Tiệm chạp phô - Tranh: Phạm Công Tâm
Thường ngày, tiệm của ông bày làng nhàng các vật dụng thông thường, bỗng chất đầy các thứ hàng hóa đưa về từ chợ Bình Tây. Lạp xưởng treo lủng lẳng khắp nơi, nước mắm tĩn bỏ đầy sân, nhang đèn, phong bao lì xì, cả đầu lân, đầu ông Địa loại nhỏ.
Ai cũng hối hả mua các thứ cần thiết vì biết ông sẽ đóng cửa ba ngày Tết.
"Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi", mua vôi quét tường, kéo về nhà lade, nước ngọt, mua thùng thiếc đựng nước đá, ra chợ xin miếng trấu bỏ vô giữ đá lâu tan, mua nước mắm tĩn ngon để kho thịt. Ông Tiệm lặp đi lặp lại: "Hầy, ai mua gì mua đi, trưa giao thừa ngộ nghỉ dzồi đó!".
Nói vậy chứ ổng sẽ bán tới tối ba mươi, ai cũng biết vậy.
Tiệm chạp phô ông Tiệm là nơi mở đầu không khí Tết ở xóm Cây Gõ này.
Rần rần trong xóm
Người ta sẽ hỏi những câu mà bây giờ bị coi là tò mò: "Ủa, năm nay sơn cửa màu gì?". Nhà dọn dẹp xong, thấy nhà kế bên tháo cửa sổ ra rửa là qua hỏi: "Còn miếng giẻ nào không, tui phụ!". Giúp nhau dán giấy bông hay hình lịch lên vách ván, đổ đầy mấy chai nước, rửa sạch mấy cái ly để sẵn đợi tiếp khách.
Giúp nhau xong xúm lại nhậu, bia mồi bát ngát.
Đưa ông Táo xong là có chợ đêm. Người ta bán đủ thứ dọc đường Bình Tiên. Con nít nhà nghèo đi theo mấy bà trong xóm. Một bà đi trước, thằng nhỏ lò dò theo sau. Dừng lại mua mứt, bà bốc một miếng ăn thử thì thằng nhỏ bốc một nắm. Người bán hàng tưởng con cháu bà kia nên bảo: "Thử đi con".
Khi về, cái túi nilông thủ sẵn đã đầy ắp. Về xóm, tụ đủ bảy tám thằng, chia mỗi đứa ít mứt dừa, mứt bí, thèo lèo cứt chuột, số mứt còn lại nó lấy dây thun cột chắc, mang đến nhà ông đổ rác: "Nhà đó nghèo hơn nhà tụi mình, để dành cho ông ăn Tết!".
Trong xóm có ông Tư Huyện thích nuôi gà, có con gà tre lông màu trắng. Nó hiền, nhưng thấy chú bé Thành là nhào vô đá. Mỗi lần qua nhà ông chơi, gà chạy ra rượt khiến nó vừa chạy vừa khóc. Hôm giáp Tết, ông gọi Thành qua ăn cháo với thằng Xinh Em con ổng.
Ông mang ra dĩa thịt gà với nồi cháo, nhắc: "Thành, mày ăn cái đầu!". Thành bảo chỉ thích ăn đùi. Ông cứ giục ăn đầu vì ngon. Ăn xong, ổng hỏi: "Mày biết vừa rồi ăn con gà nào không? Bữa nay có thấy con gà tre của tao không?".
"Ủa, nó đâu?". "Đó, mày mới ăn. Cái đầu gà trong đó mổ bụng mày!". Thành òa khóc. Sau, nghe ông kể với ba Thành là thương thằng nhỏ ngày nào qua chơi cũng bị gà đá nên làm thịt con gà luôn cho xong.
Mấy ngày gần Tết, nghỉ học thì đi coi tập tuồng cải lương. Nhờ người quen làm quản lý rạp, Thành được cho vô xem nghệ sĩ tập tuồng. Thành ngắm họ mặc đồ thường, không có hóa trang cũng chán. Về xóm, Thành khoe với mấy bà trong xóm bữa nay thấy tận mắt ông Thanh Hải rồi, đẹp trai lắm.
Thời đó, kép Thanh Hải được mấy bà mê vì ca rất mùi. Mấy bà nói: "Ngày mai coi tập tuồng nhớ đưa mấy xấp bài cải lương nhờ ông Thanh Hải ký!".
Hôm sau, Thanh Hải không đến tập. Bí quá, Thành đưa xấp bài năn nỉ bác Hai quản lý rạp ký, ghi tên Thanh Hải vào. Ổng càu nhàu, rồi cũng chịu ký. Về nhà đưa cho mấy bà ai cũng vui, tối gối đầu nằm, Thành có nước mía và kẹo ăn.
Um sùm ở nhà
Chuẩn bị Tết, ba của Thành chỉ lo mua sẵn cà phê bột và cái vợt vải. Thường ngày đi làm, uống cà phê trong công sở hay quán xá. Ba ngày Tết ở nhà, ông có cái thú tự pha cho hai vợ chồng cùng uống trong sáng sớm mùng một, mùng hai, khi trời còn se lạnh.
Quên trữ sẵn thì mấy ngày Tết có đi mấy cây số cũng tìm không ra. Chuẩn bị vậy thôi, nhà chỉ có ba người, Tết về ăn Tết ở nhà ông nội Thành ở cùng xóm là đủ no.
