Chị Võ Thị Thắm, điều dưỡng khoa nội thận - lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, chăm sóc cho bệnh nhân lọc máu theo chu kỳ những ngày Tết - Ảnh: THU HIẾN
Mùng 1 Tết. Tại phòng lọc máu của khoa nội thận - lọc máu Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, hàng chục chiếc máy chạy thận kêu o e, không khí tĩnh lặng, nhiều bệnh nhân ngủ thiếp đi sau khi trải qua 4 giờ lọc máu kéo dài.
Bán nhà chạy thận
Các bệnh nhân chạy thận thường nói đùa với nhau rằng bệnh thận là "bệnh của người giàu nhưng xảy ra trên người nghèo". Cứ một tuần ba lần, họ lại khăn gói, chạy hàng chục kilômet đến bệnh viện lọc máu theo chu kỳ, bất kể nắng mưa, lễ tết.
"Tôi không còn nhớ ngày tháng năm nữa, nhìn thấy mọi người khỏe mạnh đón Tết tôi cũng ước Tết đến mình có vài ký thịt, nấu vài đòn bánh chưng hay về quê đón Tết với người thân. Nhưng điều đó là xa xỉ", bà Thúy Kiều (55 tuổi, ngụ tại Bình Tân) tâm sự.
Được phát hiện bị suy thận giai đoạn cuối vào năm 2010 sau một lần nôn ói mãnh liệt, từ đó đến nay đã 10 năm bà chạy thận. Buổi sáng lọc máu xong, chiều bà lại đi làm, mỗi tháng bà kiếm được 4-5 triệu đồng. "Giờ đây tôi chỉ ước mình có sức khỏe tốt, đi lại lọc máu như bình thường để kiếm tiền chăm sóc mẹ", bà nói.
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Trinh thuê trọ gần bệnh viện thuận tiện cho việc chạy thận - Ảnh: Bệnh nhân cung cấp
13 năm chạy thận là cũng là khoảng thời gian đầy khó khăn với bà Nguyễn Thị Trinh (64 tuổi, Hà Tĩnh). Năm 2008, bà bất ngờ phát hiện mình bị suy thận giai đoạn cuối. Ít lâu sau, chồng bà mắc bệnh hiểm nghèo. Không còn cách nào khác, hai vợ chồng đành bán nhà lấy tiền trang trải chi phí khám chữa bệnh. Hiện vợ chồng bà thuê một phòng trọ nhỏ gần bệnh viện để tiện cho việc chữa bệnh.
"Đã 3 năm liền tôi chạy thận đúng vào mùng 1 Tết, cũng nhớ quê hương lắm, muốn về thắp nén nhang cho mẹ cha, thăm hỏi họ hàng, mà sao xa xỉ quá. Thấy người ta đón Tết mà lòng cứ nôn nao, chúng tôi chỉ biết đến rau cháo cho qua ngày", bà Trinh ngấn lệ.
Mong mỏi cái Tết đoàn viên
"Mỗi năm chỉ được về nhà 1 hoặc 2 lần, hiếm lắm mới được về quê ăn Tết". Đó là "đáp án chung" của nhiều bác sĩ, điều dưỡng khoa chạy thận.
"Lần gần đây nhất mình ăn Tết với cha mẹ là 8 năm trước. Giờ ngày Tết mình chỉ kịp gọi điện thoại chúc sức khỏe ba mẹ rồi nói xin lỗi vì không về được, lại lao đầu vào công việc", chị Võ Thị Thắm (38 tuổi, điều dưỡng khoa nội thận lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM) tâm sự.
Cũng như chị Thắm, nhiều bác sĩ, điều dưỡng tại đây phải trực liên tục, làm việc bất kể giờ giấc, lễ Tết để giúp bệnh nhân chạy thận. Cứ một điều dưỡng coi 6 máy lọc thận, chia 3 ca đổi liên tục.
"Hiếm hoi lắm các bác sĩ, điều dưỡng tại khoa mới được về quê ăn Tết, nếu có về cũng ưu tiên cho các bác sĩ xa quê", ThS.BS Nguyễn Minh Quân - phó khoa nội thận - lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, cho biết.
"Điều quan trọng nhất đối với mình là sự cảm thông, chia sẻ từ chồng và các con, mọi người đều thấu hiểu cho mình, họ là động lực cho mình. Điều mình mong mỏi nhất là có một cái Tết đoàn viên bên gia đình, được cùng các con và chồng đón Tết. Mình cũng mong có sức khỏe tốt, tiếp tục chăm sóc cho các bệnh nhân", chị Thắm cười nói.
ThS.BS Nguyễn Minh Quân cho biết những bệnh nhân chạy thận trên 2 năm, đa phần thận đã hư hoàn toàn, bắt buộc phải vào viện lọc máu theo chu kỳ, cứ cách 2-3 ngày phải lọc máu một lần.
Đa phần bệnh nhân chạy thận lâu năm đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Bởi sau một thời gian chạy thận kéo dài, kinh tế gia đình bắt đầu lao đao, rơi vào kiệt quệ, phải vay mượn để chạy thận. Nhiều bệnh nhân phải nhờ đến bệnh viện kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ.
Thấu hiểu hoàn cảnh các bệnh nhân, mỗi dịp Tết đến, bệnh viện lại vận động nhà hảo tâm tặng quà các bệnh nhân khó khăn, an ủi, động viên họ phần nào.
TTO - Sáng nay (13-4), 600 suất quà được trao đến tận tay cho các bệnh nhân ở xóm chạy thận Hà Nội đang từng ngày chống chọi với bệnh tật, giúp họ vượt qua những ngày khó khăn vì đại dịch COVID-19.
Xem thêm: mth.57200211121201202-neiv-naod-tet-iac-gnom-oav-noum-ia-gnohk-ion-o-tet-1-gnum/nv.ertiout