Hãng tin Reuters hôm 12-2 dẫn lời Ủy hội sông Mekong (MRC) cho biết mực nước sông Mekong đang thấp ở mức “đáng lo ngại”, một phần vì hạn chế dòng chảy từ các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn. Đồng thời MRC kêu gọi Bắc Kinh chia sẻ tất cả các dữ liệu về dòng chảy.
Mực nước sông Mekong xuống thấp đáng lo ngại. Ảnh: Paritta Wangkiat/AFP FORUM
MRC nói rằng màu nước sông Mekong dọc biên giới Lào và Thái Lan đã chuyển từ màu nâu sang màu xanh lam, màu nước báo hiệu mực nước nông và phù sa thấp, một phần vì hạn chế dòng chảy từ đập Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Đồng thời MRC còn cho biết lượng mưa thấp và hoạt động của các đập thủy điện trên dòng sông cũng góp phần làm giảm mực nước.
Giám đốc Bộ phận Hỗ trợ Kỹ thuật của Ban Thư ký MRC Winai Wongpimool nói rằng: “Đã có những đợt dâng và giảm đột ngột mực nước ở vùng hạ lưu đập Cảnh Hồng kéo dài xuống thủ đô Viientiane của Lào”.
Theo ông Wongpimool, những biến động như vậy sẽ ảnh hưởng tới việc di cư của các loài cá, nông nghiệp và giao thông vận tải của gần 70 triệu người với sinh kế và an ninh lương thực phụ thuộc vào dòng sông này.
“Để giúp các quốc gia vùng hạ lưu sông Mekong quản lý các rủi ro một cách hiệu quả, chúng tôi kêu gọi Trung Quốc và chính các nước vùng hạ lưu sông Mekong chia sẻ kế hoạch xả nước với chúng tôi” - ông Wongpimool cho biết.
MRC nhấn mạnh các tình trạng bình thường sẽ khôi phục nếu lượng nước được xả từ các đập Trung Quốc ở thượng nguồn.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản bác thông tin trên và nói rằng còn nhiều nguyên nhân khác gây ra tình trạng hạn hán vùng hạ lưu.
Năm ngoái, Trung Quốc đã cam kết chia sẻ dữ liệu từ các con đập với các nước thành viên MRC bao gồm Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Theo tờ Asia Times, cho đến nay, Trung Quốc đã xây dựng 11 đập thủy điện lớn trên sông Mekong. Những con đập này không chỉ khiến mực nước ở đây thay đổi thất thường mà còn làm giảm dòng phù sa, giảm luồng cá xuống hạ nguồn và làm mất đi tính đa dạng sinh thái của con sông.
Một báo cáo cho biết vào cuối tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã giảm lượng nước xả từ đập Cảnh Hồng trên sông Mekong từ 1.904 m3/giây xuống 1.000 m3/giây, tức giảm đến 47% lưu lượng nước so với bình thường.
Tuy nhiên phải mất đến một tuần sau Trung Quốc mới thông báo cho các nước hạ lưu về việc điều tiết sau khi công cụ Giám sát đập trên sông Mekong (MDM) của Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington (Mỹ) thông báo cho Ủy hội sông Mekong (MRC) về phát hiện dòng chảy bất thường trên dòng sông này
Vào tháng 1, Trung Quốc thông báo cho các nước láng giềng về việc chứa nước cho các con đập tới ngày 25-1.
Theo MRC, lượng nước xả của đập Cảnh Hồng là 785 mét khối/giây vào đầu tháng 1 trước khi tăng lên 1400 mét khối/giây vào giữa tháng 1. Đến ngày 11-2, lượng nước xả lại giảm còn 800 mét khối/giây.