vĐồng tin tức tài chính 365

Hãy can đảm để người trẻ thử nghiệm

2021-02-11 11:50

Hãy can đảm để người trẻ thử nghiệm

Thanh Phương

(TBKTSG XUÂN) - Khoảng cách thế hệ thời nào cũng có, nhưng có ý kiến cho rằng những khác biệt, mâu thuẫn, thậm chí là xung đột thế hệ đang diễn ra ngày càng rõ rệt hơn, mạnh mẽ hơn và không phải ai cũng có được ánh nhìn bình tĩnh về những đứt gãy kết nối giữa các thế hệ. TBKTSG đã trao đổi về chủ đề này với TS. Lê Nguyên Phương - Chuyên gia Tâm lý Học đường của Học khu Long Beach, giảng viên môn Tâm lý Giáo dục tại Đại học Chapman (California - Mỹ), và TS. Hoàng Mai Khanh, Trưởng khoa Giáo dục - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM.

Kỹ thuật số sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều địa phương tại Việt Nam trong thời gian sắp tới, và nhu cầu nhân lực trẻ trong lĩnh vực kinh tế số được dự báo tăng mạnh. Ảnh minh họa: TTXVN

TBKTSG: Một số khảo cứu gần đây về đặc tính độ tuổi đã chuyển sự tập trung sang thế hệ Z (có năm sinh từ nửa cuối thập niên 1990) như là một lực lượng lao động và tiêu dùng mới. Đã có sự nhìn nhận về họ là một thế hệ có những cách nghĩ, cách hành xử quá khác lạ, không dễ hiểu...

TS. Lê Nguyên Phương

- TS. Lê Nguyên Phương: Tôi thấy cần lưu ý một chút chuyện phân chia thế hệ. Cách phân chia theo giai đoạn năm sinh và gọi tên thế hệ X, Y, Z... (cohort-based) chỉ là một trong nhiều cách chia. Nó có thể khả dụng trong một số hoạt động, đặc biệt trong nghiên cứu cách tiêu dùng. Nhưng dưới góc độ nghiên cứu tâm lý để đi tới định hình những nét đặc trưng tính cách của một thế hệ thì giới nghiên cứu vẫn chưa thống nhất về quan điểm phân chia, do sự chồng lắp từ thế hệ này qua thế hệ kia cũng như sự đa dạng trong mỗi thế hệ vẫn rất lớn. Nghiên cứu cũng cho thấy những khuôn mẫu về đặc tính thế hệ rất phổ biến trong truyền thông đại chúng và được dùng trong tiếp thị cho các chương trình giáo dục trẻ hay đào tạo nhân viên doanh nghiệp. Tuy nhiên, các nhà tâm lý và xã hội học còn có các cách chia khác, chẳng hạn theo bản sắc (identity-based) dựa vào bản sắc xã hội (social identity) và tự nguyện phân loại (self-categorization). Trong phương pháp khảo sát của họ, những khách thể được nghiên cứu sẽ tự chọn đứng vào một thế hệ nào đó chứ không thuần túy dựa vào năm sinh.

Cá nhân tôi cho rằng việc nghiên cứu đặc tính thế hệ ở Việt Nam nếu vẫn dùng phương pháp thế hệ năm sinh (cohort-based) thì nên chia theo từng giai đoạn được phân định bằng những biến cố lịch sử - xã hội lớn của chính Việt Nam, như sau chiến tranh, sau thời bao cấp, sau bình thường hóa quan hệ với Mỹ và phương Tây, thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin với sự cho phép sử dụng mạng Internet và các công cụ di động.

Nếu thế hệ Baby Boomers của Mỹ được hình thành sau Chiến tranh Thế giới lần II khi lính Mỹ trở về an cư lập nghiệp với các chính sách kinh tế hậu chiến thì tại Việt Nam, thế hệ sinh ra từ năm 1946 bắt đầu cuộc kháng chiến chín năm, và đặc biệt thời chiến tranh leo thang từ đầu thập niên 1960, hai miền Nam - Bắc Việt Nam mang những đặc trưng xã hội rất khác biệt. Vì vậy, nếu đem khái niệm thế hệ Baby Boomers của Mỹ áp dụng vào Việt Nam thì sẽ rất sai lầm, không chỉ với những khác biệt về hoàn cảnh mà còn với những khác biệt về bản sắc xã hội giữa Á và Âu.

Nói như vậy để thấy những yếu tố tâm lý xã hội đan xen nhau rất chặt chẽ, nên đừng vội quy chụp cho một thế hệ một đặc tính nào đó không phản ánh đúng ý thức của một thế hệ. Cũng đừng vội nhìn độ tuổi để nói một người mang những đặc tính theo kiểu nói thông thường rằng thế hệ Z là thế này, thế hệ Y là thế kia mà cần tìm hiểu những đánh giá đó đã được nghiên cứu dựa trên các cơ sở nào. Thật sự vấn đề phức tạp hơn ta nghĩ.