Chuyện may quần áo trước Tết của Thành quan trọng ngang chuyện chuẩn bị cà phê. Thế nào ba cũng mang về xấp vải kaki vàng, bảo má dắt Thành đi may, dặn: "May theo kiểu áo ký giả bốn túi để… đựng bao lì xì". Tiệm bình dân trong xóm, chỉ may cho con nít với bàn máy cọc cạch.
Ông nội Thành, bà con trong xóm gọi là ông Hương Sư. Ông không dạy học, nhưng đến Tết thì viết chữ Hán để tặng cả xóm nên có tên như vậy. Trước Tết, ông ra đường Khổng Tử mua sẵn cả xấp giấy mực để đó, đợi bà con lối xóm đến xin chữ để về dán bàn thờ. Ông hỏi tuổi gì, viết cho vài chữ chúc phúc.
Thành ngồi bên cạnh, lui cui mài cục mực tàu vào cái nghiên. Viết xong, ông đưa chữ rồi dùng sợi chỉ đỏ để sẵn bên cạnh buộc vào cánh tay của họ, xem như là lộc xuân. Ông không lấy tiền công, nhưng thế nào mỗi người cũng tặng ông một bao lì xì màu đỏ. Ông để đó, đợi tới sáng mùng một dùng lì xì lại mấy đứa cháu nội ngoại.
Dù có gốc Triều Châu, nhà nội ăn Tết gần giống như người Việt. Cũng có thịt kho, dưa giá nhưng dưa giá bỏ thêm hẹ. Bà nội làm tới hai diệm sành cải chua, con cháu thích thì cứ lấy về nhà ăn.
Trước nhà, cái sân bằng gạch tàu của ông trồng vài chục cây kiểng, có mai tứ quý và mai vàng dài cả mặt tiền chục mét. Có cả ổi xá lị, mận đỏ, mận trắng, ổi hường. Rằm tháng chạp, mấy chú Thành ra lặt lá mai.
Thấy lặt dễ, Thành xin lặt nhưng cầm cả nắm lá kéo, bị đuổi đi chơi. Phía bên trái nhà là nhà bếp, gần đó để hàng lu, mái vú đựng nước mưa. Bước ra trước cái bếp là giếng, cạnh một đường mương thoát nước.
Ông nội không cho đám cháu bén mảng đến lu chứa nước vì đã có cháu nội té chúi đầu vô lu, chổng hai giò lên. Ông thấy được nắm giò nó kéo lên, may chưa sao.
Đầu năm, ông nội mặc bộ đồ xá xẩu màu đen xuất hành. Trên đường Nguyễn Đình Chi gần đó có cái chùa Bà, thật ra là cái miếu xưa của người Hoa. Trong miếu lưu giữ cuốn sổ ghi những họ đầu tiên đến sống khu vực này, trong đó có họ Dương của gia tộc Thành. Lúc về, ông nội cầm theo cái nhang to để cắm bàn thờ.
Sau Tết, Thành tỉ mẩn ngồi đếm tiền lì xì, rồi đưa hết cho ba để ông mua cho một cái radio Sony nhỏ chạy pile ở chợ cũ Hàm Nghi. Có cái radio này, mỗi khi được ba chở ngồi trước xe máy, Thành bỏ nó vào túi áo của ba để nghe cải lương dọc đường đi.
Tết Mậu Thân 1968, cả xóm vừa chuẩn bị ăn Tết thì chiến sự nổ ra, mấy nhà di tản. Nhà ông nội Thành và nhiều nhà khác không biết đi đâu, đành rúc trong nhà. Mấy ông sau khi nghe ngóng đã tìm cách tụ họp nhau để… nhậu.
Ông Bảy Tỷ lấy xà beng nạy cửa trước đó đã lèn chặt, hàng xóm bưng dưa giá củ kiệu thịt kho qua. Mấy ông già ngồi nhậu tỉnh bơ quanh cái bàn dài nhà ông Bảy Tỷ, súng bắn đì đùng cũng kệ, không sợ chết, chết thì thôi.
Năm 1973, ba má Thành bán nhà về ở tại Phú Nhuận. Nhà ông nội còn ở đó được một thời gian rồi cũng bán, chia năm xẻ bảy sau khi ông nội mất năm 1977. Ông Tiệm, gọi như vậy vì ông là chủ tiệm chứ không ai biết tên, cũng mất.
Con trai ông theo nghề bán lẻ của cha nhưng mở cái siêu thị lớn gấp mấy chục lần cái tiệm chạp phô. Thằng Xinh Em nhà có con gà tre trở thành ông già hom hem vì nhậu miết.
Cái xóm cũ bây giờ chật chội do mấy người chủ mới đến mua nhà và xây lấn ra, bóp hẹp cái hẻm ngày xưa con nít thoải mái chơi lò cò, đạp lon, đánh bi sắt. Người đầu xóm cuối xóm xưa biết nhau hết, nay hai nhà đối diện không biết tên nhau.
Những ngày Tết xóm Cây Gõ xưa, trong lòng Thành như sân khấu cải lương đã hạ màn, chỉ còn chút dư âm trong lòng, là vài câu chuyện trên.
TTO - Vào những ngày cận tết cũng là lúc hình ảnh trên bến dưới thuyền hoa nhộn nhịp ở bến Bình Đông, Q.8, TP.HCM. Các thương hồ từ Bến Tre, Đồng Tháp, Bình Định... mang hoa cập bến để bày bán cho người dân Sài Gòn.
Xem thêm: mth.43981249140201202-court-yk-eht-aun-og-yac-tet/nv.ertiout