2021: Thế giới sẽ chuyển động thế nào?
TS. Phạm Sỹ Thành (*)
(TBKTSG) - Khi virus SARS-CoV-2 lần đầu xuất hiện ở Vũ Hán - Trung Quốc, rất ít quốc gia chú ý đến nó. Cả đến khi nó đã lây lan thành dịch, nhiều quốc gia ở châu Âu và Mỹ vẫn tỏ ra thờ ơ. Hẳn, lúc ấy, không ai ngờ con virus này chẳng những sẽ gây thiệt hại khủng khiếp về kinh tế và nhân mạng, mà nó còn làm thay đổi cả thế giới.
Tình hình thế giới năm 2020
Đại dịch Covid-19
Ít người chú ý khi có tin tức xuất hiện vào tháng 12-2019, rằng Trung Quốc đã bắt đầu theo dõi sự bùng phát của một loại virus giống bệnh viêm phổi mới. Mấy tháng sau, Covid-19 đã trở thành “đại dịch toàn cầu” và thay đổi cuộc sống của chúng ta. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính vào tháng 10-2020 rằng có tới 10% dân số thế giới đã mắc bệnh. Các tranh luận sẽ tồn tại trong nhiều năm về lý do tại sao cuộc khủng hoảng bị xử lý sai. Năm 2020 kết thúc với tín hiệu tích cực khi vaccin ngừa virus SARS-CoV-2 đã được phê duyệt trong thời gian ngắn kỷ lục ở Mỹ. Những thách thức bây giờ là phân phối chúng một cách rộng rãi và công bằng trong khi chuẩn bị tốt hơn để ngăn chặn đợt sóng dịch bệnh tiếp theo.
Kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng “đóng cửa hoàn toàn”
Ít người có thể dự báo mức ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến kinh tế toàn cầu cho đến khi tất cả các nền kinh tế phát triển, kinh tế mới nổi và nhiều nền kinh tế đang phát triển phải lần lượt thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội, ngừng sản xuất... do các yêu cầu liên quan đến sức khỏe và tính mạng cộng đồng, cũng như tương lai chính trị của nhiều lãnh đạo quốc gia. Những dự báo tăng trưởng kinh tế liên tục bị điều chỉnh theo chiều hướng giảm triển vọng, tăng cảnh báo về mức độ rủi ro. Dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào tháng 10-2020 cho thấy kinh tế thế giới năm 2020 có thể suy giảm 4,4% (giảm 0,5 điểm phần trăm - ppt) so với dự báo trước. Nhưng các nền kinh tế chủ chốt đều có mức suy giảm lớn hơn dự báo trước đó. Ước tính của IMF vào tháng 6-2020 cho rằng thiệt hại do Covid-19 sẽ lên tới 12.000 tỉ đô la Mỹ.
Đại dịch Covid-19 cũng làm gia tăng bất bình đẳng giàu nghèo ở từng quốc gia cũng như tạo ra gánh nặng tài chính cho các nước nghèo. Theo ước tính, có 183 tỉ đô la Mỹ đã được các định chế tài chính đa phương hỗ trợ cho các nước trên thế giới để đối phó với Covid-19, nhưng chỉ 10,2 tỉ đô la trong đó đến với các nước đang phát triển có thu nhập thấp, tương đương 5,5% tổng giá trị hỗ trợ. Các nước G20 cũng tuyên bố xóa nợ hàng chục tỉ đô la, nhưng con số này chỉ tương đương 8,6% tổng số nợ mà họ nắm giữ.
Năng lượng: bi kịch của giá dầu
Năm 2020 không phải là một năm tốt cho các công ty dầu mỏ. Sự bùng phát dịch Covid-19 đã đẩy các nền kinh tế trên khắp thế giới vào thế khó, làm suy giảm nhu cầu về dầu. Nhưng tin xấu đối với các nhà sản xuất dầu không dừng lại ở đó. Cuộc chiến giá dầu giữa hai nước Nga - Ảrập Saudi diễn ra vào tháng 3 khiến giá dầu cuối năm thấp hơn 30% so với đầu năm.
Biến đổi khí hậu thêm nhanh và hợp tác kém hiệu quả
Năm 2020 bắt đầu với việc Úc trải qua đợt cháy rừng tồi tệ nhất được ghi nhận. Miền Tây nước Mỹ đã phải đối mặt với những trận cháy rừng kỷ lục tương tự vào cuối năm 2019. Các khu vực khác của Mỹ, Trung Mỹ và Đông Nam Á đã hứng chịu nhiều cơn bão nhiệt đới hủy diệt. Trong khi đó, sa mạc Sahara tiếp tục phát triển rộng ra ở châu Phi. Suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra đã làm giảm lượng khí thải carbon. Nhưng sự sụt giảm đó diễn ra trong bối cảnh thế giới chạm mức khí thải cao mới vào năm 2019 và khả năng hoạt động kinh tế sẽ tăng lên vào năm 2021.
Quan hệ quốc tế: tình trạng chia tách về chính trị và công nghệ ngày càng rõ
Các hợp tác đa phương suy yếu. Nhưng hợp tác giữa các nước lớn cũng ngày càng mờ nhạt. Mỹ và Trung Quốc đã kéo nhau tiến về phía một cuộc chiến tranh lạnh, trong khi Anh đã “chia tay” với Liên minh châu Âu (EU) vào những ngày cuối cùng của năm bằng một thỏa thuận đầy thua thiệt. Trung Đông đã có nhiều tín hiệu tích cực khi thỏa thuận hòa bình giữa nhà nước Do Thái và các quốc gia Hồi giáo ngày càng tăng. Những xung đột biên giới và cuộc chiến nguồn nước giữa hai nước lớn châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ cũng ngày càng hiện rõ. Kể từ năm 1945, chưa bao giờ thế giới chứng kiến sự chia tách, đổ lỗi và hành động đơn phương nhiều như năm 2020.
Những vấn đề đáng chú ý năm 2021
Y tế và sức khỏe: Vấn đề sản xuất và phân phối vaccin
Sản xuất và phân phối vaccin đối phó virus SARS-CoV-2 không chỉ là vấn đề y tế và nhân đạo, nó còn là vấn đề sở hữu trí tuệ và cạnh tranh về ảnh hưởng địa chính trị. Năm 2020 khép lại với gần 1,8 triệu người chết vì dịch Covid-19, trên 83 triệu người bị lây nhiễm.
Tin tốt là hai loại vaccin hiệu quả cao đã được chấp thuận sử dụng ở Mỹ, và nhiều loại vaccin đang được triển khai ở châu Âu và châu Á. Nhưng việc phân phối vaccin rộng rãi, hiệu quả và công bằng sẽ mất nhiều tháng và đặt ra những thách thức lớn về hậu cần.
Mặc dù đã có COVAX - liên minh quốc tế sản xuất, chế tạo và vận chuyển vaccin - nhưng nó có thể gặp khó khăn nếu các quốc gia tích trữ nguồn cung cấp hoặc sử dụng những gì họ nhận được một cách thiếu thận trọng. Ấn Độ và Nam Phi đang thúc đẩy xóa bỏ các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccin và phương pháp điều trị vì những lý do có thể liên quan nhiều đến lợi ích thương mại. Nhưng những động thái như vậy có thể làm giảm động lực nghiên cứu và phát triển các loại vaccin và phương pháp điều trị trong tương lai.
Trong khi đó, các câu hỏi về khả năng miễn dịch sau tiêm chủng sẽ kéo dài bao lâu, liệu một người đã được tiêm phòng có khả năng nhiễm virus và lây nhiễm cho người khác hay không và liệu virus có tiếp tục đột biến theo những cách làm cho nó dễ lây lan hay không... vẫn còn bỏ ngỏ.
Đợt bùng phát của một chủng virus mới tại Anh vào những ngày cuối năm 2020 chính là một lời cảnh tỉnh về việc thế giới năm 2021 rất có thể vẫn sẽ phải sống chung với Covid-19. Trong đó, các biện pháp như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách xã hội, kiểm tra và truy vết sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại sự lây lan của Covid-19 trong năm 2021 và có thể xa hơn nữa.
Kinh tế: Phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ như thế nào?
Kiểm soát dịch Covid-19 đương nhiên là vấn đề tiêu điểm của năm 2021, bởi nếu không kiểm soát tốt, các hoạt động khác sẽ diễn ra cầm chừng hoặc không hoàn thiện. Nền kinh tế toàn cầu cũng nằm trong bối cảnh đó. Bất kỳ sự phục hồi kinh tế nào đều “có thể sẽ kéo dài, không đồng đều và không chắc chắn”. Dự báo mới nhất (tháng 10-2020) về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2021 của IMF cho thấy IMF đánh giá bi quan hơn về sự phục hồi so với lần dự báo tháng 6-2020. Cụ thể, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 5,2% (giảm 0,2 ppt), các nền kinh tế phát triển tăng trưởng 3,9% (giảm 0,9 ppt), các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng 6% (tăng 0,1 ppt). Chỉ có Trung Quốc là điểm sáng trong số các nền kinh tế chủ chốt (dự báo tăng trưởng 8,2%), trong khi đó Mỹ được dự báo tăng 3,1% (giảm 1,4 ppt, mức giảm lớn nhất trong số các nước phát triển), khu vực châu Âu tăng trưởng 5,2% (giảm 0,8 ppt).
Tuy nhiên, cho dù phục hồi như thế nào, dịch Covid-19 cũng làm gia tăng bất bình đẳng về thu nhập và mức độ phát triển giữa các ngành kinh tế.
Công nghệ: Cuộc đua tiêu chuẩn mới
Đại dịch đã mở ra một cơ hội mới cho các nước, đó là cơ hội và thêm động lực để thúc đẩy chuyển đổi số và tăng chi tiêu cho khoa học công nghệ trong các lĩnh vực mới như 5G, trí tuệ nhân tạo, chăm sóc sức khỏe từ xa. Các công nghệ này cũng gồm cả những gì sẽ hỗ trợ cho các nhóm yếu thế trong xã hội, vì vậy FinTech (Công nghệ tài chính) thế hệ mới sẽ được chú trọng hơn để đảm bảo nhiều người sẽ tiếp cận được nguồn tài chính cần thiết.
Nghiên cứu gần đây của IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phân biệt hai lĩnh vực đổi mới tài chính. Một là thông tin: các công cụ mới để thu thập và phân tích dữ liệu về khách hàng, chẳng hạn để xác định mức độ tín nhiệm. Hai là giao tiếp: các cách tiếp cận mới đối với các mối quan hệ khách hàng và việc phân phối các sản phẩm tài chính. Các nền tảng như Amazon, Facebook hay Alibaba kết hợp ngày càng nhiều dịch vụ tài chính vào hệ sinh thái của họ, tạo điều kiện cho sự gia tăng của các nhà cung cấp chuyên biệt mới cạnh tranh với các ngân hàng trong thanh toán, quản lý tài sản và cung cấp thông tin tài chính.
Nhưng để thực hiện được những chuyển đổi này, các nước cần phối hợp để thiết lập các tiêu chuẩn chung liên quan đến tiếp cận và khai thác dữ liệu. IMF cho rằng hiện nay thế giới cần một hệ thống quản trị mới để mua và bán dữ liệu - nguồn dầu mỏ của nền kinh tế số.
Quan hệ quốc tế: Quan hệ giữa các nước lớn hậu bầu cử Mỹ
Đây sẽ là chủ đề quan trọng vì vẫn ẩn chứa nhiều yếu tố bất trắc về mặt chính sách. Cũng bởi vì sự hợp tác giữa các nước lớn sẽ quyết định thành công của các hợp tác khu vực và toàn cầu. Vì vậy, mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào quan hệ Mỹ - Trung, Mỹ - Nga, Mỹ - đồng minh trong nhiệm kỳ mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nhưng có một sự thận trọng đang bao trùm khi các phân tích chiến lược cho thấy, ở trạng thái tích cực nhất, Mỹ và Trung Quốc cũng không hợp tác với nhau theo cách thức như hai nước đã tiến hành trước năm 2016.
(*) Giám đốc Chương trình Nghiên cứu chiến lược Mekong - Trung Quốc (MCSS), VNUA
Xem thêm: lmth.-oan-eht-gnod-neyuhc-es-ioig-eht-1202/160313/nv.semitnogiaseht.www