Chị Phạm Thị Kiều Tiên (thứ hai từ trái sang) đãi nhà chồng mâm trái cây Việt Nam trong 1 video trên kênh YouTube Yewon TV - Ảnh chụp màn hình
Tết Hàn - Tết Việt
"Chồng mình cũng ‘khoái’ về Việt Nam lắm. Mình lên kế hoạch hết rồi, về được là cho chồng đi một vòng miền Tây sông nước luôn, cho xuống ruộng bắt cá, xuống sông đặt lờ…", chị Phạm Thị Kiều Tiên, 28 tuổi, một cô dâu Việt đang ở Hàn Quốc chia sẻ qua điện thoại với Tuổi Trẻ Online, giọng hào hứng.
Những ngày giáp Tết này, Kiều Tiên cũng tất bật phụ mẹ chồng chuẩn bị nhà cửa, nấu nướng, dọn dẹp, mua sắm để đón Tết, nhưng mà là là Tết Hàn Quốc.
"Tết bên này cũng bận lắm, nói thật là không có thời gian chuẩn bị cho Tết Việt luôn", Tiên cho biết.
Hiện tại, gia đình nhỏ của Tiên cùng chồng và hai con sống chung nhà với ba mẹ chồng ở quận Goseong, tỉnh Gyeongsang Nam.
Cưới anh Na Eop Dong rồi theo chồng sang Hàn sống đã gần 10 năm nay, cô gái đến từ một vùng quê hẻo lánh ở Kiên Giang hiện là một gương mặt khá quen thuộc trên YouTube với kênh Yewon TV của cô có gần 1,1 triệu người đăng ký theo dõi.
Nội dung các video mà Tiên đăng tải xoay quanh cuộc sống của cô ở Hàn, với chủ đề nổi bật nhất là ẩm thực hai nước Việt - Hàn đan xen nhau. Có khi người ta thấy Tiên ngồi cùng mẹ chồng học cách làm kimchi, khi khác thấy cô nàng đãi ba chồng món vịt quay lá mắc mật.
"Mình hay nấu đồ ăn Việt Nam vì thèm, và cũng muốn cho nhà chồng trải nghiệm, khán giả cũng thích xem phản ứng của người Hàn khi ăn đồ Việt Nam", Tiên nói, không quên "khoe" rằng cả gia đình chồng cô đều là "fan cứng" của món Việt.
"Ba mẹ chồng mình thì mắm ruốc, mắm tôm gì cũng ăn được hết. Mẹ chồng đặc biệt mê món khoai từ luộc, mỗi ngày bà có thể ăn đến một ký, còn khoe với nhóm chat bạn bè của bà đây là món khoai của Việt Nam ngon lắm. Hôm trước bà ăn bánh xèo miền Tây cũng khoe vậy, thế là mình phải mua thêm mấy chục cái để đãi bạn bè bà", Tiên kể, giọng pha chút hãnh diện.
Hỏi Tết không được về Việt Nam thì có buồn không, giọng cô hơi chùng xuống nói rằng mình quen rồi. "Bây giờ thì đỡ rồi, có con cái vui vầy, lo cho con cũng vơi bớt, chứ lúc trước mới sang là nhớ nhà quay quắt, nhớ thốn ruột gan, cô đơn dữ lắm," Tiên bùi ngùi.
"Bên này cũng có bánh tét, bánh chưng, hoa mai giả, dưa kiệu, dưa hấu, khá đầy đủ giống ở Việt Nam nhưng mà quan trọng là không khí không được vậy. Ở Việt Nam ra đường mình gặp cô, bà, chú, bác, có gia đình thân thương, hoa mai vàng tươi trước ngõ…".
Những năm trước, Tiên mua bánh tét về, mời nhà chồng ăn rồi giải thích cho họ về món bánh truyền thống ngày Tết Việt. Còn Tết năm nay, Tiên dẫn con gái đi sắm bánh mứt, dưa kiệu ở một cửa hàng bán đồ Việt Nam quen, rồi bảo có dịp sẽ dẫn con về Việt Nam ăn Tết để biết cái Tết quê mẹ là như thế nào.
Anh người Nhật mê mắm
Chị Lê Thị Đức Nhân và chồng cùng ăn món mắm chưng cá thu trong một video trên kênh YouTube Vợ Chồng Nhà Nhân - JP and Family Cuộc Sống Ở Nhật - Ảnh chụp màn hình
Trong khi đó, tết Việt đối với anh Yamasaki Teruhito, người Nhật, không phải là điều gì quá lạ lẫm bởi anh từng có thời gian công tác tại TP.HCM, nơi anh gặp và nên duyên cùng người vợ Việt của mình, chị Lê Thị Đức Nhân. Hiện tại, hai vợ chồng anh đang sống ở Nhật.
"Chồng mình có ăn Tết Việt Nam mấy lần rồi, ảnh biết mùng 1, mùng 2, mùng 3 ra sao, biết người Việt mình ăn tất niên như thế nào", chị Nhân chia sẻ. Vợ chồng chị Nhân được nhiều người biết đến với những video dễ thương, hài hước, ghi lại cuộc sống hàng ngày của hai người ở Nhật.
"Vợ ơi! Cái này… thúi quá!", anh Yamasaki nói với vợ bằng tiếng Việt bập bẹ trong một video khi chị Nhân cho ăn món mắm chưng cá thu. Bịt mũi nhăn mặt là vậy, dè đâu, ngay sau muỗng đầu tiên, chính người đàn ông mấy giây trước còn than món ăn nặng mùi đã đánh chén ngon lành rồi còn tấm tắc khen.
