Năm con chuột tệ thật nhưng đó lại là 'năm kiên cường'!
Đào Loan
(TBKTSG Online) - Tết Tân Sửu này, một lần nữa, đại dịch đã làm cho những người làm du lịch "rảnh rỗi" chưa từng có và đẩy khó khăn của doanh nghiệp trong ngành đến tận cùng. Ngay cả những CEO nhiều năm kinh nghiệm cũng không dám chắc đâu sẽ là phương thuốc hay nhất để hồi sinh doanh nghiệp đang "ngắc ngoải" sau hơn một năm trời liên tục hứng chịu những đợt suy giảm khách đến tận đáy.
Thế nhưng, trò chuyện TBKTSG Online bên thềm năm mới, nhiều doanh nhân không chỉ nhắc đến năm cũ Canh Tý với những từ như "khó khăn", "tuyệt vọng" mà còn nói đến 2 chữ "kiên cường". Sự thích nghi, ứng phó tích cực với những thay đổi, áp lực chưa từng có như trong năm 2020 sẽ là vốn quý cho doanh nghiệp bước sang năm mới, được dự báo là vẫn cực kỳ khó khăn.
Nhân viên của Lux Group gói bánh chưng tại văn phòng công ty hôm 26 tháng Chạp. Ảnh: Lux Group |
Ngày 26 tháng Chạp, nhân viên của Lux Group, một tập đoàn kinh doanh dịch vụ lữ hành, du thuyền... đã quây quần tại văn phòng Hà Nội để gói bánh chưng. Sau một năm cùng gánh vác khó khăn, CEO của tập đoàn, ông Phạm Hà muốn các nhân viên quây quần lại để tận hưởng không khí ấm cúng của những ngày giáp tết.
"Năm 2020 là một năm đầy khó khăn và bất trắc nhưng nhìn lại thì không phải chỉ có nỗi buồn. Chúng tôi vui vì đã có một năm kiên cường, bền bỉ trụ lại với thị trường, cứ sau một đợt bùng dịch thì lại tiếp tục vận hành và đặc biệt là giữ được nhân viên, khách hàng không bị lây nhiễm", ông Hà nói với TBKTSG Online trước thềm năm mới.
Sau 'năm Covid' thứ nhất, đội ngũ nhân viên của Lux Group đã giảm 40%. Rất nhiều ngày nhân viên không thể làm việc vì dịch bệnh bùng phát nhưng vị CEO này cho rằng, vẫn còn đầy hy vọng vì "tuy có nợ thêm nhưng quan trọng nhất dòng tiền cùng toàn bộ hệ thống vẫn vận hành và sẵn sàng bật dậy sau đại dịch".
Trong những ngày tế, nhân viên của Lux Group vẫn làm việc trực tuyến để xử lý các yêu cầu đặt chỗ từ nước ngoài. Dù mảng du lịch quốc tế chưa mở cửa trở lại nhưng một số khách hàng, trong đó khách từ thị trường Đức vẫn đặt chỗ trước.
Bà Trần Thị Thanh Tâm, CEO của chuỗi khách sạn Chez Mimosa cũng là một doanh nhân đầy năng lượng như thế. Tuy từng phải rơi nước mắt trước nguy cơ có thể mất hết công sức gầy dựng suốt nhiều năm vì đại dịch nhưng doanh nhân này đã không rút lui mà nhanh chóng chuyển sang dịch vụ, thị trường mới.
Không còn khách quốc tế, khách sạn tiếp cận khách hàng trong nước; dịch vụ khách sạn tuột dốc, doanh nhân này tìm kiếm các mảng khác như quản lý, tư vấn khách sạn và kinh doanh nhà hàng.
Đến nay, các khách sạn của Chez Mimosa vẫn chưa thể hoạt động suôn sẻ do dịch; với các dịch vụ mới, có dịch vụ chỉ mới vận hành cầm chừng hoặc phải đóng lại, việc làm ăn vẫn đầy gian nan nhưng nữ doanh nhân thế hệ 8x này vẫn đầy tự tin vào tương lai của du lịch để bước tiếp. "Du lịch sau dịch sẽ rất khó khăn nhưng vẫn có cơ hội", bà nói.
Đại dịch Covid-19 trong năm Canh Tý 2020 đã làm nhiều doanh nghiệp du lịch phải quay trở lại vạch xuất phát.Thậm chí, có doanh nhân tham gia thương trường hàng chục năm mà phải cảm thán rằng "ở thời điểm này những người mới khởi nghiệp cũng như chúng tôi, là chẳng có gì. Thậm chí, họ còn có lợi thế hơn là không có nợ".
Thế nhưng, đại dịch cũng làm cho nhiều nhà điều hành trở nên thực tế, mạnh mẽ và thể hiện khả năng ứng biến hơn. Thị trường quốc tế đóng lại khiến nhiều doanh nhân chỉ chuyên thị trường này giật mình; nhiều người bắt đầu tính đến "thế chân kiềng", đa dạng mảng miếng để hạn chế thiệt hại; nhiều người chưa nghĩ nhiều đến "tích cốc phòng cơ" đã có kế hoạch dự phòng cho tương lại.
Thị trường nội địa bấp bênh, sức mua và thói quen tiêu dùng của khách hàng thay đổi cũng đã khiến các CEO phải liên tục thay đổi các kịch để bản tiếp cận. "Tôi không nhớ nổi là năm nay đã bao nhiêu lần thay đổi kế hoạch kinh doanh, có khi hôm nay vừa quyết thì sáng mai lại phải đổi vì thị trường đã khác", ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Holdings tâm sự vào ngày gần cuối của năm cũ.
Một ngày trước đó, công ty vẫn còn cả ngàn khách và đã sẳn sàng các kế hoạch chuyển điểm đến khi dịch ở Tân Sơn Nhất diễn ra rộng hơn nhưng rồi lại phải đổi vì nhiều địa phương quyết định không nhận khách từ vùng dịch, trong đó có TPHCM.
Qua nhiều đợt suy giảm khách, doanh nhân này từng đặt câu hỏi về khả năng tồn tại của doanh nghiệp trong ngành du lịch và không dám dự đoán về thời điểm phục hồi. Tuy nhiên, có lẽ sự bi quan này không tồn tại lâu cho nên cứ sau mỗi biến cố công ty lại có kế hoạch mới.
"Thủy thủ giỏi không trưởng thành từ biển lặng... Chúng ta sẽ bắt đầu lại bằng tinh thần khởi nghiệp", ông đã viết như thế trong thư gửi nhân viên trong dịp tết Tân Sửu.
Nếu nhìn trên góc độ này, có lẽ năm Canh Tý không đến nỗi quá tệ với doanh nghiệp trong ngành du lịch. Con chuột Canh Tý tuy đã gặm nhắm tài sản và tinh thần của doanh nghiệp nhưng lại đẩy sức chống chịu, sự kiên cường của doanh nghiệp tăng cao, tạo nên kháng thể mạnh mẽ để chống lại những khó khăn mới trong năm Tân Sửu 2021.
Mời đọc thêm:
Du lịch 'chết đứng' vì không biết đưa khách đi đâu
Doanh nghiệp du lịch sẽ như thế nào trước một 'du khách khác'?
Xem thêm: lmth.gnouc-neik-man-al-ial-od-gnuhn-taht-et-touhc-noc-man/517313/nv.semitnogiaseht.www