Táo Quân được biết đến là một chương trình hài tạp kỹ thường niên để tổng kết mỗi dịp cuối năm. Suốt nhiều năm qua, Táo Quân đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với khán giả trong và ngoài nước.
Sau một năm tạm dừng phát sóng, chương trình Táo Quân 2021 đã quay trở lại với khán giả vào đúng đêm 30 Tết, khiến ai cũng háo hức đón xem.
Những phong độ vẫn được giữ vững của dàn nghệ sĩ cũ
Đúng như mong đợi của khán giả, Táo Quân năm nay vẫn có sự góp mặt của những tên tuổi gạo cội, gắn bó bền vững cùng chương trình như Quốc Khánh, Chí Trung, Quang Thắng, Công Lý, Tự Long, Xuân Bắc, Vân Dung. Họ đóng vai trò là linh hồn, giữ vững sự liền mạch trong kết cấu của chương trình qua nhiều năm và mỏ neo để giữ chân khán giả.
Hiển nhiên, với kinh nghiệm và tài năng vốn có, lứa nghệ sĩ gạo cội này vẫn giữ vững phong độ, trở thành điểm sáng nhất của chương trình. Họ vẫn mang đến cho khán giả những trận cười sảng khoái với khả năng biểu cảm, sử dụng đài từ, hoạt ngôn và hình thể vô cùng tinh tế, duyên dáng của mình.
Mỗi người trong họ vẫn là một màu sắc, cá tính độc đáo, giữ vững suốt nhiều năm qua. Cô Đẩu Công Lý vẫn điệu đà, đanh đá, Ngọc Hoàng vẫn điềm đạm nhưng phát ngôn thâm sâu, gây cười bằng chính sự lừ đừ, chậm rãi của mình. Trong khi đó, Vân Dung vẫn giữ vai trò hoạt náo bằng lối diễn ồn ào, sôi nổi, còn Chí Trung lại chinh phục khán giả bằng sự nhởn nhơ, tưng tửng của mình.
Một trong những dấu ấn độc đáo, làm lên thương hiệu cho Táo Quân vẫn được giữ vững và phát huy, đó là nghệ thuật chơi chữ, sử dụng ngôn từ theo vần điệu, nhạc tính, hòa thanh đầy nhịp nhàng, ăn khớp, tinh tế, cho ra đời những câu nói gây bão, tạo trend như:
"Dùng app bóng bẩy ngoài da, trong thì bẩn thỉu kim la 8 tầng", "Đã xấu còn xa, đã Corona còn hay giao tiếp", "Thân hình bình thường, nhan sắc tầm thường".
Trong đó, có những câu nói mang chất thơ như: "Ngày hai lần ấm chén cọ sạch bong, tuần hai lượt cầm chổi quét sạch phòng", "Cốc cốc cốc ai gọi đó. Nếu gọi tinh thì đã có tú. Nếu gọi tú thì đã có kinh. Nếu gọi kinh thì đã có tế. Táo Kinh Tế đến đây".
Đa số các câu nói vần điệu này đều được sử dụng để đả kích, châm biếm sâu sắc các thói hư tật xấu trong xã hội, đặc biệt là ở giới công chức nhà nước:
"Măng mọc ở đâu thì mọc, đừng chọc vào ghế của bố mày là được", "Học bằng gì thì học nhưng phải biết học bằng lòng", "Trên thoáng dưới nhanh, tham mưu trung thành, ăn chia sòng phẳng", "Quà cáp bao la, một nhà no đủ, gia chủ phát tài, tránh mọi thiên tai, cả hai chốt sổ", "Tiền không phải tất cả nhưng không có tiền thì vất vả em ơi".
Thành ngữ, tục ngữ dân gian cũng được các nghệ sĩ sử dụng, để tăng tính nghệ thuật cho lời thoại của mình, như: "Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa".
Và tất nhiên, giá trị cốt lõi, quan trọng nhất của Táo Quân vẫn luôn được hiện diện, đó là châm biếm, đả kích thông qua các tình tiết đầy trào phúng, hài hước.
Chẳng hạn, ngay mở đầu chương trình, Bắc Đẩu đã chám biếm quy trình làm việc quan liêu nơi công sở bằng câu nói: "Tinh giản biên chế là một người làm gấp 3 để tao mua nhà, mua xe".
Một lúc sau, Bắc Đẩu đá xoáy thói con ông cháu cha khi nói với Nam Tào: "Tôi muốn đuổi chúng nó để tuyển dụng những người có năng lực hơn vào làm việc nhưng không được, vừa mở mồm ra nó dán băng dính vào mồm tôi luôn".
Về phía mình, Nam Tào cũng châm biếm một cách trực diện nạn tham ô khi nói: "Phải chuyển từ chuyện bình thường thành chuyện phức tạp mới có cái gì gì mà chấm mút".
