Công an quận Bình Tân, TP.HCM cho biết, Tết Nguyên đán là thời điểm tình hình an toàn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn quận có chiều hướng phức tạp. Lý do là người dân tập trung vào các hoạt động để chuẩn bị đón Tết như: trang trí nhà cửa, lắp thêm đèn trang trí, nấu nướng, thờ cúng ông bà, thậm chí là sử dụng pháo,… gây nguy cơ cháy nổ cao.
5 “ngòi” cháy, nổ ngày Tết
Theo Công an quận Bình Tân, một số nguyên nhân chủ yếu gây ra cháy, nổ gồm:
1. Sử dụng điện: Trong dịp Tết, người dân thường trang trí thêm đèn và các vật dễ cháy như: màn, chậu hoa giả, cây thông… và tự ý câu móc thêm các thiết bị điện, không chú ý đầu nối dây dẫn điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật điện. Có trường hợp đường dây dẫn điện không được kiểm tra thay thế kịp thời nên bị lão hoá, bong tróc lớp vỏ cách điện; hoặc sử dụng các thiết bị điện có công suất lớn như: bàn ủi, bếp điện từ…. dẫn đến các hiện tượng quá tải, chập mạch gây ra cháy nổ.
Phong tục thờ cúng vàng mã cũng có thể dẫn đến nguy cơ cháy nổ ngày Tết. Ảnh: N.TÝ
2. Sử dụng gas: Người dân thường không khoá van bình chứa khí gas khi không đun nấu hoặc khoá van, tắt bếp gas chưa đúng quy trình; sử dụng các bình chứa khí gas, bếp, phụ kiện không đảm bảo chất lượng, hoặc tự sang chiếc gas.
3. Sử dụng pháo: Nghị định số 137/2020 về quản lý sử dụng pháo hoa có hiệu lực sẽ dẫn đến tình trạng mua, bán, sử dụng pháo trong dân. Nhất là việc kinh doanh pháo hoa tại các cửa hàng trên địa bàn, tiềm ẩn cháy, nổ cao.
4. Thờ cúng: Trong dịp Tết, đa phần người dân theo phong tục thờ cúng ông bà, tổ tiên, thường thắp nhang, đốn nến, vàng mã… mà không chú ý đến các vật dễ cháy xung quanh như khăn trải bàn, giấy, dầu hoả; hoặc để quên trước cửa nhà, trước sân để gió làm bay đóm lửa vào các vật dễ cháy.
5. Đốt rác: Trước và trong Tết theo phong tục của người dân đi tảo mộ, đốt cỏ, đốt rác hoặc thói quen vứt tàn thuốc lá vào những vật dễ cháy; đốt rác tại nơi hanh khô có nhiều vật dễ cháy lan… cũng là nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ.
Đốt rác dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Ảnh: HT
9 việc cần làm để phòng cháy, nổ
1. Hệ thống điện phải được thiết kế riêng biệt giữa các khu vực với nhau; phải có thiết bị bảo vệ chống quá tải (cầu chì, aptomat…) cho hệ thống điện chung toà nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị tiêu thụ công suất lớn (điều hoà, bếp điện, lò nướng…). Khi lắp thêm các thiết bị tiêu thụ điện phải tính toán để không gây quá tải cho hệ thống điện.
2. Các hàng hoá dễ cháy, nổ phải được bố trí cách các thiết bị điện có khả năng sinh nhiệt như bóng đèn, ổ cắm, cầu dao… hoặc khu vực phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ít nhất 0.7m.
3. Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, các bức tường xung quanh và trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật không cháy, hạn chế tối đa vàng mã hương, nến để trên bàn thờ. Chỉ đốt đèn, nến, hương khi có người lớn ở nhà trông coi, che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.
4. Ô tô, xe máy và các phương tiện, dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt. Không nên để ô tô trong nhà để phòng ngừa xe tự cháy hoặc khói khí độc khi nổ máy.
Công an cảnh báo những việc đề phòng cháy, nổ ngày Tết. Ảnh: L.THOA
5. Không để nhiều đồ dùng, hàng hoá dễ cháy ở nơi đun nấu. Không dự trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà. Trường hợp cần phải dự trữ thì chỉ dự trữ số lượng ít nhất và để ở khu vực riêng biệt tránh nhầm lẫn và đổ vỡ.
6. Hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp…. để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế gây cháy lan.
7. Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ, về quê, đi du lịch…. phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt hết tất cả các thiết bị điện không cần thiết.
8. Sử dụng bếp gas đúng quy trình (khoá van trước, sau đó mới tắt bếp để cháy hết lượng gas trong ống dẫn), thường xuyên kiểm tra ống dẫn khí gas, van khoá. Tốt nhất nên khoá chặt bình chứa khí gas, để cách xa nguồn nhiệt và các vật dễ cháy khi về quê, đi du lịch…
9. Tuyệt đối không được tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép các loại pháo hoa, pháo nổ mà pháp luật quy định cấm sử dụng để đảm bảo an toàn, góp phần phòng chống cháy, nổ xảy ra.
7 kỹ năng thoát hiểm khi có cháy 1. Bình tĩnh, quan sát tìm lối thoát nạn. 2. Dùng khăn thấm nước che kín mặt, mũi để không bị nhiễm khói độc. 3. Khom thấp người khi di chuyển để tránh hít khói độc. 4. Thoát hiểm bằng cầu thang bộ, tuyệt đối không sử dụng thang máy. 5. Nếu lối thoát bằng cầu thang bộ bị chặn hoặc không tìm được lối thoát thì ra ban công, cửa sổ gọi to để nhờ sự trợ giúp. 6. Khi di chuyển hô to “cháy” để mọi người xung quanh biết. 7. Tuyệt đối không được nhảy từ trên cao xuống, trừ khi có nệm cứu hộ phía dưới. Công an quận Bình Tân, TP.HCM |