TS. Hoàng Mai Khanh

- TS. Hoàng Mai Khanh: Chúng ta cần nhìn nhận tính khác biệt là nhân tố tích cực trong một xã hội tiến bộ đề cao những giá trị độc đáo, riêng biệt để mỗi người không nên là bản sao của bất cứ ai khác. Đúng là người trẻ hôm nay gây khá nhiều bất ngờ cho các thế hệ trước họ. Trong thế giới rộng mở qua những xa lộ thông tin, với cơ hội mở rộng kết nối, ngay cả học sinh trung học cũng đã tự tuyển dụng đội nhóm xuyên biên giới để triển khai những dự án mà họ mong muốn. Điều đó cho chúng ta cái nhìn tích cực rằng người trẻ hôm nay nếu muốn học thì họ có thể học được rất nhiều; nếu tận tụy với công việc, họ có thể làm nên những điều lớn lao. Tôi có thể nhìn thấy nguồn năng lượng xã hội rất to lớn cho hôm nay và tương lai.

TBKTSG: Nhưng ở khía cạnh kết nối, vẫn có nhiều mối lo lắng về sự mất kết nối, về những mâu thuẫn gay gắt giữa các thế hệ. Đặt câu chuyện này trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, liệu có thể nhìn thấy những đặc điểm đáng lưu ý nào?

- TS. Lê Nguyên Phương: Ta sẽ tạm chia thành hai thế hệ “người lớn” (tuổi cha mẹ) và “người trẻ” (tuổi con cháu). Các mâu thuẫn giữa hai thế hệ này phụ thuộc nhiều yếu tố. Ở đây tôi muốn nói tới mức độ bảo thủ hay cởi mở. Người trẻ thường có độ phóng khoáng hơn trong tiếp nhận những tư tưởng mới, phần lớn dựa vào khả năng và điều kiện tiếp cận thông tin quá dễ dàng, nhanh chóng và từ khắp mọi nơi như hiện nay. Từ đó, quan điểm của họ có thể đa chiều hơn. Nhưng “có thể” thôi nhé! Bởi chẳng hạn với những người trẻ chỉ thuần túy tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội thì những thuật toán của các nền tảng mạng sẽ chỉ cung cấp cho họ những thông tin mà họ thích xem, thích đọc, nên càng ngày họ có thể càng trở nên bảo thủ, thậm chí cuồng tín theo một quan điểm nào đó.

Thêm một yếu tố cần lưu ý là mâu thuẫn có thể xuất phát từ các cơ sở văn hóa khác nhau. Thế hệ trước thường nhấn mạnh tinh thần tập thể, đặt cá nhân bên dưới tập thể, mỗi người được yêu cầu phải chu toàn trách nhiệm gia đình, phải vì lợi ích xã hội trước. Còn các thế hệ trẻ hôm nay họ có kiến thức về tâm lý nhiều hơn nên họ đặt nặng vấn đề tâm trạng và cảm xúc cá nhân. Khác với người trẻ ngày trước, họ không ép mình phải đè nén cảm xúc, họ chấp nhận nó và biết đó là vấn đề họ phải giải quyết.

Ngoài ra, theo quan sát của tôi trong những dịp làm việc ở Việt Nam, có một lớp người trẻ sau những năm du học phương Tây trở về nước, họ cảm thấy lạc lõng ngay giữa quê nhà, đặc biệt là trong văn hóa làm việc ở một số công sở và công ty tư nhân. Nghiêm trọng hơn nữa là những xung đột trong gia đình khi cha mẹ muốn tái khẳng định quyền lực và sự kềm tỏa, còn con cái thì đã quen sống độc lập, tự do. Bên cạnh đó, việc các trường Tây mở tại Việt Nam với các chương trình và ngôn ngữ nước ngoài đã sản sinh một thế hệ trẻ nhỏ sống trên đất Việt nhưng không thạo tiếng Việt và văn hóa Việt, cũng tạo thành hố ngăn cách giữa con cháu với ông bà và cha mẹ.

TBKTSG: Và không phải không có mối lo ngại về hệ giá trị của người trẻ hôm nay thiếu vắng những giá trị nền tảng, đặc biệt về nhân cách, đạo đức.

- TS. Hoàng Mai Khanh: Người trẻ cũng xây dựng hệ giá trị của họ trên nền tảng hệ giá trị của người đi trước thông qua giáo dục. Nếu không ít lần chúng ta phải nghe ta thán về những người trẻ vô cảm, xơ cứng, dối trá, thậm chí bạo lực, ác độc... thì cần thấy đó là “lỗi giáo dục”. Giáo dục không thể đơn thuần bằng lời lẽ mà những giáo điều phải được cảm nhận từ bức tranh tổng hòa trong đời sống, từ trong gia đình đến nhà trường lẫn ra ngoài xã hội. Rất nguy hiểm khi trẻ nhận ra những giá trị tốt đẹp vốn chỉ được “nói cho hay”, vì hàng ngày họ chứng kiến chính những điều ngược lại. Nói cách khác, thực tế cuộc sống luôn là tấm gương chiếu rọi những nội dung giáo dục. Thật dễ hiểu nếu người trẻ đem những giáo huấn sáo rỗng lên bàn cân thực tế và tự vấn việc học và hành theo những giáo huấn đó thì “được gì, mất gì”.

