Bài viết của Ths. Huỳnh Quang Thuận (Trường Đại học Luật TP.HCM) về tác động của COVID-19 đến nguyên tắc xét xử công khai và phương thức xét xử của tòa án.
Khoản 2 Điều 15 BLTTDS năm 2015 ghi nhận một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự là tòa án phải xét xử công khai, trừ trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ.
Ths. Huỳnh Quang Thuận, Trường Đại học Luật TP.HCM
Điều này nhằm đảm bảo sự giám sát của nhân dân, của công luận đối với hoạt động xét xử của tòa án cũng như tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng và bảo đảm chức năng giáo dục của hoạt động xét xử.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát, TAND Tối cao đã ra các văn bản về việc phòng chống dịch COVID-19 trong hệ thống TAND. Chỉ thị số 02/2020/CT-TA ngày 10-3-2020, TAND Tối cao yêu cầu tạm dừng mở các phiên tòa, phiên họp giải quyết; tạm dừng việc triệu tập đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân đến tòa án đối với các vụ án, vụ việc đang còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng.
Trường hợp vụ án, vụ việc đã hết thời hạn giải quyết (kể cả thời gian gia hạn) và bắt buộc phải mở phiên tòa, phiên họp thì thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng nhưng phải thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.
Khi bắt buộc phải mở phiên tòa, phiên họp thì chỉ triệu tập những người tham gia tố tụng tham dự phiên tòa, phiên họp. Tăng cường xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc bằng phương thức trực tuyến khi có đủ điều kiện.
Song song đó, TAND Tối cao cũng ban hành một số Công văn về việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trong đó, về cơ bản, TAND Tối cao đã chỉ đạo tòa án các cấp hạn chế việc tổ chức các phiên tòa, phiên họp tập trung trên 20 người trong một phòng, yêu cầu thực hiện giữ khoảng cách trên 2m giữa người với người trong phòng xét xử, nơi làm việc và chỉ những người tiến hành tố tụng được thông báo và người tham gia tố được triệu tập mới được tham dự phiên tòa, phiên họp.
Như vậy, với chỉ đạo của TAND Tối cao, có thể thấy các phiên tòa diễn ra trong thời gian dịch bệnh COVID-19 được tiến hành theo phương thức xét xử hạn chế vì chỉ bao gồm những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng được triệu tập.
Tuy nhiên, khoản 2 Điều 15 BLTTDS năm 2015 chỉ cho phép xét xử kín trong trường hợp nhằm giữ bí mật hoặc bảo vệ thuần phong mỹ tục... và không có lý do vì dịch bệnh để tòa án có thể xét xử kín. Về mặt bản chất, các chỉ đạo của TAND Tối cao là phù hợp với các Chỉ thị của Thủ Tướng Chính phủ liên quan đến việc giãn cách xã hội.
Từ những phân tích trên có thể thấy quy định về các trường hợp ngoại lệ mà tòa án được phép xét xử kín trong BLHS năm 2015 còn chưa đầy đủ và đáp ứng điều kiện thực tế. Do đó cần bổ sung thêm các trường hợp vì lý do chính đáng khác theo quy định của pháp luật để tòa án có thể xét xử kín nhằm đảm bảo cho việc phù hợp giữa quy định pháp luật và thực tiễn thi hành.
Theo Chỉ thị số 02/2020/CT-TA, TAND Tối cao chỉ đạo TAND các cấp tăng cường xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc bằng phương thức trực tuyến khi có đủ điều kiện.
Như vậy, nhằm thực hiện việc giãn cách hội theo các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, việc bố trí xét xử trực tuyến thay cho xét xử trực tiếp là điều rất cần thiết để hạn chế việc lây lan dịch bệnh. Điều này cũng phù hợp với mô hình "Tòa án điện tử" theo Nghị quyết số 52-NQ-TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tuy nhiên, việc tiến hành phiên tòa trực tuyến trên thực tế cũng còn gặp phải rất nhiều khó khăn về cả quy định của pháp luật lẫn thực tiễn áp dụng. Cho đến hiện nay, chỉ có một vụ án hình sự được xét xử dưới hình thức trực tuyến, còn trong lĩnh vực dân sự thì chưa ghi nhận một vụ án nào được xét xử dưới mô hình này.
Điều 225 BLTTDS năm 2015 ghi nhận nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói, theo đó việc xét xử phải bằng lời nói và được tiến hành tại phòng xử án. Quy định này sẽ gây cản trở cho việc tiến hành xét xử theo mô hình trực tuyến vì lúc này không thể tiến hành tại phòng xử án. Cạnh đó việc xét xử trực tuyến, đòi hỏi phải áp dụng các công nghệ về tin học và từ đó phải đặt ra yêu cầu đào tạo về công nghệ thông tin cho cán bộ, chuyên viên trong hệ thống tòa án...
Do đó, việc áp dụng mô hình xét xử trực tuyến mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát là hết sức cấp bách nhưng cũng cần phải có thời gian để chuẩn bị.