vĐồng tin tức tài chính 365

Giữ lại gì cho riêng mình...

2021-02-13 08:41
Giữ lại gì cho riêng mình... - Ảnh 1.

Như không ít người già khác trên thế giới hàng tỉ người của chúng ta, cô sống một mình. Căn hộ của cô nằm trên tầng bốn một chung cư cũ kỹ ở Krasnodar (Nga), không thang máy. Mỗi ngày, nếu khỏe, cô vẫn cố gắng xuống nhà dạo công viên, đi cửa hàng.

Con gái cô, sống ở đầu kia thành phố cùng gia đình riêng, chỉ có thể đều đặn gọi điện, vài ngày ghé qua thăm.

Ở tuổi 90, cô nói sức khỏe mình khá ổn, nếu không bắt đầu… quên. Tuổi già, chứng suy giảm trí nhớ và một năm chao đảo giữa COVID hoành hành như lời nhắc mỗi người về quỹ sống của mình, cùng cảm giác suy tổn chung của nhiều vấn đề quanh ta, và những suy tư rộng lớn hơn về hành tinh ta sống đang biến đổi...

Tháng chạp, Sài Gòn được thưởng những ngày mát lạnh bất ngờ. Cư dân thành phố chỉ biết hai mùa mưa nắng này thấy ân sủng đất trời, co ro trong những chiếc áo len hiếm khi mặc, đồng cảm hơn với cảnh tuyết rơi dày chưa từng thấy ở châu Âu. Và không thể không thấy những dự cảm bất an về khí hậu đang thay đổi…

Chờ hơi gió chướng

Góp thêm tiếng nói vào tình trạng thay đổi của khí hậu là nhà địa lý học Nicolas Crane trong cuốn sách nhỏ không quá 150 trang You are here! A brief guide to the world (Bạn đang ở đây. Cuốn sách ngắn về thế giới), nơi ông chia sẻ quan điểm về thế giới đang biến đổi, về con người, nơi chốn, về bản chất tương tác của các hệ thống trên Trái đất... Crane nói chúng ta "thèm khát hành tinh này đến nỗi ăn nó cho đến chết".

Có lẽ chẳng người Việt nào xa lạ với những con kênh hôi thối mà họ mơ sẽ được cải tạo thành những dòng xanh với những hàng cây soi bóng.

Những dòng nước như con sông Irwell ô nhiễm ở Massachusetts mà từ năm 1835 Alexis de Tocqueville đã mô tả là một "lực lượng sáng tạo bất thường của thành phố": "Từ cái cống hôi thối này đã chiết chảy ra thứ vàng tinh. Chính ở đây, tính nhân văn nhận về cho chính nó cả sự hoàn hảo lẫn tàn bạo, để nền văn minh tạo ra những điều kỳ diệu của nó, và để con người văn minh trở thành kẻ man rợ".

Cứ nhìn xung quanh, hẳn bạn đã quá quen cảnh những mảng xanh của các thành phố bị triệt hạ "phục vụ mục tiêu phát triển". Để rồi, trên những mảnh đất trống hiếm hoi, nhằm "sống xanh", người ta dựng những khung nhôm hợm hĩnh, ken chặt trên đó các chậu nhựa cỏ hoa ăn xổi ở thì. Một kiểu "hoàn hảo tàn bạo".

Trong nhiều thế kỷ phát triển, con người đã phá vỡ biết bao chu trình tự nhiên. 97% các nhà khí hậu đồng tình: xu hướng ấm lên của khí hậu thế kỷ qua chủ yếu do các hoạt động của con người, nhưng những nỗ lực nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu bốn năm qua đã thêm khó khăn bởi tính nết chính trị thất thường của một siêu cường.

Dì tôi làm nông ở Long An nói gió mùa năm nay lạ lắm. Thời dì còn con gái, mỗi mùa gió chướng đến, dù là cuối mùa lúa nhọc nhằn, đều mang tới tâm trạng vui sướng.