Chưa dừng lại ở đó, các nghệ sĩ Táo Quân còn đả kích rất nhiều vấn đề khác như ẩn ý về vụ ăn tiền người chết của Đường Nhuệ, châm biếm giang hồ mạng, việc dạy online nhưng thu tiền như học tại trường lớp của ngành giáo dục, nạn quan liêu trong việc chống dịch (qua hình ảnh Thiên Lôi), thói tranh công chối tội (qua việc Tự Long liên tục nhận công chống dịch về mình), thịt lợn tăng giá.
Ngay cả những vấn đề của showbiz, giải trí cũng được đem ra châm biếm như phim ảnh (chi tiết nhắc về phim Cậu Vàng), tình tay ba của một ca sĩ nổi tiếng (khi Lâm Vỹ Dạ nói: "Hãy để cho quá khứ ngủ yên, chúng ta của hiện tại không phải Trà Xanh").
Tiếp đó, các nghệ sĩ còn châm biếm thói xu nịnh (qua việc các Táo nịnh Ngọc Hoàng và bị nói "Ta mệt quá, nghe bọn nó nịnh ta buồn nôn").
Xuyên suốt chương trình, các Táo luôn nhắc đi nhắc lại về "luật trời", nhằm ám chỉ một số luật lệ tiêu cực, quan liêu, tham ô trong công tác quản lý, làm việc bằng những câu nói sâu cay.
Chẳng hạn, Quang Thắng nói với đàn em: "Lên thiên đình các cháu phải nhớ, bật xi nhan phải thì rẽ trái, thấy đèn đỏ là phải đi thẳng".
Tự Long thì gay gắt hơn: "Muốn vào rừng thì phải cống nạp thần rừng là hai con Nam Tào, Bắc Đẩu kia kìa, nó ăn không chừa một cái gì".
Chí Trung chốt hạ: "Không đội giá lấy tiền đâu nuôi hệ thống", "lằng nhằng mới là giáo dục" (phản ánh sự rườm rà của giáo dục).
Việc các Táo già nghĩ mưu kế đuổi 3 nghệ sĩ trẻ lên chầu cũng đả kích nạn tham quyền cố vị, đè đầu cưỡi cổ người trẻ.
Các nghệ sĩ Táo Quân tuy không còn trẻ, nhưng vẫn bắt kịp xu hướng trong xã hội để cập nhật thành những tình tiết hài gây cười, đặc biệt là các trend từ mạng xã hội như Tik Tok, Youtube hay chương trình Rap Việt. Một số hot trend được sử dụng như vũ điệu rửa tay, ca khúc Bigcityboy.
Và để theo sát các trend đó, nghệ sĩ Táo Quân không chỉ diễn mà còn thể hiện được những kỹ năng mới của mình như đọc Rap, nhảy. Các tiết mục vũ đạo được dàn dựng hoành tráng, đầu tư.
Phần trang phục của các Táo cũng được khán giả khen ngợi vì sát với cổ trang, sang trọng, không diêm dúa như mọi năm.
Tuy đả kích, châm biếm là thế, nhưng các nghệ sĩ Táo Quân vẫn không quên ca ngợi những điểm sáng đầy tích cực của đất nước như công tác chống dịch thành công và việc duy trì nền kinh tế mới nổi của Việt Nam trong năm qua.
Đặc biệt, Ngọc Hoàng còn chốt hạ một câu khá ý nghĩa là: "Công chống dịch không của riêng ai mà của tất cả mọi người".
Quảng cáo, cắt quá nhiều và sự mất dần đất diễn của nghệ sĩ gạo cội
Tuy nhiên, chương trình Táo Quân năm nay vẫn còn nhiều hạn chế, khiến khán giả khó chịu và phản ánh.
Rất nhiều khán giả tỏ ra chán nản khi phần đất diễn của những nghệ sĩ gạo cội bị thu hẹp lại, nhường quá nhiều cho lớp trẻ như Duy Nam, Trung Ruồi, Mạnh Dũng, tới mức cảm giác bị lấn lướt. Ngay cả phần hát nhạc chế mọi năm vốn dành cho Bắc Đẩu và các Táo, nay cũng chuyển sang các nghệ sĩ trẻ.
Đành rằng cần phải tạo cơ hội cho những nghệ sĩ trẻ kế cận, nhưng việc chuyển giao đất diễn quá nhiều như vậy khiến khán giả không khỏi hụt hẫng. Một số khán giả phản ánh, Công Lý và Chí Trung gần như trở thành vai phụ trong năm nay.
Sự thay đổi kịch bản, bỏ phần vào chầu, báo cáo lần lượt như mọi năm cũng khiến khán giả không quen. Nhiều người cho rằng, chương trình có quá ít phần báo cáo của các Táo nên không còn nêu được các vấn để trong năm một cách rõ ràng, rành mạch.
Sân khấu chương trình cũng bị phản ánh rằng hơi chật, tối, quá nhiều cây cối, tạo cảm giác bí bách.
Đặc biệt, khán giả chê trách chương trình cắt và quảng cáo quá nhiều. Nhiều đoạn cắt không liền mạch, cắt vô tội vạ khiến tình tiết thiếu logic, người xem khó hiểu. Vấn đề đưa ra không được giải quyết một cách triệt để.
Long Phạm
Pháp luật & Bạn đọc