Sài Gòn - lạ mà quen, quen mà lạ. Đường phố đông đúc, náo nhiệt nhưng ai cũng cô đơn với suy nghĩ của riêng mình. Hỏi rằng ngày nào cũng đi trên con đường ấy, về trên con đường ấy mà tại sao chẳng có lấy một người quen, chẳng có một người đồng hành đúng nghĩa?
Cũng phải. Cái quen thuộc nhất của người đi về trên con đường ấy có lẽ là tiếng động cơ xe máy, ô tô, những ô ngã tư đèn xanh đèn đỏ và những cây cầu vượt cao cao vun vút gió. Nhưng đôi khi cũng trên những con đường quen thuộc ấy, từ những con người xa lạ nào đó, ta tìm thấy những điều giản dị mà ấm áp chạm đến tận trái tim.
* * *
Ở một ô ngã tư đèn xanh đèn đỏ kia, một người mẹ trẻ đi xe máy chở một bé gái dưới trời mưa tầm tã, chiếc áo mưa bỗng lệch khỏi khoảng lưng nhỏ xíu của cô bé. Một người rất lạ tiến đến, tiện tay chỉnh lại áo mưa cho cô bé. Cô bé hướng đôi mắt trong veo với ánh nhìn biết ơn người xa lạ ấy. Họ cũng hướng ánh mắt thân thiện đáp lại cô bé rồi rẽ sang hướng khác khi đèn xanh vừa bật.
Cũng ở ô ngã tư đèn xanh đèn đỏ nọ, người đàn ông trung niên vô tình bắt gặp cây đinh nằm dựng đứng như cây chông ngay giữa đường. Có lẽ cây đinh ngẫu nhiên ở đâu đó lạc loài tới đây nhưng nằm không đúng nơi, đúng chỗ. Người đàn ông trung niên kia lặng lẽ cúi người xuống lượm cây đinh bỏ vào túi áo. Ông ta chắc chắn không cần cây đinh han gỉ ấy nhưng hành động nghĩa hiệp ấy thì có lẽ đã giúp ích cho không ít người lỡ đâu đâm trúng cây đinh mà gặp nguy hiểm.
Ở một bùng binh nhiều hướng rẽ, khi dòng người hỗn loạn di chuyển, xe máy, ô tô chen chúc nhau. Có hai nữ sinh chở nhau trên chiếc xe đạp, có lẽ đang vội đến trường kẻo trễ buổi học. Bác tài xế lái chiếc xe hơi bảy chỗ vội dừng lại một chút cho hai cô bé cắt ngang đầu xe để nhanh nhanh đến trường. Hai cô bé qua được rất mừng rỡ nhưng không quên quay lại lễ phép cúi chào cám ơn bác tài xế với ánh mắt hạnh phúc.
Trong một bệnh viện kia, có một chị nhìn chẳng có cảm tình tẹo nào. Chị phun chân mày rất đậm, đôi môi cũng tô rất đậm, mắt cũng kẻ rất đậm, nhìn chị không có nét hiền lành, thùy mị. Khi chị nói chuyện với bác sĩ cũng rất bỗ bã. Ai cũng tưởng chị đưa người thân đi khám bệnh bởi cách hỏi han về người bệnh rất khẩn trương. Ai ngờ khi tiếp chuyện với bác sĩ mới biết người vừa nhập viện hoàn toàn không quen biết với chị. Chị vô tình nhìn thấy họ bị té xe ngoài đường mà không có người thân để nhờ cậy, bèn không do dự kêu taxi đưa họ vào bệnh viện. Khi bác sĩ báo người kia đã tỉnh, đã liên lạc được với người nhà thì chị lặng lẽ rời đi, chẳng để lại bất kỳ thông tin cho người gặp nạn biết mà cám ơn. Nhìn dáng chị lạnh lùng bước đi nhưng sao trái tim người nhìn lại ấm áp đến vậy.
Thì ra những hành động giản dị mà đẹp ấy mới gọi là Sài Gòn quen thuộc.
Nhóm bạn trẻ xuống đường phát khẩu trang miễn phí cho người dân trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: HOÀNG GIANG
Người Sài Gòn chuyển quần áo, lương thực hỗ trợ bà con vùng lũ miền Trung. Ảnh: HOÀNG GIANG
* * *
Nhưng! Sài Gòn quen thuộc đâu chỉ dừng lại ở những điều giản dị nhất như vậy. Chắc rằng chẳng ai có thể quên được năm qua, sự xuất hiện của COVID-19 khiến người người, nhà nhà lâm cảnh khó khăn. Nhưng rồi Sài Gòn quen thuộc lại có những câu chuyện đầy cảm xúc bằng những nghĩa cử đẹp và những tấm lòng thơm thảo của con người nơi đây. Đó là sự chia sẻ cơm áo, gạo tiền, thứ luôn được gọi là “đi liền khúc ruột” cũng được người Sài Gòn đem ra san sẻ cho những người gặp khó.