Mà đây không phải lần đầu, cái cảnh người đàn ông Nhật bỡ ngỡ khi lần đầu được ăn món Việt nhưng chẳng mấy chốc lại mê ngay đã trở thành một "đặc sản" của kênh YouTube Vợ Chồng Nhà Nhân - JP and Family Cuộc Sống Ở Nhật và Titktok @ducnhan8182 của chị Nhân.
"Ông trời bà mụ nặn ra sinh cho anh ở nước Nhật nhưng dòng máu anh là người Việt Nam, cái mặt thấy khô, thấy mắm là tươi roi rói", chị Nhân nói vui về chồng trong một video trước khi đãi anh mâm cơm với mắm ba khía và khô cá sặc.
Đặc biệt, anh Yamasaki mê món mắm chua Tây Ninh đến nỗi mà lần nào chị về Việt Nam anh cũng dặn phải mang sang cho anh, trước khi đi còn phải trữ sẵn mấy hủ ở nhà để anh đi làm về tự cắm cơm rồi tự chế biến mắm mà ăn.
Nhờ nội dung gần gũi, dễ thương về cuộc sống hằng ngày ở Nhật, đặc biệt là có anh chồng Nhật cực mê món Việt, các kênh của chị Nhân nhanh chóng thu hút đông đảo khán giả mạng. Cụ thể, chỉ sau 2 tháng ra mắt, kênh YouTube đã đạt nút bạc, TikTok nay có đã hơn 2,3 triệu người theo dõi và gần 79 triệu lượt thích chỉ sau 3 tháng, còn fanpage trên Facebook cũng được hơn 164.000 người theo dõi chỉ sau 2 tháng.
Năm nay, do dịch COVID-19 nên hai vợ chồng không thể về Việt Nam ăn Tết, thêm vào đó người Nhật không có Tết Nguyên Đán, nên chị Nhân nói mình sẽ làm một mâm cơm đơn giản để cúng ông bà, có bánh chưng, gà luộc, đồ xào để hai vợ chồng có được chút không khí ngày Tết ở Nhật.
Muốn vợ biết không khí đêm Giao thừa
Anh Lê Chiêu Đức và vợ - Ảnh: NVCC
Cũng là người Nhật nhưng không giống như anh Yamasaki, cô gái 22 tuổi tên Mio chưa đón cái tết Việt nào, do vậy mà chồng cô, anh Lê Chiêu Đức rất muốn được cho vợ mình biết không khí đêm Giao thừa là như thế nào.
"Ngày Tết nhớ nhất mình nhớ nhất là cảm giác được ở cùng gia đình, đêm Giao thừa chúc Tết ba mẹ, nhận tiền lì xì rồi lì xì lại cho ba mẹ. Mình muốn vợ biết được cảm giác đó, cảm giác gia đình sum vầy với nhau vào thời khắc đó", anh Đức, hiện đang cùng vợ ở Tokyo chia sẻ với Tuổi Trẻ Online qua điện thoại trước thềm năm mới.
Cũng là một cặp đôi khá nổi tiếng trên TikTok, Chiêu Đức và Mio là chủ nhân kênh @ducmio với hơn 900.000 người theo dõi và 17,8 triệu lượt thích.
Xuất phát từ ý định "thấy vợ mình dễ thương và quay cho vui", Chiêu Đức không ngờ những clip đơn giản ghi lại khoảnh khắc đời thường của hai vợ chồng như đi ăn, đi chơi, vợ chuẩn bị bento cho chồng mang đi làm… lại được nhiều người chú ý đến vậy.
"Người ta chỉ quan tâm vì Mio thôi", anh chàng cười, nói. Thật vậy, cô gái Nhật với nét hồn nhiên hơi trẻ con cùng vốn tiếng Việt lơ lớ đã tạo nên sức hút kỳ lạ cho những video mà chồng mình đăng lên mạng.
Thỉnh thoảng, trong các video, người ta lại thấy cô con dâu người Nhật cố gắng nói chuyện với mẹ chồng ở Việt Nam qua video call bằng vốn tiếng Việt ít ỏi của mình, có khi khiến mọi người phì cười vì gọi mẹ bằng… "em".
Tết năm nay, Đức nói hai vợ chồng cũng sẽ giống năm ngoái là thức canh đến giờ Giao thừa ở Việt Nam để gọi chúc Tết mẹ. Ngoài ra anh cùng vợ cũng tính đi mua ít bánh mứt về nhà cho có không khí tết.
Chia sẻ về dự định tương lai, Đức cho biết cả hai muốn về Việt Nam sống khi Mio học xong. "Vì Mio còn đi học nên tụi mình tính 3-4 năm nữa sẽ về Việt Nam sống luôn. Tụi mình thích cuộc sống ở Việt Nam. Mio cứ đòi về Việt Nam để đi du lịch Đà Nẵng, ra phố đi bộ Nguyễn Huệ chụp hình. Vợ mình cũng mê chả giò và bánh xèo lắm", Đức nói.
TTO - Tết 2021 có thể gói gọn trong từ 'kỳ lạ' với rất nhiều người, nhất là với những người con xa xứ. Từ khắp nơi, các bạn trẻ Việt lẫn nước ngoài đã chia sẻ tâm sự, nỗi lòng với Tuổi Trẻ về xúc cảm hiện tại.
Xem thêm: mth.33541003101201202-gnam-ioig-eht-nert-gneit-ion-iod-pac-gnuhn-auc-tet/nv.ertiout