Giá một số hàng hóa thiết yếu trong ngày mùng 1 Tết tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi mở cửa xuyên Tết ổn định so với ngày hôm trước.
Mở cửa bán hàng xuyên Tết, vẫn giữ giá ổn định
Theo Bộ Công Thương, ngày mùng 1 Tết (12.2.2021), nhân dân chủ yếu đi chơi Tết, thăm hỏi, cúng lễ đầu năm, hoạt động mua bán hàng hóa rất ít do phần lớn các cơ sở kinh doanh đều nghỉ Tết.
Một số trung tâm thương mại, siêu thị mở cửa xuyên Tết phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân như Aeon Mall hay một số chuỗi hệ thống cửa hàng tiện lợi Circle K, Family Mart, B’s mart, 24h Cheers, giá hàng hóa không tăng so với ngày hôm qua (30 Tết).
Cụ thể, giá thịt lợn loại ngon (sườn non, ba chỉ, nạc vai đầu giòn) ở mức 170.000 – 200.000 đồng/kg; thịt loại 2 như sấn, nạc vai, thăn dao động ở mức 130.000 - 160.000 đồng/kg; giá gà ta làm sẵn của C.P dao động phổ biến từ: 90.000-100.000 đồng/kg; giá gà công nghiệp (làm sẵn) dao động khoảng 60.000-70.000 đồng/kg; thịt bò thăn dao động từ 330.000-360.000 đồng/kg.
Đối với mặt hàng thực phẩm chế biến, giá cũng không biến động: Giá giò lụa phổ biến 180.000-200.000 đồng/kg; giò bò 300.000-320.000 đồng/kg; lạp xưởng vissan 3 Bông mai: 160.000-170.000 đồng/kg.
Giá mặt hàng khác cũng ổn định: Đường bán lẻ ở mức 20.000-21.000 đồng/kg; dầu ăn: 42.000-44.000 đồng/lít, bia lon Heineken từ 380.000-400.000 đồng/thùng; Coca Cola 170.000-185.000 đồng/thùng; bia lon Hà Nội giá 220.000-240.000 đồng/thùng;
Ngày mùng 1 Tết, người dân thường đi lễ đầu năm tại các đền, đình, chùa nên các mặt hàng được tiểu thương bày bán và được tiêu thụ chủ yếu là hoa, quả tươi, bánh kẹo phục vụ cúng, lễ tại đền, đình, chùa...; dịch vụ bán diêm, muối, bật lửa tại các khu vực đền, chùa cũng khá sôi động.
Đảm bảo hàng hóa phục vụ phòng, chống COVID-19
Các cơ sở sản xuất kinh doanh đã chuẩn bị các kịch bản ứng phó với các tình huống có thể xảy ra để luôn đảm bảo nguồn cung hàng hóa vừa bảo đàm phòng chống dịch bệnh COVID 19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi và truyền thông để người tiêu dùng biết và mua sắm, đảm bảo ổn định nguồn cung và giá cả hợp lý trong dịp Tết.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn nên xu hướng mua sắm đã thay đổi so trước. Người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm được sản xuất trong nước, có chất lượng bởi các doanh nghiệp có thương hiệu. Trong các siêu thị lớn, bánh kẹo sản xuất trong nước chiếm đến hơn 80%.
Để người dân yên tâm đón Tết và phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường quán triệt trong trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhưng lưu ý không làm ảnh hưởng đến việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trong thời gian dịch bệnh;
Chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến thị trường để kịp thời ứng phó với các trường hợp khẩn cấp tại địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong trường hợp xuất hiện dấu hiệu khan hiếm đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thiết bị vật tư y tế, dược phẩm, xăng dầu, gas,... báo cáo Ủy ban nhân dân các cấp, Ban Chỉ đạo 389 địa phương và Bộ Công Thương để chỉ đạo, giải quyết kịp thời.
Theo tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, tính đến chiều 12.2.2021, nhìn chung các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh tương đối đầy đủ; không phát hiện những diễn biến bất thường nổi cộm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Xem thêm: odl.050088-hcid-gnohc-nad-iougn-uv-cuhp-hnid-no-aig-uhp-gnohp-aoh-gnah-tet-1-gnum/et-hnik/nv.gnodoal