"Cuối năm, lúc giúp bà ngoại rê lúa, chỉ cần nghe hơi gió về, không hiểu sao lòng xôn xao không tả được. Hơi gió lành lạnh, hanh hao và tươi mới, như mở ra, như hứa hẹn một điều gì đó. Còn năm nay? Sao cuối tháng chạp rồi vẫn chưa nghe hơi gió bấc? Hay hết rồi con ơi, khí hậu đã thật sự thay đổi rồi?".

Khi tôi thiếu tôi

Nhưng nhân loại dường như không quá lo âu, bởi họ tự hào đã chinh phục không chỉ thế giới tự nhiên mà còn làm chủ các công nghệ giúp loài người lên kế hoạch cho tất cả mọi thứ, bận lòng chi những mùa gió…

Bạn nhận ra cảm giác này khi ghé vào nhà sách, nơi những dòng sách "phát triển bản thân" thời thượng hơn bao giờ hết. Những "Tư duy tận dụng", "Tư duy đặt cược", "Tư duy đối xứng" giúp ta rèn luyện bộ não, những " 55 bài học ứng xử", "Thành đạt ở tuổi 30", "Chinh phục hỗn loạn" giúp bạn có một "Hành trình thành công của tuổi trẻ"...

Nhưng Guy Claxton trong cuốn Intelligence in the flesh (Trí tuệ trong xương thịt) từng chỉ ra: "Cơ thể, ruột, các giác quan, hệ miễn dịch, hệ bạch huyết đều tương tác tức thời và vô cùng phức tạp với bộ não đến nỗi chúng ta không thể kẻ một đường qua cổ và nói rằng bên trên đường kẻ này là một bộ phận thông minh, còn bên dưới đường kẻ là đầy tớ".

Và tác giả người Anh Matt Haig trong cuốn sách xuất bản năm 2018 Notes on a nervous planet (Ghi chép về một hành tinh âu lo) ta thán: "Những cuốn sách khiến ta cười hoặc rung động trái tim lại không được coi trọng bằng những cuốn sách khiến chúng ta phải suy nghĩ".

Nhân loại thế kỷ 21 đã tiến xa đến mức thay thế tự nhiên, tự mình đứng ra chọn lọc thế hệ tương lai ưu việt dưới góc nhìn của những "con người suy nghĩ" đó.

Nhà văn, tiến sĩ khoa học máy tính người Ba Lan Janusz Wisniewski trong tập tiểu luận Lời thú tội dang dở kể ông đã "thấy run" khi lọt vào phòng khám thụ thai nhân tạo ở Bridgeport (Mỹ), nơi thiết kế bào thai, một ngành kinh doanh béo bở hàng tỉ đôla.

Ông kể về một "phôi thai cao cấp, hạng A", có bốn cha mẹ: hai cha mẹ sinh học và hai cha mẹ nuôi dưỡng (một đôi đồng tính). Không biết nhà văn của Cô đơn trên mạng này sẽ cảm thấy gì khi đọc trên CNN về một "phôi thai bị từ chối", có tuổi đời còn già hơn người mẹ sinh ra mình?

Bé gái Emma Gibson ra đời từ một trong bốn phôi thai được yêu cầu thụ tinh trong ống nghiệm hồi thập niên 1990, nhưng vì lý do nào đó người ta không dùng nữa, nên được liệt vào "các phôi thai bị từ chối".

Những phôi thai này được gửi đến các cơ sở y tế, tôn giáo, dành tặng cho những ai có nhu cầu. Phải 30 năm sau người có nhu cầu với phôi thai Emma mới xuất hiện. Đó là Tina Gibson đã nhận thụ thai và sinh Emma năm 29 tuổi. Ba phôi thai còn lại tiếp tục lưu kho.

Có lẽ cảm giác chung vẫn là sự ngạo mạn của loài người.

Những thứ khiến ta là mình

Một loài người đang lao nhanh trên con đường công nghệ, chẳng kịp hiểu sẽ về đâu trong "phòng thí nghiệm Internet hỗn loạn nhất họ từng có", như thừa nhận của giám đốc điều hành Google Erick Schmidt.