TBKTSG: Như vậy, liệu tư duy giáo dục thích hợp hiện nay có thể là gì?

- TS. Hoàng Mai Khanh: Người trẻ hôm nay có lượng thông tin cực lớn, có nghĩa phạm vi phản chiếu của họ là rất rộng. Khi trong giới trẻ đã tồn tại khái niệm “công dân quốc tế” tức họ đã xem Trái đất là mái nhà chung và họ là thành viên, từ đó, tư duy vượt khỏi một lũy tre làng, một thành phố, một quốc gia. Điều này lại đòi hỏi ở họ năng lực lựa chọn trước vô vàn sự lựa chọn. Do vậy, ở góc độ giáo dục, thay vì ham dạy cho người trẻ mọi kiến thức hay nói với họ sự lựa chọn này đúng, sự lựa chọn kia sai thì cần hướng dẫn họ biết cách lựa chọn phù hợp và hãy mạnh dạn trao quyền lựa chọn cho họ.

TBKTSG: Có quan điểm cho rằng không cần quá lo ngại, ngay cả khi mâu thuẫn thế hệ dường như ngày càng diễn ra rõ rệt và mạnh mẽ hơn. Liệu có nên nhìn theo cách đó?

- TS. Lê Nguyên Phương: Một số nhà nghiên cứu cho rằng sự khác biệt thế hệ đã quá được nhấn mạnh. Nghiên cứu của Frank Giancola vào năm 2006 đã cho thấy những đặc tính khác biệt thế hệ chỉ mang tính huyền thoại hơn là thực tế. Có thể thấy những thành kiến về đặc tính của từng thế hệ cũng như về sự khác biệt thế hệ khá phổ biến trên các phương tiện truyền thông, vì thế các thế hệ đã tiếp thu và mặc nhiên có cách cư xử phù hợp đáp ứng những thành kiến đó. Chúng ta vô tình trở thành sản phẩm được định hình bởi truyền thông, trong khi truyền thông lại tự cho rằng mình đang phản ảnh thực tế trung thực.

Cá nhân tôi ghi nhận sự khác biệt nhưng tôi không nghĩ rằng nó nhất thiết phải tiêu cực. Các thế hệ cần phải có sự khác biệt. Bởi sẽ rất tai hại cho một quốc gia nếu các thế hệ suy nghĩ giống nhau, đó hẳn là con đường dẫn đến diệt vong.

TBKTSG: Nhưng vẫn cần những giải pháp dung hòa. Có ý kiến cho rằng người trẻ vừa là sản phẩm của thời đại vừa là lực lượng chính kiến thiết tương lai. Phải chăng nếu cần phải thay đổi để tăng tính kết nối thì phía thay đổi phải là những thế hệ trước?

- TS. Lê Nguyên Phương: Các thế hệ phải tăng cường đàm thoại trên tinh thần cố gắng hiểu biết về quan điểm của nhau. Cần hiểu rằng nếu sự nứt gãy tâm lý giữa hai thế hệ có thể dẫn đến đau khổ cho từng gia đình thì sự nứt gãy văn hóa giữa các thế hệ trong một quốc gia, dân tộc còn mang lại những hậu quả tệ hại hơn trong việc tìm kiếm nhận thức chung, giá trị chung để gìn giữ, phát triển quốc gia.

Để tạo được sự cảm thông và tôn trọng lẫn nhau, những người lớn cần từ bỏ ý thức thống trị, áp đặt tư tưởng, quan điểm lên người trẻ. Hãy nhớ về tuổi thơ và tuổi trẻ của mình, về khát khao tự do, khát khao những điều mới lạ, khát khao khẳng định bản ngã, khát khao được tự chủ trong suy nghĩ và hành động để thấy vui mừng cho người trẻ và khuyến khích họ. Hãy để người trẻ, bằng ước mơ và trí tuệ của họ, xây dựng một thế giới theo ý họ muốn như chúng ta đã từng muốn xây dựng thế giới theo ý chúng ta. Khi nhìn vào thế giới hôm nay, liệu các thế hệ trước có hoàn toàn tự hào về cái xã hội mà mình đã xây nên? Hãy can đảm để người trẻ thử nghiệm như chúng ta đã thử nghiệm.

Xem thêm: lmth.meihgn-uht-ert-iougn-ed-mad-nac-yah/179213/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Hãy can đảm để người trẻ thử nghiệm”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools