Trong thông báo vài tuần trước, Jeff Bezos của Amazon cho biết ông sẽ từ chức CEO của công ty vào cuối năm nay. Với động thái này, Bezos sẽ tiếp bước Steve Jobs của Apple, Bill Gates của Microsoft và Larry Page của Alphabet (công ty mẹ Google) trong việc chuyển giao quyền lực lãnh đạo từ nhà sáng lập sang thế hệ tiếp theo.
Với sự ra đi của Bezos, CEO Facebook Mark Zuckerberg sẽ trở thành nhà sáng lập duy nhất còn đảm trách cương vị CEO của các công ty công nghệ lớn nhất nước Mỹ. Elon Musk, người đang đảm trách vai trò CEO Tesla và giữ tiếng nói quyết định trong mọi sản phẩm chiến lược của công ty, lại không phải người bắt đầu xây dựng Tesla từ buổi đầu tiên. Tesla được thành lập ngày 1/7/2003 bởi Martin Eberhard và Marc Tarpenning.
Tuy nhiên, việc Mark Zuckerberg tiếp tục đảm trách cương vị CEO của Facebook chắc chắn là điều hiển nhiên. Vị tỷ phú tự thân sinh năm 1984 này trẻ hơn rất nhiều so với cựu CEO kiêm đồng sáng lập của các công ty công nghệ lớn khác của Mỹ. Ở tuổi 65, nhà sáng lập Microsoft Bill Gates đang tập trung cho các hoạt động từ thiện. Larry Page đang theo đuổi các mục tiêu khác còn Steve Jobs của Apple đã qua đời vì bạo bệnh.
Trong khi đó, Zuckerberg còn có một điểm rất khác với những nhà sáng lập khác. Ở thời điểm hiện tại, Zuckerberg vẫn nắm toàn quyền quyết định ở Facebook. Thậm chí, dù bất cứ điều gì xảy ra với tỷ lệ sở hữu cổ phiếu, Zuckerberg vẫn toàn quyền quyết định tương lai mạng xã hội này. Nếu bất cứ cổ đông nào không hài lòng với Zuckerberg, việc duy nhất người đó có thể làm là bán cổ phiếu.
Điều này cho phép Zuckerberg bắt tay phát triển các dự án dài hạn và thực hiện chúng trong quãng thời gian mà anh ta thấy phù hợp. Đặc biệt trong số đó là trường hợp của Oculus, công ty thực tế ảo mà Facebook đã mua với giá 2 tỷ USD vào năm 2014. 7 năm sau khi mua lại, Oculus vẫn chưa phát triển thành công một mô hình mà Facebook mong muốn. Tuy nhiên, Zuckerberg chẳng phải chịu áp lực nào từ phía cổ đông, điều cho phép vị tỷ phú sinh năm 1984 này có thể tiếp tục các dự án con cưng miễn là anh ta cảm thấy phù hợp.
Trong khi đó, tầm nhìn và cách lãnh đạo của Zuckerberg khiến vị CEO trở nên quyền lực tuyệt đối. Thực tế, với việc tạo ra News Feed vào năm 2006, mua lại Instagram và WhatsApp cùng hàng loạt cải tiến khác, Zuckerberg đã làm đúng nhiều hơn sai. Các công ty đổi thủ của Facebook đều không tìm ra đường hướng phát triển để cạnh tranh với gã khổng lồ này, ngay cả khi nhiều công nghệ Facebook đi sau họ.
Tuy nhiên, sự kiểm soát hoàn toàn này cũng không giúp Zuckerberg tránh được những lời chỉ trích về tính hiệu quả trong hoạt động. 4 năm qua, công ty đã làm ngơ nhiều chỉ trích từ bên ngoài về tin giả cũng như các thuyết âm mưu nhằm vào Facebook. Ngoài ra, Facebook còn bị cáo buộc xâm phạm quyền riêng tư cá nhân.
Trong khi đó, có một sự thật không thể phủ nhận là các gã khổng lồ công nghệ phát triển tốt hơn sau khi nhà sáng lập rời vị trí CEO. Apple, Microsoft và Alphabet đều đã ghi nhận mức doanh thu và giá cổ phiếu cao hơn, đồng nghĩa với tốc độ tăng trưởng tốt hơn, khi một nhà lãnh đạo mới được chọn để thay thế chiếc ghế mà nhà sáng lập để lại.
Tại Apple, dưới thời Tim Cook, giá cổ phiếu công ty đã tăng hơn 10 lần từ 13,44 USD vào tháng 8/2011 lên 135,39 USD vào ngày 10/2/2020. Trong khi đó doanh thu công ty tăng từ 108,2 tỷ USD vào năm 2011 lên 274,5 tỷ USD vào năm 2020, gấp tới 2,5 lần trong chưa đầy 10 năm.
Tuy nhiên, sự đổi mới ở Apple rõ ràng không diễn ra với tốc độ tương xứng như dưới thời Steve Jobs. Từ năm 19960-2011, Apple đã có thời kỳ hoàng kim khi đổi mới nhanh chóng với sự ra đời của iMac, Apple Stores, iPod, iPhone và iPad. Dưới tời Tim Cook, sản phẩm mới của công ty chỉ là chiếc Apple Watch. Tuy nhiên, Cook mang lại sự ổn định, điều chắc chắn nhiều cổ đông hài lòng.
Với Microsoft, giá cổ phiếu công ty tăng hơn 7 lần dưới thời Satya Nadella, người nhận lại chiếc ghế từ Steve Ballmer năm 2014. Ballmer là một trong những nhân viên đầu tiên của Microsoft, người được Bill Gates nhường lại vị trí lãnh đạo công ty. Dưới thời Nadella, Microsoft không có sản phẩm đình đám nhưng công ty chuyển đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh, từ bán phần mềm thành công ty dịch vụ phần mềm trên nền tảng điện toán đám mây.
Điều tương tự cũng diễn ra với Alphabet, công ty mẹ Google. Nhà đồng sáng lập Larry Page đã nhường lại vị trí lãnh đạo cho Sundar Pichai, người giúp giá cổ phiếu công ty tăng 48% từ tháng 12/2019 đến nay. Mới nhậm chức, Pichai chưa có nhiều thời gian để chứng minh vai trò của mình nhưng cách đối phó với Covid-19 và giải quyết các vấn đề của công ty đang rất hiệu quả.
Sinh ngày 14/5/1984, Mark Zuckerberg tạo ra Facebook khi đang là sinh viên trường Đại học Harvard cùng một vài người bạn. Ở thời điểm hiện tại, Zuckerberg đang là 99,4 tỷ USD, Zuckerberg hiện là người giàu thứ 3 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới của Forbes.
Cuối năm 2011, Zuckerberg đã cùng một nhóm bạn tới Sapa, Lào Cai, Việt Nam. Tại đây, nhà sáng lập Facebook đã có màn cưỡi trâu đầy thú vị. Những hình ảnh đặc biệt của Zuckerberg đã được ghi lại và nhanh chóng xuất hiện trên mạng xã hội và truyền thông.