Mới đầu thiên niên kỷ 2000, loài người đó còn xa lạ với selfie, nói gì đến YouTube, WhatsApp, FaceTime, Skype, Facebook, Bitcoin… Nhưng với đà phát triển hiện nay, rất có thể tất cả những thứ ấy chẳng bao lâu nữa sẽ bị khai tử, giống số phận những chiếc máy fax, các loại di động "cùi bắp", máy nhắn tin pager, CD và những modem mạng dial-up...

Matt Haig nói: "Nhân loại đang đi trên con đường hướng đến nhiều trạng thái hợp nhất khác nhau, mà nhiều đường đi thậm chí không còn điểm quay về", với định nghĩa trạng thái hợp nhất là "điểm mà ở đó trí tuệ nhân tạo trở nên thông minh hơn con người thông minh nhất…

Loài người sẽ hợp nhất với công nghệ này, cùng nó phát triển và trở thành những người máy bất tử hạnh phúc; hoặc những robot máy tính xách tay, lò nướng bánh có tri giác của chúng ta sẽ chiếm lĩnh mọi thứ và loài người sẽ trở thành thú cưng, nô lệ hay bữa ăn thịnh soạn của chúng".

Con người được máy tính chăn dắt? Bạn cười vì lời khuếch đại này. Nhưng thử nghĩ xem: Chỉ hơn một thập niên trước ta còn kín đáo viết nhật ký, giấu kỹ để không ai đọc được những nỗi niềm riêng.

Còn giờ đây, ta kể cho cả những người chưa biết mặt món ta ăn bữa trưa, góc cà phê cô đơn ban chiều, đời ta phơi bày đến ngán ngẩm trong cuốn nhật ký mở là mạng xã hội. Ta là những facebooker mẫn cán phục vụ những ông chủ công nghệ và kinh doanh.

Bạn tôi ngày nào cũng cần cù đưa lên trang Facebook của mình ảnh cá nhân kèm những lời hát tâm đắc, nên khi nữ danh ca chị yêu thích qua đời, Spotify "tự nhiên" trình ra cho chị danh sách các bài hát làm nên tên tuổi của người nghệ sĩ.

Chị nghe lại, lẩy ra câu "hẹn nhau mùa cũ yên vui" từ một bài hát làm dòng trạng thái cho mình hôm đó. Rồi bỗng nhiên ngớ ra, chị hỏi tôi: Đó là trạng thái của chị, hay của trí tuệ nhân tạo vậy?

Tôi không biết trả lời chị thế nào. Nhưng có lẽ sẽ hay hơn nếu mỗi con người giữ lại được gì đó cho riêng mình? Bởi có những thứ tốt nhất chỉ nên giữ cho riêng mình. Những thứ làm nên mỗi con người chúng ta, khiến chúng ta khác những người khác.

Những thứ khiến chúng ta giày vò, giằng xé hay hân hoan, viên mãn, những thứ giúp chúng ta có một nội hàm riêng nào đó, chúng ta không trống rỗng, không thiếu chính mình đến độ dễ dàng hòa lẫn vào những trào lưu của đám đông: cùng cầu nguyện, cùng thắp nến, cùng ôm… người lạ?

Những thứ giúp ta không trở thành người mang cảm xúc tập thể mà cứ đinh ninh là cảm xúc của riêng mình.

Tuổi già hiu quạnh chốn quêTuổi già hiu quạnh chốn quê

TTO - Có những gia đình nơi chốn quê, cha mẹ sinh con đàn cháu đống. Khi về già tưởng chừng sống vui vẻ, an nhàn bên con cháu. Thế nhưng hiện có rất nhiều ông bà, cha mẹ phải sống tuổi già trong cô độc, xế bóng thiếu vắng con cháu!

Xem thêm: mth.2952628140201202-hnim-gneir-ohc-ig-ial-uig/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Giữ lại gì cho riêng mình...”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools