn cách một khoảng nữa để thật sự là cư dân của xứ sở này. Vì Sài Gòn vốn dĩ có phân biệt ai đâu, tự nó đã đủ đầy như một “tiểu thế giới”, nơi mà việc thấy một người gốc Phi đi làm cùng chuyến xe buýt hay một người châu Âu vạm vỡ chễm chệ trên chiếc xe máy bé tí dừng đèn đỏ ở ngã tư đã trở thành quen thuộc.
Thoạt tiên, có lẽ những con người đó đều sợ, sợ đất Sài Gòn có dễ sống không, người Sài Gòn hiền lành hay dữ tợn, có cảnh ma cũ bắt nạt ma mới không? Như chàng trai tỉnh lẻ ngày nào tần ngần đứng trước ngôi nhà mới của mình, lòng ngổn ngang nhiều câu hỏi, giờ đã yên ổn sống ở đó được tròn một năm. Anh đã quen được đánh thức bằng tiếng gà gáy từ nhà hàng xóm cách đó mấy căn, đã quen với việc mỗi lần mưa lớn là cùng hàng xóm hì hục ra thông cống, quen với việc hàng xóm có đám tiệc mình lại xách thùng bia qua dự cùng, cuối đám còn được chủ nhà dúi cho gói thức ăn mang về.
Một xóm nhỏ cũng giống như Sài Gòn thu nhỏ, có những người cố cựu, sống đã qua mấy đời, cũng có người vừa dọn đến, lại có người chỉ đến trọ vài tháng rồi đi. Như một đô thị luôn luôn vận động, có mới có cũ, Sài Gòn trở mình từng ngày, trong cái thiên biến vạn hóa của đời sống.