Những ngày cách ly xã hội nhiều người phải ngưng việc đồng nghĩa với chẳng có thu nhập để chèo chống qua khó khăn. Nhưng cũng vào những ngày này, ai cũng sẽ nhớ như in hình ảnh những cây ATM gạo đầu tiên mọc lên ở Sài Gòn. Cũng chẳng quá đáng khi bảo cây ATM gạo giống như “vị bồ tát sống” cưu mang không ít người trong cơn hoạn nạn. Sự chung tay, góp sức của người Sài Gòn cũng được hội tụ ở đây khi chẳng ai bảo ai, họ chở gạo tới cây ATM gạo để gom góp. Người có nhiều góp nhiều, người có ít góp ít. Cứ như vậy, những ngày khó khăn nhất lại thấy tình người Sài Gòn lan tỏa, ấm áp nhất. Rồi cũng có ai giành nhau để hưởng thụ đâu, người người xếp hàng nhận đúng phần của mình và nhường sẻ cho những người đến sau.
Cũng có gì lạ đâu khi những ngày này, nhiều quán cơm từ thiện dành cho người khó khăn cũng xuất hiện đúng lúc với ý nghĩa “nhường cơm sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách” của người Việt. Cũng có lạ đâu khi rất nhiều phần quà xuất hiện trên đường phố với những nét ghi đơn giản như “miễn phí phần ăn cho người khó khăn, hãy đến lấy 1 phần/1 người”.
Có ai còn nhớ hình ảnh những cô gái, chàng trai, những nhóm bạn trẻ ngồi ở một góc ngã tư hoặc một gốc cây công viên phát khẩu trang miễn phí cho người qua đường làm lay động bao trái tim người Việt. Những câu chuyện về cậu bé, cô bé tiểu học đã dành tiền ăn sáng, tiền mua đồ chơi để gom góp mua khẩu trang phân phát cho những người khó khăn trong đại dịch đã trở nên quá đỗi thân quen ở Sài Gòn. Thấy mà thương lắm. Thương những người khó khăn và thương cả những tấm lòng thơm thảo của người Sài Gòn nữa.
Người Sài Gòn phát quà cho những người nghèo mùa dịch COVID-19. Ảnh: HOÀNG GIANG
Nhóm SOS Hướng Nam vá xe miễn phí cho người dân. Ảnh: HOÀNG GIANG
* * *
Rồi những ngày cuối tháng Tám, đầu tháng Chín âm lịch, khi đại dịch tạm qua đi thì đại hồng thủy ập đến. Miền Trung nắng gió ngày nào giờ lại hứng chịu những trận bão, lũ lớn của thế kỷ. Nước lũ về, dâng cao, cao mãi, cao đến tận nóc nhà khiến người dân miền Trung có nhà mà không thể ở, phải lênh đênh trôi dạt đến nơi nào đó lánh nạn. Hành trang họ mang đi không có gì khác ngoài mạng sống quý giá.
Trước khó khăn của đồng bào trong cơn hoạn nạn, người Sài Gòn liền rủ nhau lập nhóm, lập hội cứu trợ miền Trung. Thế rồi nhà nhà gói bánh chưng, bánh tét, người người thu gom quần áo, lương thực. Từng cơ quan, đơn vị, hội nhóm từ thiện quyên góp tiền bạc. Tất cả dường như chỉ có chung một suy nghĩ là đồng lòng hướng đến miền Trung.
Những ngày này có bao câu chuyện giản dị đã được nghe, được chứng kiến nơi Sài Gòn quen thuộc. Ở một góc công viên nọ, nghe được một câu chuyện cảm động của những người vì miền Trung mà chung tay, góp sức:
Chàng trai nhỏ: “Bên em gom được 14 bao quần áo, 300 thùng mì tôm và khoảng 50 thùng lương thực khô. Được thì ngày mai mình ra luôn cho kịp, anh ạ!”.
Chàng trai lớn: “Vậy thì có lẽ không đủ chỗ rồi, vì xe bên anh cũng gom góp được kha khá. Nhưng không sao, em cứ tổng kết, rồi ngày mai anh sẽ gọi thêm xe”.
Người chứng kiến lại cay cay mũi bởi Sài Gòn quen thuộc luôn có những con người hào hiệp, trượng nghĩa xuất hiện đúng lúc như vậy.
Sài Gòn quen thuộc cũng có nhiều câu chuyện lạ lắm. Lạ như sự kết nối từ mạng ảo đến đời thật cũng thành một câu chuyện khó quên của bao câu chuyện tình người Sài Gòn. Cũng đợt mưa lũ miền Trung ấy, một fanpage chuyên dành cho người Sài Gòn đã rủ nhau gói bánh tét cứu trợ đồng bào miền Trung. Một người trong nhóm đứng ra khởi xướng và bảo rằng chỉ cần tập trung gói nhanh để kịp gửi ra miền Trung, chi phí người đó sẽ tự lo. Ai dè hôm sau, đúng chỗ hẹn, rất nhiều người tới, họ mang theo gạo nếp, đậu xanh, lá chuối, dây buộc… Chẳng ai quen ai, cũng chẳng ai biết ai. Rồi cũng chẳng ai bảo ai, mỗi người một việc, họ chia nhau người nhúng lá, người vo gạo, người sắt thịt, người gói bánh... Ngôi nhà của người khởi xướng gói bánh hôm đó bỗng rôm rả, ấm cúng như những ngày trước tết. Những nồi bánh tét sôi bập bùng cả đêm, đến sáng thì từng chiếc bánh được vớt ra thơm nức. Chỉ đến khi xe đến chở bánh đi miền Trung thì ai về nhà nấy, mà về nhà rồi mới tiếc rằng “sao ta chẳng biết tên nhau?”.
Đâu đó đọc trên báo chí những câu chuyện tình người Sài Gòn cảm động vô chừng. Có những người dành dụm cả năm được một ít tiền tiết kiệm nhưng không hề do dự mà gửi hết cho miền Trung. Có lạ không khi thường ngày họ phải tằn tiện nhịn ăn, nhịn mặc để có số vốn giắt lưng nhưng lại chẳng tiếc khi chia sẻ cho những người xa lạ, không hề quen biết? Còn có lý do nào khác ngoài cái gọi là tình người chứ?
Còn nhớ thời điểm đó, đường ra miền Trung khó khăn, đường sá lênh đênh sóng nước, nguy hiểm vô chừng. Vậy mà ngày nào cũng nghe, cũng chứng kiến từng đoàn xe cứu trợ Sài Gòn tiến ra miền Trung giống như chẳng có khó khăn gì ngăn cản được họ vậy. Thương làm sao hình ảnh những cô gái thân hình mảnh khảnh, những chàng trai dầm mình trong mưa chèo thuyền, lội nước để đưa thực phẩm, đồ dùng tới tận tay những người đang bị cô lập trong mưa, trong lũ.
Những người ở lại Sài Gòn cũng nào có ngồi yên, họ tiếp tục vận động gom góp, tận tay tận sức phân loại, sắp xếp gọn gàng từng loại đồ đạc và đóng thùng để những chuyến xe tiếp theo kịp tiếp tế miền Trung.
* * *
Rồi những cơn mưa miền Trung cũng qua đi, nước lũ cũng rút cuốn theo đồ đạc tài sản, vật nuôi, chỉ còn trơ trọi những khung nhà đổ nát. Thương quá những đôi mắt ngơ ngác nhìn cảnh tiêu điều miền Trung với trăn trở “làm gì để sống tiếp?”.
Nhưng rồi những ánh mắt ấy trở nên ấm áp và rưng rưng khi từng đoàn người từ Sài Gòn tới tận nơi để kề vai sát cánh với con người đang gặp khó nơi đây. Họ mang đến những giá trị về cả vật chất và tinh thần cho người miền Trung đang kiệt quệ sau bão, lũ. Những căn nhà lại được sửa sang, chỉnh trang, những ngôi trường được dựng lại từ tình thương của những người xa lạ.
Phải nói rằng trong năm khốn khó vì đại dịch, thiên tai này, người Sài Gòn bất kể ở ngành nghề nào, từ người dân, thương nhân, doanh nhân, nghệ sĩ… đều thể hiện đúng chất nghĩa cử, nghĩa khí hào sảng vốn được coi là “thương hiệu” của người Sài Gòn.
Còn nhiều lắm những câu chuyện tình người của Sài Gòn quen thuộc mà chẳng thể nào kể hết. Chỉ là tôi góp nhặt ở đây những câu chuyện bản thân vô tình nghe, nhìn và ngẫm.
Đúng là Sài Gòn làm việc bằng lý trí nhưng lại ứng xử đối đãi với nhau bằng tình, mà cái tình này lại chẳng phân biệt người quen, kẻ lạ. Thật là. Dù Sài Gòn đông đúc, người đi qua nhau hờ hững, dù Sài Gòn quá rộng lớn, người người thường nhắc nhau cẩn thận kẻo lạc bởi lạc nhau là mất, nhưng chắc chắn rằng Sài Gòn sẽ chẳng bao giờ lạc mất tình người.